Nghiên cứu - Trao đổi

Một số lưu ý khi giảng bài 2 xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Ngày Đăng: 13/2/2017 15:8 Lượt xem: 2770

Một số lưu ý khi giảng bài 2 xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo tinh thần văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

          Quan điểm của Đảng ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là quá trình đúc kết, kế thừa, vận dụng tư tưởng về Nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước, pháp luật kiểu mới và thực tiễn xây dựng Nhà nước kiểu mới ở nước ta, nhất là trong những năm đổi mới vừa qua.
          Nhà nước pháp quyền theo quan điểm của các nhà tư tưởng trong lịch sử nhân loại là Nhà nước bảo đảm tính tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội, trong đó pháp luật phải phản ánh ý chí chung, lợi ích chung của nhân dân; thực hiện và bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân; chịu trách nhiệm trước công dân về những hoạt động của mình và yêu cầu công dân thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; có hình thức tổ chức quyền lực Nhà nước thích hợp bảo đảm chủ quyền thuộc về nhân dân, tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; ngăn chặn được sự tùy tiện, lạm quyền từ phía Nhà nước, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, kể cả vi phạm pháp luật của các cơ quan và công chức nhà nước.
          Như vậy, Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước gắn với một giai cấp (nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa) mà là hình thức tổ chức quyền lực nhà nước, bảo đảm tổ chức hoạt động của nhà nước tuân theo quy định của pháp luật, thực hiện được quản lý xã hội theo pháp luật, bảo đảm chủ quyền và quyền tự do, dân chủ của nhân dân hay nói một cách khái quát thì Nhà nước pháp quyền là một mô hình, phương thức tổ chức nhà nước và xã hội dựa trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật. Ở nhà nước ta Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa làNhà nước xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp, quản lý xã hội theo pháp luật nhằm phục vụ lợi ích và hạnh phúc của nhân dân, do Đảng tiền phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đồng thời chịu trách nhiệm trước nhân dân và sự giám sát của nhân dân[1].Đảng ta đã nhận thức được tính tất yếu khách quan, cấp thiết việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ngay từ năm 1922, trong bài Việt Nam yêu cầu ca,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta đã chính thức nêu vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân. Trải qua các hội nghị và các kỳ Đại hội Đảng, nhất là từ Đại hội VIII (năm 1996) đến nay, nhận thức của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền XHCN và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng được bổ sung và có những bước phát triển quan trọng. Tại Đại hội XII, Đảng ta có những bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó vừa làm sâu sắc thêm những quan điểm, tư tưởng đã được thể hiện nhất quán trong các văn kiện trước đó của Đảng, vừa có những phát triển mới đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tiễn. Chính vì vậy, khi truyền đạt những nội dung liên quan đến mục 2. Phương hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thuộc bài 2 phần học III.1 trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, giảng viên cần chú ý nêu bật được một số nội dung sau:
          Thứ nhất, nêu những điểm mới về hoàn thiện nhà nước pháp quyền theo tinh thần Văn kiện đại hội XII một cách khái quát nhất.
Đại hội XII xác định: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn. Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tính gọn, hiệu lực; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ hiến pháp và pháp luật. Điểm mới nổi bật trong phương hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được Đại hội XII xác định so với Đại hội XI là “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật”[2]
Kế thừa Đại hội XI, Đại hội XII hoàn thiện hệ thống nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó có những nhiệm vụ, giải pháp mới, nổi bật[3]:
          Một là, tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng các đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
          Hai là, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước. Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.
          Ba là, xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền.
          Bốn là, thực hiện thí điểm dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và ở cấp huyện; mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh cán bộ quản lý. Hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính.
          Thứ hai, cập nhật những điểm mới ngay trong từng phương hướng cụ thể. Ví dụ,Trong mục 2.1. “Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân”. Ngoài nội dung dân chủ thể hiện trong xây dựng Nhà nước, trong quản lý xã hội như giáo trình trình bày, nhiệm vụ của giảng viên phải nhấn mạnh nội dung phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân theo tinh thần Đại hội XII: “dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”[4]. “Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”[5]. “Để thực hện dân chủ trong xã hội, trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy dân chủ trong xã hội”[6]. Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội.
          Với phương hướng thứ hai trong mục 2.2. “Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật” giảng viên cần phải nghiên cứu, bổ sung nội dung định hướng quan trọng trong xây dựng hệ thống pháp luật theoKết luận số 01-KL/TW ngày 04/04/2016, Bộ Chính trịvề việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong cả khóa hoặc từng kỳ họp của Quốc hội để đảm bảo tính thời sự trong bài giảng của giảng viên. Với mục 2.3. “Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội”; Giảng viên nên cập nhật những đánh giá về hoạt động của Quốc hội trong báo cáo chính trị trình tại Đại hội XII của Đảng trong Văn kiện Đại hội XII(tr.172), phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong Văn kiện Đại hội XII (tr177). Nghiên cứu đưa nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ một cách hợp lý vào mục 2.7. “Đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực khác trong bộ máy nhà nước” và mục 2.8. “Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
          Thứ ba, giải thích một cách logic về các nội dung đề cập trong giáo trình về phương hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Giảng viên cần phải nhấn mạnh lại nội dung Nhà nước pháp quyền là một mô hình, phương thức tổ chức nhà nước và xã hội dựa trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật,do vậy, phương hướng thứ nhất là phát huy dân chủ, bảođảm quyền làm chủ của nhân dân là rất cần thiết vì pháp luật của một quốc gia dân chủ phải do nhân dân của quốc gia đó xây dựngvà pháp luậtấy phải bảo vệ lợi ích của nhân dân. Muốn có cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân thì phải thực hiện tốtphương hướng thứ hai về xây dựng nhà nước pháp quyền đó là đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong xây dựng, ban hành luật đó là Quốc hội, nên giáo trình đề cập đến phương hướng thứ ba “Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội” là phương hướng thể hiện tính logic rất cao về mặt lý luận trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Có luật rồi thì pháp luật phải được tổ chức thực hiện tốt trên thực tế, muốn cho pháp luật đi vào cuộcsống thì việc đẩy mạnh cải cách hành chính là cần thiết, trọng tâm là cơ quan hành chính nhà nước, hệ thống cơ quan chủ yếu đưa pháp luật và trong đời sống xã hội. Trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những hành vi sai lệch chính vì vậy cần phải xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật, muốn xử lý tốt thì hoạt động đẩy mạnh cải cách tư pháp là rất quan trọng, trong đó nòng cốt là đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan Tòa án…. Việc giải thích một cách logic về các phương hướng xây dựng nhà nước pháp quyền vừa đảm bảo tínhvấn đề cốt lõi mang tính chất lý luận của vấn đề,vừa tránh được tính trích nguyên văn, khô cứng nội dung văn kiện mà lại đảm bảo cập nhật những nội dung mới Văn kiện Đại hội XII của Đảng một cách linh hoạt nhất.
           Để giảng viên truyền đạt tốt nội dung Bài 2 “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chínhvừa đảm bảo tính logic lý luận, vừa cập nhật kiến thức mới, một mặt góp phần vào công tác tuyên truyền nội dung văn kiện của Đảng làm cho văn kiện của Đảng trở thành hiện thực trong cuộc sống.Ngoài việc nắm rõ yêu cầu, đặc trưng của Nhà nước pháp quyềnthì giảng viên cần nắm rõ quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền một cách xuyên suốt trong văn kiện của Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ và nhất là quan điểm của Đảng về hoàn thiện nhà nước pháp quyền theo tinh thần Đại hội XII của Đảng là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai
Giảng viên khoa Nhà nước – Pháp luật
 
 
 

[1]Giáo trình trung cấp lý luận hành chính Tr.37 phần học III.1. Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.175.
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.175-181.
[4] Văn kiện Đại hội XII, Sđd, tr.169
[5] Văn kiện Đại hội XII, Sđd, tr.169,39.
[6] Văn kiện Đại hội XII, Sđd, tr.170.
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289834

Đang Online : 60