Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Yên Sơn thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động nông dân

Ngày Đăng: 17/2/2017 16:20 Lượt xem: 600

          Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nho giáo yêu nước, ngay từ khi còn nhỏ, Người đã gắn bó với xóm làng và người nông dân, vì vậy Người sớm có tình cảm và hiểu biết sâu sắc về người nông dân. Trong quá trình tìm đường cứu nước Người đã thấu hiểu về nông dân ở các nước tư bản, các nước thuộc địa đều bị áp bức năng nề và đau khổ. Vì thế, trong Người đã sớm hình thành tư tưởng giải phong giai cấp nông dân. Khi Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin - lý luận cách mạng và khoa học đã giúp người tìm thấy con đường đúng đắn để giải phong nông dân xứ mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Theo Người, nông dân muốn giải phóng khỏi áp bức bất công thì không có con đường nào khác là phải tham gia vào phong trào cách mạng do công nhân lãnh đạo. Tư tưởng của người về công tác vận động nông dân tập trung vào các nội dung cơ bản:
          Thứ nhất, theo Người vị trí của người nông dân trong xã hội là những người lao động tham gia trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp - nhân tố chủ yếu của lực lượng sản xuất và là người tư hữu nhỏ.
          Thứ hai, vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam
          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy ở họ những tiềm năng to lớn và quý giá, đó là với số lượng chiếm đại bộ phận trong dân tộc, nên “Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh[1].
          Nhìn rõ tiềm năng to lớn của nông dân, Hồ Chí Minh đã kêu gọi dân tộc, trong đó “nông dân là quân chủ lực” hãy đứng dậy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Nhờ vậy, Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân đã đứng lên đấu tranh góp phần đưa cách mạng tháng Tám đến thành công.
          Thứ ba, mối quan hệ giữa giai cấp nông dân và giai cấp công nhân
          Theo Người nông dân luôn là người bạn tin cậy, là đồng minh trung thành của giai cấp công nhân. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thì giai cấp nông dân sẽ là “chủ cách mạng”, “gốc cách mạng”, “động lực cách mạng”. Nhận định đúng đắn này xuất phát từ đặc điểm chung của nông dân Việt Nam và nó là cơ sở để xây dựng lực lượng cách mạng đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi
          Thực tế chứng minh khi thực hiện sự nghiệp kháng chiến kiến quốc giai cấp nông dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đã kề vai, sát cánh với công nhân trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Bác đã nói“nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân”[2]. Vào thời gian cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh khẳng định: “tối đại đa số nhân dân ta là nông dân. Mấy năm nay nhờ lực lượng nông dân mà kháng chiến được thắng lợi. Sau này cũng nhờ lực lượng nông dân mà kháng chiến được hoàn toàn thắng lợi, kiến quốc đi đến thành công"[3].
          Thứ tư, về công tác vận động nông dân
           Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vận động nông dân là phải vận thế nào cho toàn thể nông dân đồng nghĩa là: làm cho nông dân hiểu quyền lợi của dân tộc và của giới mình; làm cho nông dân vào Hội Nông dân cứu quốc cho đông, để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc[4].
           Bởi vậy, khi bàn về công tác vận động nông dân trong cách mạng Việt Nam, Người chỉ rõ:
           Một là, phải tổ chức nông dân thật chặt chẽ
          Hai là, đoàn kết nông dân thật khăng khít
          Ba là, huấn luyện nông dân thật giác ngộ
          Bốn là, lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, của tổ quốc
          Nhận thức được vị trí ,vai trò của nông dân và hiện thực hóa tư tưởng của Bác về công tác vận động nông dân, năm qua dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền địa phương, sự quan tâm của các cấp các ngành và đặc biệt là sự nỗ lực của cán bộ, hội viên các cấp hội Nông dân huyện Yên Sơn đã không ngừng nỗ lực, đề ra nhiều giải pháp nhằm đoàn kết tập hợp nông dân hướng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương. Kết quả cụ thể như sau:
          Công tác tổ chức, đoàn kết tập hợp nông dân được mở rộng: Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở Hội đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt chi, tổ hội bằng nhiều hình thức phong phú như thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm, đội nhằm củng cố, nâng cao chất lượng các chi, tổ, cơ sở Hội. Qua các hoạt động đã thu hút tập hợp thêm nhiều hội viên vào tổ chức hội. Năm 2016 kết nạp được 980 hội viên, nâng tổng số nông dân tham gia sinh hoạt Hội là 26.755 hội viên, đạt 90% nông dân vào tổ chức.
          Công tác lãnh đạo nông dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua của Hội và địa phương được đẩy mạnh như phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững luôn được các cấp hội quan tâm, Năm 2016 có 7.778 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đạt 101.4% kế hoạch đề ra. Trong đó, có 12 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh có 100 hộ, cấp huyện 725 hộ và cấp cơ sở 6.941 hộ. Số hộ nông dân được cấp giấy chứng nhận trang trại là 115 hộ. Qua phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững như nông dân Phạm Đình Huỳnh xã Tứ Quận với mô hình xây dựng hợp tác xã chè Quang Minh tạo việc làm thường xuyên cho 5 hội viên, việc làm mùa vụ cho 30 hội viên với mức lương từ 3 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm nộp ngân sách Nhà nước trên 1 tỷ đồng hay hộ Phạm Đình Thắng hội viên nông dân xã Lực Hành với mô hình Hợp tác xã Miến dong Hợp Thành đã tuyên truyền, vận động nông dân trồng cây dong riềng, cung cấp cho Hợp tác xã với diện tích sản xuất 300ha; sản lượng: 1.200 tấn/năm; năng suất: 75tấn. Năm 2016 cho thu nhập 290 triệu đồng. Mô hình trồng cam Trần Quốc Quân tại Thắng Quân với 4ha, năm 2016 thu nhập 1,2 tỷ đồng...
          Để tổ chức dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, hội đã xây dựng và sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân hiệu quả và phối hợp với Ngân hàng Chính sách- Xã hội cho trên 3.700 hội viên nông dân vay vốn với tổng dư nợ trên 86 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thành lập 63 tổ liên kết vay vốn sản xuất kinh doanh với sự tham gia của trên 400 hội viên và  đã giải ngân trên 16 tỷ đồng.    
          Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, kết quả thực hiện chỉ tiêu xây dựng mô hình kinh tế tập thể: tiếp tục quản lý và duy trì hoạt động có hiệu quả 105 tổ hợp tác tại 14 cơ sở Hội.
          Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới: hội nông dân huyện tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, góp sức xây dựng đường làng, ngõ xóm, kênh mương nội đồng và nhà sinh hoạt cộng đồng sạch, đẹp khang trang đời sống kinh tế của hội viên nông dân ngày càng được nâng lên. Duy trì 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Mỹ Bằng, Hoàng Khai và năm 2016 thêm xã Nhữ Hán đạt chuẩn nông thôn mới.
Hội viên nông dân trong toàn huyện tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, đời sống văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được cải thiện. Kết quả, năm 2016 có 21.975 hộ gia đình văn hóa  đạt 100,4% kế hoạch đề ra.
          Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh được đẩy mạnh, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong toàn huyện được giữ vững, ổn định. 100% tổ hòa giải tại các thôn đều có thành viên là chi hội trưởng chi hội nông dân. Phối hợp thực hiện tốt các chương trình, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Kết quả toàn huyện có 190 thanh niên là con em hội viên nông dân lên đường nhập ngũ, 24 thanh niên đi nghĩa vụ công an, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao. Duy trì hoạt động có hiệu quả của 30 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại 30 cơ sở Hội.
          Công tác huấn luyện nông dân: hoạt động dạy nghề cho nông dân ngày một phát triển, trong năm đã phối hợp với các cơ quan hưu quan, các cấp các ngành tập huấn chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho hàng chục nghìn lượt hội viên.                                 
          Như vậy, tư tưởng của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của nông dân Việt Nam trong lịch sử của dân tộc cũng như trong công cuộc cách mạng Việt Nam. Người đã chỉ ra sức mạnh to lớn của nông dân, vai trò của nông dân trong xây dựng khối liên minh công - nông dưới sự lãnh đạo của Đảng để tiến hành cách mạng vô sản, cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, tư tưởng của Người về xây dựng nông thôn mới với chủ thể là người nông dân mới, phát triển nông nghiệp toàn diện và tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mãi là kim chỉ nam dẫn đường cho công tác vận động nông dân, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Yên Sơn nói riêng và toàn Đảng và toàn dân tộc ta nói chung trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ 
Trưởng khoa Dân vận

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.1995, Tr. 710
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.1995, Tr. 1710
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.1995, Tr.179
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.1995, Tr.711

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8372437

Đang Online : 4061