Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Một vài suy nghĩ về phong cách sống giản dị và tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày Đăng: 27/2/2017 15:55 Lượt xem: 1278

 
 “Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”
         Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một con người mà trong suốt cuộc đời của mình đã hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Một con người luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên, một đời “sống cho tất cả, chỉ quên mình. Dù Bác đã đi xa, nhưng qua những câu chuyện kể, qua hồi ức của những người đã sống và làm việc cùng Người… dường như, Bác vẫn còn ở nơi đây, gần gũi và thân thuộc. Tất cả những gì thuộc về Người đều trở nên gắn bó, hòa quyện cùng với non sông, đất nước, làm nên một huyền thoại - một phong cách Hồ Chí Minh.
         Nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người; thể hiện một nhân cách lớn, siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn. Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ.
         Trước Đại hội VII (6/1991) Đảng ta thường dùng khái niệm “tác phong” để nói về “tác phong Hồ Chủ tịch”. Hai chữ “tác phong” được hiểu là phong cách làm việc và phong cách công tác của Hồ Chí Minh. Từ Đại hội VII “tác phong” được thay bằng “phong cách” trong cụm từ “Tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ đây, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thường được nói liền với nhau, thể hiện đặc trưng phong phú trong toàn bộ cuộc sống và hoạt động của Bác.
         Phong cách là khái niệm được các nhà nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau bình luận và có nhiều cách hiểu khác nhau. Nhưng nhìn chung có hai cách hiểu cơ bản:
         Phong cách theo nghĩa hẹp: là những đặc điểm có tính hệ thống tư tưởng và nghệ thuật, những đặc trưng thẩm mỹ về nội dung và hình thức thể hiện, tạo nên những giá trị, những nét đặc trưng của một nghệ sĩ hay nhà tư tưởng. Phong cách theo nghĩa rộng: là lề lối, cách thức, phong độ và phẩm cách đã trở thành nề nếp ổn định của một người hoặc một lớp người được thể hiện trong các mặt hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà chủ thể tạo nên những nét độc đáo riêng của chính mình.
         Khái niệm phong cách ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng. Đối với một người thì phong cách gắn liền với truyền thống, tập quán, thói quen do hoàn cảnh sống của người đó quy định, đồng thời nó mang dấu ấn cá nhân người đó. Con người tiếp thu những truyền thống, tập quán tốt đẹp và khắc phục thói quen xấu như thế nào đều phụ thuộc vào khí chất của người đó. Cũng trong hoàn cảnh sống như nhau nhưng ở từng người có phong cách không hoàn toàn giống nhau. Phong cách có liên quan tới đạo đức, song phong cách không phải là đạo đức mà là tư tưởng và những chuẩn mực đạo đức được nhận thức, được thể hiện ra cuộc sống của con người. Nói phong cách khiêm tốn, giản dị chính là chuẩn mực đạo đức cần, kiệm, liêm chính được con người nhận thức và thể hiện trong cuộc sống đời thường.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng nói: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong cuộc đời của mình, có lẽ chưa một lần Người nghĩ mình sẽ là một tấm gương để mọi người noi theo. Những hành động, cử chỉ của Người trong cuộc sống thường ngày giản dị, tiết kiệm như con người vốn có của Bác. Đó là “Cần - kiệm - liêm - chính”; “Chí công vô tư” và một tấm lòng luôn nghĩ về quê hương, đất nước, nhân dân. Bởi vậy, trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Người đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[1]
        Chúng ta xúc động, nghẹn ngào và tự hào biết bao khi một vị lãnh tụ - Chủ tịch nước có lối sống giản dị, tiết kiệm và rất gần gũi với người dân như Bác. Khi ở Pari hoa lệ hay lúc về hoạt động bí mật tại Pác Bó, hay cả khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn thích lối ăn đạm bạc, mang đậm truyền thống quê hương. Dù khó khăn vất vả song ở Người vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan:
                                                                      “Sáng ra bờ suối, tối vào hang
     Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
       Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
                Cuộc đời cách mạng thật là sang”[2]
                                                     (Tức cảnh Pác bó)
         Quần áo và cách ăn mặc của Bác vô cùng giản dị, gần gũi và thân quen như mọi người xung quanh mà vẫn lịch sự, tao nhã. Hành trang của vị Chủ tịch nước, là thượng khách của nước Pháp, cũng chỉ có hai bộ quần áo ngoài, một bộ bằng kaki, một bộ bằng dạ cùng vài bộ đồ lót vừa xếp gọn trong chiếc vali nhỏ. Dùng lâu, quần áo đã cũ, sờn nhưng Người vẫn không chịu cho may bộ mới.
         Bên cạnh đó, tiết kiệm là một trong những nội dung luôn được Bác Hồ rất mực coi trọng. Trong suốt thời gian lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Bác luôn nhấn mạnh vai trò và tầm ý nghĩa của tiết kiệm trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của nước ta. Người đã đưa ra cách hiểu đối với khái niệm tiết kiệm như sau: Theo Bác, tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to hơn cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt là để giúp tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực.
         Là một nước nông nghiệp, từng hạt lúa, hạt gạo đều là mồ hôi, nước mắt của người nông dân. Bởi “ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”, chính vì thế, khi chúng ta có cơm ăn thì càng phải trân trọng từng hạt cơm. Đối với Bác Hồ - một lãnh tụ của đất nước cũng không ngoại lệ. Khi ăn, không bao giờ Bác để rơi cơm. Đồng chí Phạm Văn Đồng có lần kể: Ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm. Bởi vì Cụ trọng và tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo. Thêm vào đó, khi dùng các món ăn bao giờ Bác cũng dùng hết, không để thừa lãng phí. Hồi 1957, Bác về thăm quê, lần ăn cơm với lãnh đạo tỉnh, khi đưa thêm các món ăn, Bác gạt đi: Dùng hết lấy thêm, đừng để người khác ăn thừa của mình.
         Bác tiết kiệm tất cả mọi thứ có thể, đến cái nhỏ như tờ giấy bởi: “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai, ba lần”. Và Bác đã làm để mọi người bắt chước là hàng ngày, các văn bản Bác đều viết ở mặt sau của bản tin Thông tấn xã Việt Nam; còn phong bì Bác đều dùng lại phong bì của các nơi gửi tới đến hai, ba lần.
         Cách ứng xử của Bác với tiền tài, cái ăn, cái mặc, cơ sở vật chất rất chắt chiu, tằn tiện nhưng vẫn rộng rãi, không hoang phí mà cũng không keo kiệt, “ki bo”. Tính tiết kiệm, sử dụng đồ đạc có khoa học của Bác luôn là những bài học quý giá mà mỗi người chúng ta cần học tập và làm theo.
Các đồng chí ở gần Bác đều cho biết Bác rất tiết kiệm. Có đôi tất rách đã vá đi, vá lại mấy lần Bác cũng không dùng tất mới. Bác nói:
         - Cái gì còn dùng được thì nên dùng. Bỏ đi không nên…
         Khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng, Bác xoay chỗ rách vào bên trong rồi cười xí xóa:
         - Đấy, có trông thấy rách nữa đâu…
         Có quả chuối hơi nẫu, anh cán bộ chê không ăn, Bác lấy dao gọt phần nẫu đi, bóc ăn ngon lành, rồi nói:
         - Ở chiến khu có được quả chuối này cũng đã quý…
         Câu nói và việc làm của Bác làm đồng chí cán bộ hối hận mãi. [3]
         Bài học về sự giản dị và tiết kiệm của Bác không chỉ có ý nghĩa trong thời kỳ đất nước ta đang dồn sức người, sức của cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà mà bài học ấy cho tới hôm nay vẫn còn nguyên giá trị khiến chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở... nhìn lại chính bản thân mình.
         Hòa chung với xu thế phát triển của thời đại, Việt Nam cũng đã và đang chịu ảnh hưởng với những biến động của nền kinh tế thế giới, của sự biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất. Lương thực toàn cầu đang trở thành một vấn đề nóng bỏng; nguồn điện phải cắt giảm... Một lần nữa bài học về lối sống giản dị, tiết kiệm của Bác khiến chúng ta phải suy nghĩ về những hành động, ứng xử của mình. Bác tiết kiệm không phải là mang lại lợi ích cho cá nhân Bác, mà lớn hơn là mang lại lợi ích cho mọi người, cho cộng đồng. Bởi những điều lãng phí nhỏ góp lại sẽ thành những cái lãng phí lớn. Nếu chúng ta biết trân trọng những gì mình đang có; trân trọng những điều tưởng chừng như nhỏ bé nhất là chúng ta đã chung tay góp công sức nhỏ bé của mình vì mục đích chung của cộng đồng. Ví dụ như: tắt những thiết bị điện không cần thiết, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả; sử dụng thời gian hiệu quả, tránh lãng phí từ những điều nhỏ nhất…
         Tại Lễ truy điệu Người, trong Điếu văn Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Duẩn đọc đã khẳng định suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch”; và những năm sau đó, khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” với yêu cầu học tập và làm theo gương Bác đã được toàn Đảng, toàn dân nêu cao thực hiện.
        
Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” Chỉ thị 05-CT/TW có nội dung rộng hơn, phong phú hơn, rõ ràng hơn và yêu cầu cũng cao hơn. Nhưng bao trùm của Chỉ thị 05 là: Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ. Không lý thuyết, không nói suông, không chung chung, hình thức. Phải gắn việc học tập và làm theo tấm gương của Bác với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương và với mỗi một cán bộ, đảng viên.
         Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng suốt cuộc đời của Bác, mỗi lời nói, hành động dù rất khiêm tốn, giản dị nhưng bao giờ cũng hàm ẩn những tư tưởng vĩ đại và những bài học đạo đức nhân văn lớn lao. Thiết nghĩ, bất cứ ai soi mình vào tấm gương của Bác cũng đều tìm thấy cho bản thân những điều có thể học tập và làm theo. Điều đó giúp mỗi cá nhân hoàn thiện mình hơn và để lan tỏa mãi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.161-162
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1995, tập 3, tr.196
[3] 117 câu truyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo TW, NXB CTQG - 2007

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8372444

Đang Online : 4068