Nghiên cứu - Trao đổi

Những đóng góp của Tổng Bí thư Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng và sự vận dụng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay

Ngày Đăng: 30/3/2017 9:0 Lượt xem: 338

         Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
        Trong quá trình giữ trọng trách quan trọng của Đảng, đồng chí Trần Phú đã có nhiều đóng góp to lớn, trong đó đóng góp của đồng chí về công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa hết sức to lớn và được khái quát ở một số nội dung cơ bản sau:
         Thứ nhất, những đóng góp của đồng chí Trần Phú trong việc củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy Đảng, Mặt trận, đoàn thể, phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu của cách mạng.
        Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã lãnh đạo, trực tiếp soạn thảo, hoàn thiện, triển khai các văn kiện và thực hiện việc phát triển các tổ chức đảng, các tổ chức chính trị, đoàn thể, hội quần chúng nhằm tập hợp, đoàn kết thống nhất mọi lực lượng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
         Trong Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Trần Phú đã nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng và những vấn đề đặt ra trong xây dựng Đảng. “Điều kiện cốt yếu cho thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản” (1). Trong đó đồng chí đặc biệt coi trọng công tác tổ chức của Đảng: công việc tổ chức là một phần công việc rất quan trọng của Đảng. Nếu công việc đó làm không đúng thì nguy hại cho Đảng rất lớn.
        Dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10/1930 đã thành công tốt đẹp, đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt của Đảng ta. Hội nghị đã bầu ra được Ban Chấp hành Trung ương chính thức do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư, lần đầu tiên bộ chỉ huy tối cao của Đảng được kiện toàn. Việc đặt ra cấp bộ Xứ ủy ở ba miền là một quyết định sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương, qua thực tiễn chỉ đạo, hoạt động của Xứ ủy, đã chứng tỏ sự phù hợp với trình độ, điều kiện cách mạng nước ta.
        Điều lệ Đảng được thông qua tại Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã được bổ sung hoàn chỉnh, cụ thể hơn về quy định, tổ chức, nhờ đó, bộ máy ở Trung ương đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, thông suốt  và mang tính chuyên sâu hơn.
        Có thể nói, đóng góp to lớn, rõ rệt nhất của đồng chí Trần Phú trên cương vị Tổng Bí thư là đã lãnh đạo, chỉ đạo đặt một trong những trọng tâm công tác xây dựng Đảng vào nhiệm vụ tổ chức bộ máy, phát triển đảng viên của đảng. Đồng thời xây dựng cơ sở chính trị và tổ chức bộ máy cho các tổ chức quần chúng của Đảng, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của Đảng ta và của Mặt trận, các đoàn thể sau này, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi. Qua thực tiễn lãnh đạo và đấu tranh, số lượng đảng viên của Đảng đã tăng lên nhanh chóng: từ khoảng 1.600 sau hội nghị Trung ương lần thứ nhất đến trước Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 2 (tháng 3/1931) đã lên khoảng 2.400 người.
        Đánh giá công lao của đồng chí Trần Phú, bài “Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương” của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, đăng trên Tạp chí Cộng sản số 5 – 1932 đã viết: “Dưới sự lãnh đạo cương quyết của đồng chí Trần Phú, Đảng ta đã trở thành đảng quần chúng thực sự và đã tiến hành những công việc lớn lao về tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp quần chúng đông đảo trong cuộc đấu tranh cách mạng”.
         Thứ hai, những đóng góp của đồng chí Trần Phú trong công tác tư tưởng của Đảng.
         Sau khi Đảng hợp nhất chưa lâu, trong Đảng còn tồn tại nhiều quan điểm và nhận thức khác nhau, vì vậy, đồng chí Trần Phú rất quan tâm đến vấn đề đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng, khắc phục những nhận thức lệch lạc, những xu hướng cơ hội, bè phái, nhằm xây dựng khối đoàn kết nhất trí trên cơ sở cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đồng chí luôn đánh giá cao vai trò dẫn đường của lý luận cách mạng đối với phong trào cách mạng, đồng chí đã chỉ đạo thành lập cơ quan tuyên truyền lý luận của Đảng. Tháng 12/1930, đồng chí đã cùng với Ban Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản “Cờ vô sản” và báo “Cộng sản” nhằm mục đích làm rõ chính sách và phê bình những sai lầm và yếu kém trong công tác của Đảng. Đồng chí cũng cho lập ra một Ban Tuyên truyền do một Ủy viên Thường vụ Trung ương phụ trách.
         Như vậy, đồng chí Trần Phú rất coi trọng công tác tư tưởng - lý luận; có ý thức sâu sắc về vai trò của công tác này đối với việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, khắc phục những nhận thức lệch lạc, những xu hướng cơ hội, bè phái, nhằm xây dựng khối đoàn kết nhất trí trên cơ sở cương lĩnh, đường lối của Đảng.
         Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn kế thừa, phát triển những quan điểm của đồng chí Trần Phú về công tác xây dựng Đảng. Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách hợp lý, phù hợp với điều kiện mới để củng cố, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, điều đó luôn được khẳng định qua các kỳ Đại hội. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định  “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh phải “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”.
           Đảng ta cũng rất quan tâm đến công tác chính trị, tư tưởng nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”  đã nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, qua đó góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 Bộ Chính trị yêu cầu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân. Đặc biệt chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017 về “Phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu./.

1. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, tr.100, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002

  
Thạc sĩ Phùng Thị Khánh Lệ
            Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học - Thông tin - Tư liệu                 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289741

Đang Online : 3357