Nghiên cứu - Trao đổi

Những thành tựu trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam sau 30 năm đổi mới

Ngày Đăng: 31/3/2017 10:37 Lượt xem: 3683

          Văn hóa là động lực to lớn thúc đẩy quá trình phát triển xã hội, tất cả những thành tựu hoặc có giá trị vật chất, hoặc có giá trị tinh thần mà con người tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của chính mình trên tất cả các phương diện ngày một tốt hơn chính là văn hóa
         Từ năm 1986, Đảng ta tiếp tục kế thừa, phát triển, mở rộng quan điểm về văn hóa của các giai đoạn trước, để đi tới quan điểm giản dị nhưng sâu sắc: văn hóa là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, là lĩnh vực sản xuất tinh thần, tạo ra các giá trị, sản phẩm làm giàu đẹp cuộc sống.
          1.Về nhận thức
          Trong 30 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành 29 nghị quyết, kết luận, chỉ thị về văn hóa nói chung, về giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ, báo chí, xuất bản văn học, nghệ thuật….nói riêng. Những văn kiện đó đã thể hiện bước tiến mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng ta về xây dựng, phát triển văn hóa, con người.
          Qua thực tiễn từ cách mạng Việt Nam Đảng ta nhận thức ngày càng rõ hơn sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn chặt chẽ với văn hóa, coi văn hóa là cái đích cần đạt được bên cạnh những thành tựu về kinh tế; đồng thời đặt văn hóa là yếu tố nền tảng, là động lực, là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
          Trong "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" thông qua tại Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã xác định: Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, đồng thời chỉ ra những định hướng lớn về chủ trương, giải pháp xây dựng nền văn hóa.
          Trên cơ sở định hướng các Đại hội của Đảng và nhiều Nghị quyết của Đảng đều nhất quán khẳng định nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, coi đó là một đặc trưng, mục tiêu đạt tới của chủ nghĩa xã hội.
          Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa VII), Đảng ta đã xác định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội". Đến Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), đã nêu một cách toàn diện những vấn đề cơ bản về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
          Kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn... Xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao...”.
          Ngày 9-6-2014 Hội nghị Trung ương lần thứ chín (khóa XI) của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", Đảng ta tiếp tục bổ sung, phát triển làm sâu sắc hơn một số vấn đề lý luận về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời Đảng nhấn mạnh bốn đặc trưng tiêu biểu của văn hóa: dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
          Xác định con người là yếu tố cốt lõi, là động lực của sự phát triển, Đảng ta đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là từng bước xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Định hướng phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Sau nhiều năm đổi mới, đã xác định trọng tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người với các đặc tính cơ bản như yêu nước, nhân ái, vị tha, bao dung, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo… Đồng thời tạo môi trường để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cùng ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc…
          Đại hội XII của Đảng nhận định: Thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế có bước chuyển biến quan trọng: gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước; gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người; bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động sảng tạo, khát vọng vươn lên.
          Nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của văn hóa đối với phát triển bền vững của đất nước, gắn xây dựng con người với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng ta đề cao nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị. Trong đó, chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, văn hóa trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể. Cùng với đó là xây dựng văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân…
          Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hànhTrung ương khóa VIII yêu cầu các cấp ủy: “Phát động phong trào ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa’ huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị từ trên xuống, từ trong Đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể ra ngoài xã hội tích cực tham gia phong trào”.
          Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh: “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người…”
           Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đặc biệt nhân mạnh “Đưa phong trào ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa’ đi vào chiều sâu, thiết thực hiệu quả… làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội”.
           Đối với một số lĩnh vực quan trọng của văn hóa, con người, Đảng ta vạch rõ định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển khoa học, công nghệ; đẩy mạnh phát triển văn học nghệ thuật, báo chí, xuất bản; gắn kết bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với sáng tạo các văn hóa mới, chủ động hội nhập quốc tế.
          Cùng với nhận thức lý luận mới về văn hóa, Đảng ta chú trọng yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với văn hóa, bảo đảm định hướng chính trị, tư tưởng , tôn trọng, phát huy quyền tự do sáng tạo cá nhân. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với văn hóa; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
          Từ năm 1986 đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhận thức của Đảng về xây dựng, phát triển toàn diện, ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, được thể hiện rõ trên phương diện lý luận về xác định đường lối xây dựng, phát triển văn hóa, con người.
           2. Về thực tiễn
          Sau 30 năm đổi mới, văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trên nhiều lĩnh vực . Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng.
       Sự lãnh, chỉ đạo, quản lý văn hóa có tiến bộ. Nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành.
          Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; công nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,Xây dựng nông thôn mới” và các phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa ….đã tạo môi trường tốt để nuôi dưỡng, phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc.  Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa.
          Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc đạt được những kết quả đáng trân trọng, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận  là di sản văn hóa thế giới hoặc được xếp hạng là di sản văn hóa quốc gia (Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Hoàng thành Thăng Long, Nhã nhạc cung đình Huế,  Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ, Ca trù, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử, Mộc bản triều Nguyễn...) đã được giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo.
          Quyền tự do sáng tạo, truyền bá văn hóa, văn nghệ được tôn trọng; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện.
          Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc từng bước đi vào chiều sâu, chú trọng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bước đầu cố gắng giữ vai trò chủ động trong việc tiếp nhận có chọn lọc, làm giàu văn hóa dân tộc trong quá trình tiếp biến nhiều phức tạp do hội nhập quốc tế tạo ra.
         Về quản lý văn hóa có nhiều tiến bộ các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị đã nhận thức rõ hơn trong việc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quốc phòng - an ninh, đối ngoại với phát triển văn hóa và xây dựng con người. Vì thế, những năm gần đây, vai trò của văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững đã và đang được khẳng định ngày càng rõ hơn.
          Thực tiễn xây dựng văn hóa 30 năm qua cho thấy việc xác định bốn lĩnh vực quan trọng sẽ tạo ra diện mạo và chất lượng mới của văn hóa đất nước là: Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú gắn với đời sống văn hóa cơ sở; tạo ra các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật đỉnh cao của dân tộc ở thời kỳ hiện đại; những công trình văn hóa lớn, tiêu biểu đánh dấu bước phát triển của đất nước và quy tụ tất cả các hoạt động văn hóa vào nhiệm vụ cốt tử là nuôi dưỡng, xây đắp con người Việt Nam, kế tục xứng đáng truyền thống và những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI, XII của Đảng
2.Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII
3. Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương khóa XI
4. Vấn đề xây dựng phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội- 2016
 

 
Giảng viên Vũ Thị Sen
Khoa Xây dựng Đảng

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289735

Đang Online : 3351