Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1

Ngày Đăng:6/18/2018 4:27:00 PM Lượt xem: 1839

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN ĐỨC CẢNH – CUỘC ĐỜI  VÀ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG VẺ VANG

Thạc sĩ Phùng Thị Khánh Lệ
Phó Trưởng phòng Nghiên cứu KH-TT-TL
 
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 trong gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước tại thôn Diêm Điền, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sinh ra và lớn lên trên quê hương có nhiều truyền thống quý báu, nên ngay từ nhỏ Nguyễn Đức Cảnh đã sớm hình thành chí khí, bản lĩnh vượt qua những khó khăn, thử thách của sự nghiệp cách mạng.
 
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
 
          Ngay từ nhỏ Nguyễn Đức Cảnh đã được giáo dục, rèn luyện về đạo đức qua tấm gương và lời giáo huấn truyền dạy của cha mẹ và những người thân bên ông. 15 tuổi Nguyễn Đức Cảnh là học sinh trường Thành Chung (Nam Định). Thời kỳ học tại trường Thành Chung là cơ hội thuận lợi để ông tiếp tục học tập, kết nối với những người bạn mới, được tự do giao tiếp xã hội để nhìn nhận thời cuộc, lựa chọn lý tưởng sống cho tương lai. Trong thời gian này, ở Nam Định phong trào đấu tranh của công nhân, phong trào yêu nước trong học sinh diễn ra sôi nổi. Là một thanh niên yêu nước, ông bắt đầu tham gia vào các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của dân nghèo và những người công nhân chịu áp bức, bất công. Năm 1926 Nguyễn Đức Cảnh cùng Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Văn Hoan, Đặng Xuân Thiều thống nhất tham gia bãi khóa, hưởng ứng cao trào đấu tranh trong cả nước, làm lễ truy điệu và để tang nhà chí sĩ ái quốc Phan Chu Trinh và ông đã bị đuổi khỏi trường.
          Cuối năm 1926, ông lên Hà Nội sinh sống và hoạt động. Ông làm thư ký cho hiệu ảnh Hưng Ký rồi dạy học tại Trường Công ích, một trường tư nhỏ ở Bạch Mai. Nhưng khi bọn thực dân Pháp biết ông là học sinh bãi khoá, ông lại bị đuổi việc. Là người ham học hỏi, trong khi chưa có việc làm, ông tranh thủ tìm đọc sách báo tiến bộ để hiểu thêm về con người, công việc chốn thành thị. Ông tìm đến Nam Đồng thư xã – một quán sách nhỏ do các trí thức yêu nước tiến bộ thành lập. Tại đây, Nguyễn Đức Cảnh có dịp đọc những cuốn sách như Trưng Nữ vương diễn nghĩa, Gương thiếu niên, về thân thế, sự nghiệp của các nhà ái quốc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… Sau đó ông gia nhập tổ chức Nam Đồng thư xã, vào làm thợ sắp chữ tại nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội.Trong thời gian làm công nhân sắp chữ tại nhà in, ông đã hiểu và thấm thía nỗi khổ nhục của người công nhân và quyết tâm đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp công nhân.
          Từ nửa cuối những năm 20 của thế kỉ XX ở Hà Nội ngoài các tổ chức “thư xã”, còn xuất hiện một số tổ chức chính trị khác trong đó có hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1927, sau khi gặp các đồng chí trong Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ông được học lớp huấn luyện chính trị theo chương trình của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài. Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc được tiếp thu từ lớp huấn luyện chính trị này đã làm thay đổi nhiều quan điểm trước đây của Nguyễn Đức Cảnh. Lớp học kết thúc, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên rồi về nước hoạt động.
          Từ một thanh niên yêu nước, Nguyễn Đức Cảnh sớm giác ngộ lập trường giai cấp công nhân, trở thành người lãnh đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng và vùng mỏ than Đông Bắc. Cuối tháng 3/1929, Nguyễn Đức Cảnh cùng những người tiên tiến nhất trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã bí mật họp ở ngôi nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, tổ chức thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở nước ta. Sự ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên là một thắng lợi quan trọng của tư tưởng vô sản đối với tư tưởng phi vô sản và các xu hướng quốc gia khác trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
          Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, Chi bộ Hàm Long làm lễ thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thảo luận và thông qua các văn kiện Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng... Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành và được phân công phụ trách công tác vận động công nhân trong cả nước.
          Dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản đảng, các Công hội đỏ đã liên tiếp xuất hiện ở các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ trên miền Bắc. Hoạt động của các Công hội đỏ ngày càng đòi hỏi phải có một tổ chức lãnh đạo thống nhất.
          Thấy được vai trò của tổ chức Công hội của công nhân trong cuộc đấu tranh chống đế quốc bóc lột, trên cương vị của mình, ngày 28/7/1929, tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội, Nguyễn Đức Cảnh triệu tập đại biểu công nhân các tỉnh Bắc Kỳ, thành lập Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ do ông đứng đầu. Tháng 12/1929, tại phố Hậu Giám (Hà Nội), ông triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành lâm thời Công hội Bắc Kỳ để thống nhất công hội địa phương lên toàn xứ và bầu Ban Chấp hành chính thức Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Sự ra đời của Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Đó vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất lượng của phong trào công nhân, vừa là thắng lợi của đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên thực tế, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ trở thành tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay. Nguyễn Đức Cảnh trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiên phong của phong trào công nhân Việt Nam, một trong những người sáng lập ra Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ.
          Ngày 3/2/1930, Quốc tế Cộng sản triệu tập Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản ở 3 kỳ thành Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Nguyễn Đức Cảnh là một trong 2 đại biểu được Đông Dương Cộng sản Đảng cử đi dự hội nghị hợp nhất Đảng. Sau Hội nghị này, Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp phụ trách Đảng bộ Hải Phòng. Cùng với các công tác khác của Đảng, ông đã xây dựng Hải Phòng thành cửa ngõ liên lạc các cơ sở cách mạng trong nước với nước ngoài.
          Tháng 4/1931, ông bị bắt tại làng Yên Dũng Hạ, nay là Hưng Thuỷ, sát thành phố Vinh trong một tối đang trên đường đi công tác. Ngày 31/7/1932, ông bị thực dân Pháp xử chém tại Hải Phòng, lúc đó ông mới 24 tuổi đời.
           Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho Đảng, cho nhân dân, xứng đáng là người đồng chí, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những lãnh tụ tiền bối của Đảng, sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Đức Cảnh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, 2015

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8508890

Đang Online : 82