Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:7/6/2018 10:05:00 PM Lượt xem: 938

MỘT SỐ MÔ HÌNH KHỞI NGHIỆP CỦA ĐOÀN VIÊN  THANH NIÊN XÃ KHUÔN HÀ, HUYỆN LÂM BÌNH
 
 Cử nhân Trịnh Thị Thứ
 Phòng Đào tạo
 
Nối tiếp kết quả tích cực của phong trào khởi nghiệp trên cả nước, đoàn viên thanh niên xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình đã phát huy tinh thần nhiệt huyết, tuổi trẻ sáng tạo, thành lập hợp tác xã thanh niên, mở rộng mô hình chăn nuôi trang trại, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Hiện nay xã đã phát triển một số mô hình khởi nghiệp của thanh niên góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hợp tác xã thanh niên An Nhiên Phát
Hợp tác xã thanh niên An Nhiên Phát là cơ sở sản xuất thủ công đồ dùng bằng tre, cách gọi gần gũi theo giới trẻ hiện nay là “đồ handmade”. Ý tưởng làm đồ handmade manh nha từ một số bạn đoàn viên trong thôn Nà Kẹm nhằm tận dụng nguyên liệu tự nhiên sẵn có của địa phương để sản xuất những đồ dùng mang đặc trưng riêng của người Tày ở xã Khuôn Hà, vừa có giá trị sử dụng lại mang tính thẩm mỹ.
Với ý tưởng trên 3 đồng chí đoàn viên: Chẩu Thanh Phương (1988), Trịnh Thị Thảo (1989), Hoàng Văn Tuyên (1990) có cùng đam mê đã tự thân góp vốn để thành lập cơ sở sản xuất. Hiện nay cơ sở sản xuất chủ yếu các loại đồ gia dụng như: Cốc, chén, thìa, dĩa, đũa. Để sản phẩm có thể tiếp cận được với thị trường các thành viên đã lập riêng một trang fanpage trên mạng xã hội facebook để quảng bá sản phẩm, những sản phẩm do cơ sở sản xuất tạo được hiệu ứng khá tốt và nhận được những phản hồi tốt từ khách hàng. Đồ dùng bằng tre an toàn, nhỏ gọn, dễ bảo quản nên được nhiều người lựa chọn và đây cũng là một trong những sản phẩm lưu niệm ưa chuộng của du khách khi đến Khuôn Hà.
 
   
Các thành viên trong Hợp tác xã An Nhiên Phát
 
Số lượng cơ sở sản xuất khoảng 3000 sản phẩm/1 tháng tùy vào đơn hàng khách đặt. Hợp tác xã đã giải quyết việc làm cho 06 lao động tại địa phương, thu nhập hàng tháng bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/1 người. Đoàn viên Trịnh Thị Thảo chia sẻ: Mặc dù mới bắt đầu cơ sở còn gặp nhiều khó khăn về vốn và kĩ thuật nhưng anh em cũng rất phấn khởi vì có công việc tại nhà và mang lại thu nhập. Hợp tác xã sẽ phấn đấu sản xuất thêm các sản phẩm ở địa phương mình thật đa dạng, nhiều chủng loại và có những nét riêng biệt để khách hàng, người tiêu dùng phân biệt đây chính là các sản phẩm tự nhiên có nguồn gốc rõ ràng. Mong muốn chung của mọi người là mở rộng quy mô sản xuất với sự tham gia của nhiều bạn trẻ cùng chung tay đóng góp ý tưởng kinh doanh mới, tạo ra những sản phẩm đặc trưng của vùng.
Mô hình phát triển kinh tế trang trại
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và mong muốn làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, đoàn viên Ma Văn Sỹ ở thôn Nà Thảng đã mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển kinh tế trang trại tại khu vực Đèo Nàng, xã Khuôn Hà. Bắt đầu từ năm 2015 với mô hình nuôi gà, ngan, vịt bước đầu đem lại thu nhập. Đến năm 2016 đồng chí mở rộng mô hình đào ao thả cá và nuôi dê. Ngoài việc chăn nuôi thì đồng chí còn phối hợp với Chi Cục kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang trồng thử nghiệm mô hình cây Mác ca với diện tích hơn 1ha.
Hiện nay thu nhập chính vẫn là từ chăn nuôi gà thịt và cung cấp trứng sạch cho nhân dân địa phương và các huyện lân cận. Mỗi năm trang trại của đồng chí Sỹ xuất chuồng khoảng 2- 3 lứa gà thịt với thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/một lứa. Không dừng lại ở đó, dựa trên thực tế nhu cầu của địa phương đồng chí Sỹ đã mua thêm máy ấp trứng để cung cấp giống gà con cho người dân.
Tâm sự với đoàn viên Ma Văn Sỹ về những định hướng sau này đồng chí khiêm tốn chia sẻ, bản thân còn ấp ủ nhiều điều và hi vọng chăn nuôi tổng hợp ngoài đem lại nguồn thu nhập sẽ là nơi đầu mối để cung cấp thực phẩm sạch, uy tín cho khách hàng về lâu dài.
Với những đóng góp của đoàn viên Ma Văn Sỹ trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, năm 2015 đồng chí vinh dự được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình tặng Giấy khen vì “Đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 – 2015”.
Hai mô hình khởi nghiệp trên đây là điển hình của đoàn viên thanh niên xã Khuôn Hà đã đem lại những hiệu quả bước đầu trong giải quyết việc làm và thu nhập, đồng thời việc khai thác tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên tại địa phương sẽ là một hướng đi quan trọng và bền vững, cùng với ý tưởng, khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương sẽ là động lực lớn lao để các đoàn viên, thanh niên cố gắng vươn lên tự thân lập nghiệp.
Nhu cầu về nghề nghiệp, việc làm là một trong những nhu cầu quan trọng của thanh niên hiện nay. Muốn có một công việc tốt, một tương lai tốt, chắc chắn thanh niên cần quá trình khởi nghiệp, tạo dựng lâu dài. Vì vậy, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền và Huyện đoàn cần tiếp tục quan tâm và có những định hướng cụ thể để nhân rộng các điển hình khởi nghiệp tạo ra hướng đi mới giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các địa phương thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp; đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ vay vốn, thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật… Với tiềm năng thế mạnh của xã Khuôn Hà và tinh thần nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ sẽ có nhiều mô hình khởi nghiệp được hình thành và phát triển góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8067203

Đang Online : 5647