Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:7/6/2018 10:20:00 PM Lượt xem: 1722

MỘT SỐ KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU THỰC TẾ Ở CƠ SỞ CỦA KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG 
TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
 
                                                                                    Ths. Bùi Trung Dũng
                                                                                     Khoa Xây dựng Đảng
 
          Khoa Xây dựng Đảng có nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy 04 phần học thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở. Hiện nay, khoa Xây dựng Đảng có 07 giảng viên, trong đó gần 60% là giảng viên trẻ (dưới 38 tuổi), gần 50% giảng viên trước khi chuyển về khoa công tác là giáo viên các trường THPT, THCS kiến thức thực tế và kinh nghiệm giảng dạy lý luận chính trị còn phần nào hạn chế, do vậy giảng viên cần tăng cường nghiên cứu thực tế để bổ sung kiến thức vào bài giảng.
 
Khoa Xây dựng Đảng dự sinh hoạt chi bộ tại Chi bộ Tổ 12
thuộc Đảng bộ phường Ỷ La
 
Bên cạnh đó, từ đặc điểm đối tượng học viên phong phú, đa dạng, chủ yếu là cán bộ, công chức đã có thời gian công tác lâu, có quá trình trải nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực; việc không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, lý luận gắn với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng bài giảng ngày càng trở nên cấp thiết, trong đó giải pháp quan trọng hàng đầu là bổ sung kiến thức thực tế vào bài giảng thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế. Với những đặc điểm đó, việc nghiên cứu thực tế ở cơ sở để bổ sung kiến thức vào bài giảng là rất cần thiết và phải tiến hành thường xuyên.
Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của nhà trường, ngay từ đầu năm khoa Xây dựng Đảng đã chủ động xây dựng kế hoạch bám sát các chủ đề nghiên cứu thực tế đã đăng ký của giảng viên. Trong tháng 4 và tháng 5/2018 khoa Xây dựng Đảng tổ chức 04 đợt đi nghiên cứu thực tế, đợt 1: Từ ngày 2 - 5/4 dự họp sinh hoạt 02 chi bộ trực thuộc Đảng bộ phường Ỷ La (Chi bộ Tổ 12, Chi bộ Trường mầm non Sao Mai); đợt 2: Từ 2 - 3/5 dự sinh hoạt 02 chi bộ trực thuộc Đảng bộ phường Hưng Thành (Chi bộ Tổ 19, Chi bộ Trường Tiểu học Hưng Thành); đợt 3: 12/5 nghiên cứu thực tế tại 04 xã (Vinh Quang, Kim Bình, Linh Phú, Tri Phú thuộc huyện Chiêm Hóa); đợt 4: Ngày 22/5 nghiên cứu thực tế tại 05 xã (Xuân Quang, Tân Mỹ, Phúc Sơn, Minh Quang, Hùng Mỹ thuộc huyện Chiêm Hóa).
Qua tham gia các đợt hoạt động trên, cá nhân rút ra một số kinh nghiệm để tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tế có hiệu quả như sau:
Một là, khi liên hệ công tác tại các cơ quan, đơn vị cần xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể.
Trước khi tổ chức nghiên cứu thực tế theo đợt, theo nhóm, khoa Xây dựng Đảng ban hành kế hoạch đi nghiên cứu thực tế chi tiết từng nội dung cụ thể, gửi đến địa phương, cơ quan, đơn vị nội dung cần làm việc qua đường công văn trước khoảng 01 tuần, đồng thời trực tiếp liên lạc và hẹn lịch làm việc với lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Do kế hoạch chi tiết, cụ thể nên khi đoàn công tác đến các địa điểm nghiên cứu thực tế, các đơn vị tại cơ sở đã chuẩn bị các nội dung, văn bản, tài liệu đã trao đổi trước, qua đó việc khai thác các tài liệu hay đi thực tế những mô hình tiêu biểu rất dễ dàng, hiệu quả và đúng thời gian.
Hai là, sử dụng hiệu quả phương pháp phỏng vấn nhanh, trao đổi trực tiếp với những đồng chí lãnh đạo, chuẩn bị kỹ bộ câu hỏi tập trung vào những vấn đề nóng, những vấn đề khó đang phát sinh ở cơ sở mà chưa được giải quyết hoặc đã xử lý thành công để giảng viên lấy đó làm tư liệu thực tế cho bài giảng.
Ví dụ: Trong quá trình làm việc, đoàn nghiên cứu của khoa đến xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa. Làm việc với lãnh đạo xã, đoàn công tác được nghe đồng chí Bí thư Đảng ủy báo cáo kết quả thành tích đạt được của xã Phúc Sơn trong thời gian qua, đặc biệt là sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế giúp đời sống bà con ngày càng được nâng cao. Trong đó, công tác xây dựng Đảng đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cũng chia sẻ rằng những kiến thức được các thầy cô truyền dạy trong quá trình học tập đã được cơ sở áp dụng, đặc biệt trong xử lý những tình huống của công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề mới phát sinh trước những yêu cầu của tình hình mới đó là: Việc quản lý đảng viên đi làm ăn xa, kết nạp đảng đối với những quần chúng đi làm ăn xa rồi quay trở lại địa phương, nguồn kết nạp đảng viên hạn chế… đó là những bất cập trong thời gian tới cần phải giải quyết.
Ba là, kết hợp nghiên cứu thực tế của khoa với nghiên cứu phục vụ đề tài khoa học hằng năm.
Việc nghiên cứu thực tế phục vụ viết đề tài khoa học hằng năm là một yêu cầu bắt buộc, có như vậy đề tài khoa học mới có giá trị thực tiễn và đề ra được các giải pháp, kiến nghị khả thi. Do vậy, lãnh đạo khoa và chủ nhiệm đề tài khoa học cần chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế, vừa đảm bảo nội dung nghiên cứu thực tế, vừa đi sâu vào nội dung chi tiết liên quan đến từng phần, từng mục của đề tài - nhất là phần thực trạng của vấn đề cần phải làm rõ.
Bốn là, phát huy tối đa kinh nghiệm của giảng viên có tuổi đời và tuổi nghề cao trong khoa.
Một trong những điều kiện thuận lợi của khoa Xây dựng Đảng, hiện nay có hơn 30% giảng viên là có tuổi đời và tuổi nghề nhiều, đồng nghĩa với việc những giảng viên đó có bề dày kinh nghiệm giảng dạy và thực tế. Thế mạnh đó không chỉ góp phần quan trọng vào việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế mà còn là “kênh kết nối” với cơ sở. Bởi phần lớn những lãnh đạo cốt cán tại cơ sở là những học viên cũ từng học tập tại trường, do vậy việc trao đổi trong quá trình làm việc, những trăn trở, những tâm sự thầy trò trước hoàn cảnh mới và nhiệm vụ mới dường như “không có khoảng cách”, điều này đã tạo nên không khí thân thiện, hiệu quả cao trong đợt nghiên cứu thực tế.
Năm là, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm cho giảng viên ngay sau khi kết thúc đợt nghiên cứu thực tế, nhất là nghiên cứu thực tế theo chuyên đề. Đây là một trong những bước rất quan trọng, hoạt động nghiên cứu thực tế có hiệu quả hay không là ở bước này. Báo cáo thực tế của giảng viên cần được trình bày trước giảng viên trong khoa, từ đó mọi người cùng bổ sung cho nhau những thu nhận  trong đợt nghiên cứu thực tế. Trên cơ sở đó có kế hoạch để bổ sung vào nội dung bài giảng đảm bảo thiết thực, hiệu quả./.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8069069

Đang Online : 7514