Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:7/6/2018 10:22:00 PM Lượt xem: 1551

BÀI HỌC THỜI CƠ TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VỚI CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
 
Ths. Bùi Hữu Thêm
Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu
 
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi “đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”(1). Cách mạng Tháng Tám 1945 là thắng lợi của việc dự báo, chuẩn bị và thúc đẩy sự xuất hiện thời cơ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Hiện nay bài học thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám 1945 là bài học quý giá cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
 
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận Việt Minh
tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh Tư liệu
 
V.I. Lênin khi bàn về khởi nghĩa giành chính quyền đã đưa ra ba dấu hiệu của tình thế cách mạng: Một là, giai cấp thống trị đã suy yếu, khủng hoảng đến mức không thể tiếp tục thống trị bằng những phương thức cũ được nữa; hai là, quần chúng rơi vào tình trạng cơ cực, bị bần cùng không thể chịu đựng được nữa buộc phải có hành động lịch sử; ba là, các lực lượng trung gian sẵn sàng ngả về phía quần chúng cách mạng. Tuy nhiên theo Lênin, cách mạng muốn nổ ra giành thắng lợi phải có thời cơ cách mạng. Trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga V.I.Lênin đã nêu rõ thời cơ chín muồi của cách mạng Nga: Vô luận bằng cách nào cũng không được để Kê-ren-xki và bè lũ nắm chính quyền đến ngày 25, việc đó tuyệt đối phải quyết định ngay chiều hôm nay. Lịch sử sẽ không tha thứ những người cách mạng hôm nay có thể chiến thắng (và nhất định sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại chậm trễ, vì đợi đến ngày mai, không khéo họ lại bị mất hết cả. Lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn bài học thời cơ Cách mạng Tháng Mười Nga đã soi đường cho các dân tộc bị áp bức trên con đường đấu tranh giành độc lập.
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Việt Nam đã luôn giành được thắng lợi trước những thế lực hùng mạnh. Một trong những nguyên nhân của những thắng lợi này là do cha ông ta đã biết kết hợp vận dụng thế và thời trong kháng chiến.
Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và truyền thống dân tộc Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng sáng tạo nghệ thuật tạo và chớp thời cơ để giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám. Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề thời cơ, đánh giá và xác định đúng thời cơ, hành động mau lẹ để giành thắng lợi, đó là: “Làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ, và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn, mới chắc thắng!...”(2).
Từ việc khẳng định tầm quan trọng của thời cơ cách mạng Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phân tích tình hình xác định đúng thời cơ và tăng cường chuẩn bị lực lượng, thúc đẩy quá trình xuất hiện thời cơ cách mạng. Từ tháng 2/1941, Lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, từ sự phán đoán tình hình chiến tranh thế giới, Người nhận định sự thất bại của chủ nghĩa phát xít là không thể tránh khỏi. Do đó, một thời cơ lớn sẽ xuất hiện với dân tộc ta. Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) chỉ rõ: “Khi thời cơ đến, với lực lượng sẵn có ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, giành thắng lợi để mở đường cho một cuộc khởi nghĩa to lớn”(3). Ngày 06/6/1941 trong Kính cáo đồng bào, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”(4).  
Ngày 09/3/1945 ở Đông Dương, Nhật đảo chính Pháp sau đó ngày 12/3/1945, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và dự báo thời cơ để nhân dân ta vùng dậy đấu tranh, đó là: “Quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật và Nhật đầu hàng quân Đồng minh”.
Từ việc xác định thời cơ đó Đảng ta tăng cường xây dựng lực lượng chính trị với nòng cốt là Mặt trận Việt Minh, tập hợp mọi giai cấp tầng lớp yêu nước tạo thành sức mạnh quần chúng to lớn. Bên cạnh đó lực lượng vũ trang với đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tích cực xây dựng lực lượng, tiến hành khởi nghĩa từng phần và mở rộng căn cứ địa cách mạng chuẩn bị sẵn sàng cho khởi nghĩa giành chính quyền. Đó cũng là điều kiện để thúc đẩy thời cơ dẫn đến chín muồi và cơ sở để Đảng ta chớp thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 21/5/1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Pắc Bó, Cao Bằng về Tân Trào, Tuyên Quang để trực tiếp chỉ đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tại đây Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có những chủ trương, chỉ đạo quyết định cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Người đã theo dõi rất sát tình hình thế giới và trong nước và khẳng định: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Xác định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền là chính xác và ý chí, quyết tâm của Hồ Chí Minh đã trở thành ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta, trở thành nguồn sức mạnh to lớn, có ý nghĩa quyết định đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trước tình hình vô cùng khẩn cấp, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng từ ngày 14 đến 15/8/1945, tại Tân Trào, Tuyên Quang. Hội nghị đã đánh giá tình hình và quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ phát xít Nhật và tay sai, trước khi quân Anh và Tưởng vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật và trước khi quân Pháp đưa lực lượng trở lại xâm lược nước ta. Ngay sau đó ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào, Quốc Dân đại hội được tiến hành, thông qua lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh và 10 chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Quốc kỳ, Quốc ca, thành lập “Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam” tức Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong thời điểm lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định của vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(5).
Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bài học về nắm vững thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn để Đảng ta vận dụng trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thứ nhất, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế Đảng ta đã đánh giá, phân tích khoa học tình hình thế giới và khu vực, đưa ra dự báo chính xác và đề ra đường lối phát triển phù hợp. Công cuộc đổi mới ở nước ta từ năm 1986 đến nay được triển khai trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và nguy cơ, thách thức đan xen. Trong giai đoạn hiện nay, trước những  thời cơ, thuận lợi Đảng ta nhận định: “Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á đã trở thành một cộng đồng, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọngThời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn”. Đồng thời Đảng ta cũng nhận thấy “vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ "diễn biến hoà bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,...”(6). Từ việc phân tích, đánh giá đúng tình hình, chỉ ra thời cơ và thách thức Đảng ta đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp đưa đất nước phát triển và mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, chuẩn bị nội lực, tranh thủ ngoại lực trong hội nhập quốc tế. Ngày nay, thế giới bước vào thời đại cuộc cách mạng khoa học công nghệp 4.0 với công nghệ số và năng suất lao động phát triển ở một trình độ mới. Thế giới đang phát triển theo xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa, quan hệ hòa bình, hợp tác và phát triển cũng diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Đó là những thời cơ mới tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Nắm bắt cơ hội đó từ Đại hội VI của Đảng đã đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác". Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đã đưa ra quan điểm chỉ đạo, trong đó xác định: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.  Để thực hiện hội nhập quốc tế cần phải thực hiện “trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia…”. Đồng thời phải chủ động, linh hoạt “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tận dụng và nhanh chóng nắm bắt thời cơ, lấy đó làm nền tảng đẩy lùi và hạn chế các nguy cơ, thách thức.
Thứ ba, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho thấy từ việc xác định đúng thời cơ, thúc đẩy quá trình xuất hiện thời cơ, chớp thời cơ là những nghệ thuật trong lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh giành chính quyền. Thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã được Đại hội IX của Đảng tổng kết: “Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội”(7). Do đó giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Bài học thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay bài học đó vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy Đảng, Nhà nước, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực nghiên cứu, vận dụng tốt những bài học lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Tài liệu tham khảo
(1) Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo dục, H, 2001, tr.370.
(2) Hồ Chí Minh ­Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2006, t. 2, tr. 222
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 7, tr.113.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2002, tập 3, tr.198
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002,t.3,tr.554.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016,tr.428- 429.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr. 12

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8070658

Đang Online : 9104