Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:7/6/2018 10:28:00 PM Lượt xem: 886

VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM CỦA LÊNIN VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SAU KHI ĐẢNG ĐÃ GIÀNH ĐƯỢC
CHÍNH QUYỀN VÀO BÀI GIẢNG 
“NHỮNG VẤN ĐỀ KINH TẾ CHÍNH TRỊ CỦA THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CNXH"
TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH

                                                   
Ths. Trần Phương Linh
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chính quyền Xô-viết được hình thành và phát triển ở khắp nơi. Tuy có một số thuận lợi như việc quốc hữu hóa được diễn ra dễ dàng, nắm giữ được những ngành kinh tế quốc dân quan trọng như đường sắt, ngân hàng, thông tin… nhưng phát triển kinh tế như thế nào  là nhiệm vụ mới hết sức khó khăn cả về lý luận và thực tiễn. Theo Lênin, để giải quyết khó khăn này không thể dùng cách tiến công ồ ạt như chống Kêrenxky, mà phải thông qua con đường tìm tòi lâu dài. Để giải quyết những khó khăn trước mắt của nền kinh tế nước Nga đang bị suy sụp nặng nề, Lênin đã đề ra một số nhiệm vụ kinh tế sau khi giành được chính quyền như sau:
Một là phải chuyển trọng tâm của đấu tranh cách mạng sang lĩnh vực phát triển kinh tế có kế hoạch. Lênin nhấn mạnh sau khi giành được chính quyền mới là giải quyết được một phần nhỏ của một nhiệm vụ khó khăn, “khó khăn chủ yếu là ở trong lĩnh vực kinh tế”[1]. Nghĩa là, sau khi giai cấp công nhân giành được chính quyền, phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ đấu tranh cách mạng sang phát triển kinh tế. Nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa mà công nhân và nhân dân lao động tiến hành là “một công tác tích cực hay là sáng tạo nhằm thiết lập một màng lưới các quan hệ tổ chức mới, một màng lưới cực kỳ phức tạp và tinh tế, bao trùm sự sản xuất và phân phối một cách có kế hoạch các sản phẩm cần thiết cho đời sống của hàng chục triệu người”[2].
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân quan điểm này của Lênin cũng đã không được vận dụng một cách sáng tạo ở nước Nga Xô-viết những năm 1918 – 1920 và phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng như: Quyết định chuyển ngay sang sản xuất và phân phối cộng sản chủ nghĩa; quá nóng vội trong việc quốc hữu hóa thương nghiệp, công nghiệp, trong hợp tác hóa, tập thể hóa nông nghiệp; đình chỉ sự trao đổi, buôn bán địa phương mà không chú ý đến quan điểm rằng tất yếu phải trải qua một thời kỳ lâu dài, phức tạp của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần trong nhiều bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Mặc dù bản thân Lênin đã nhận ra những sai lầm của việc muốn có nền sản xuất và phân phối cộng sản chủ nghĩa một cách nhanh chóng và đã có những thay đổi trong “Chính sách kinh tế mới” nhưng vẫn không được các nước xã hội chủ nghĩa nhận ra. Ở Việt Nam, trước đổi mới, do chủ quan, nóng vội muốn nhanh chóng đạt được mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, ta đã thực hiện chính sách phát triển kinh tế không phù hợp với thực tiễn đất nước. Chúng ta đã dùng quan hệ sản xuất tiên tiến mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất. Chính vì vậy đã dẫn đến sự không phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Chính sách phân phối bình quân đã làm mất đi động lực lợi ích đối với người lao động và kết quả tất yếu của sự không phù hợp đó là sự khủng hoảng của nền kinh tế - xã hội. Đời sống nhân dân vô cùng thấp kém, niềm tin của nhân dân với bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa bị giảm sút.
Từ sau khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Đảng ta đã nhận thức lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và xác định: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là phương thức tất yếu để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhờ đó trong hơn 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao. Trong những năm 2000, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trung bình 7,9% mỗi năm. Từ năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt mức trung bình 6,5% và năm 2017 đạt 6,81%, GDP đầu người năm 2017 đạt 53,5 triệu đồng/năm (2.385 USD). Cơ cấu kinh tế của Việt Nam bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại; dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế; thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế …
Để có được những thành tựu trên, Đảng và Nhà nước ta đã hoạch định chính sách sát với thực tế để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và nới lỏng sự kiểm soát của việc kế hoạch hóa tập trung. Với những đặc điểm nổi bật như: Tạo điều kiện cho thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu để thúc đẩy xuất khẩu; triển khai các cam kết bên ngoài để ổn định các cải cách đã được nhất trí trong nước; và tái cơ cấu nền kinh tế đi đôi với đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa…
Hai là phải thỏa hiệp, thu phục chuyên gia tư sản, trả lương cao để phát triển kinh tế. Để cho giai cấp tư sản không thể tồn tại được, mà cũng không thể tái sinh được nữa thì phải dùng biện pháp kinh tế. Căn cứ vào tình hình thực tế của nước Nga Xô-viết sau Cách mạng Tháng Mười, Lênin cho rằng muốn giành được thắng lợi trong cuộc tấn công sau này, thì bây giờ phải tạm ngừng cuộc tấn công. Theo Lênin, “không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được, vì chủ nghĩa xã hội yêu cầu một bước tiến có ý thức và có tính chất quần chúng để đi tới một năng suất lao động cao hơn năng suất lao động của chủ nghĩa tư bản, dựa trên cơ sở những kết quả mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được”[3]. Để thu phục những chuyên gia giỏi nhất, Lênin đã “trả một giá rất cao về công phục vụ của những chuyên gia tư sản giàu kinh nghiệm nhất”[4].
Vận dụng sáng tạo quan điểm này, ngay sau khi kết thúc nội chiến, nước Nga Xô-viết đã cử cán bộ đến các nước tư bản học tập cách thức tổ chức, quản lý, nghiên cứu khoa học kỹ thuật.v.v… sử dụng chuyên gia tư sản tư vấn, làm việc và đào tạo ở một số lĩnh vực tổ chức, quản lý, sản xuất, áp dụng khoa học, kỹ thuật.
Ở Việt Nam, sau khi giành được chính quyền, giai cấp công nhân và những người lao động trở thành những người chủ của xã hội mới, nhiệm vụ cần thiết là phải thực hiện xã hội hóa tư liệu sản xuất, từng bước xây dựng và đưa quan hệ sản xuất mới ngày càng chiếm vị trí chi phối trong nền sản xuất xã hội. Vì vậy, không thể ngay lập tức xóa bỏ mọi sự tồn tại của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nền kinh tế. Nghĩa là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là việc bỏ qua sự xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, đồng thời bỏ qua việc tước đoạt ruộng đất và tư liệu sản xuất của người lao động, bỏ qua việc tạo dựng giai cấp thống trị, bóc lột người lao động, nhưng kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là thừa nhận sự tồn tại khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế đa hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý…
Quan điểm của Lênin về phát triển kinh tế sau khi Đảng đã giành được chính quyền có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn, nó không chỉ có tính quy luật đối với nước Nga Xô-viết mà còn đối với tất cả các nước bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vận dụng những quan điểm này vào bài giảng “Những vấn đề kinh tế chính trị của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính trước hết giúp học viên hiểu được rằng Đảng ta sở dĩ giữ vững được vai trò lãnh đạo và lãnh đạo thành công trong sự nghiệp đổi mới cũng trước hết nhờ Đảng ta không xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, không xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa, không mất đi bản chất của giai cấp công nhân. Thành công và thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã và đang chứng minh sức sống và làm sáng tỏ bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời càng thấy rõ sự cần thiết phải tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc để làm sáng tỏ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện và hoàn cảnh mới của đất nước.
Đối với giảng viên giảng dạy bài “Những vấn đề kinh tế chính trị của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, cần học tập và nghiên cứu quan điểm của Lênin về nhiệm vụ phát triển kinh tế sau khi Đảng giành được chính quyền trong giảng dạy mục “Những nhiệm vụ kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam” nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Thông qua đó làm rõ một số quan điểm được Đảng và Nhà nước ta chú trọng trong xây dựng và quản lý nền kinh tế đất nước như: Duy trì và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần (kinh tế thị trường định hướng XHCN) trong suốt thời kỳ quá độ và thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước; kiên định mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm mục tiêu trung tâm để đưa ra những nhóm giải pháp hữu hiệu nhằm kiềm chế và đẩy lùi lạm phát và tăng giá; phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm đời sống dân sinh và phát triển bền vững; thực hiện sản xuất và phân phối một cách hợp lý trên cơ sở sản xuất ngày càng hiện đại hóa vì lợi ích trước mắt và lâu dài của mọi người lao động; tổ chức lao động xã hội dựa trên cơ sở kết hợp những thành tựu mới nhất của khoa học, công nghệ; thừa nhận tự do cạnh tranh và mở rộng liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa trong nước với ngoài nước…
 

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 36, trang 208.
[2] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 36, trang 207.
[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 36, trang 217.
[4] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 36, trang 218.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8070904

Đang Online : 88