Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:7/6/2018 10:31:00 PM Lượt xem: 470

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý KHI ĐƯA NỘI DUNG NGHỊ QUYẾT SỐ 18-NQ/TW[1], NGÀY 25/10/2017,
HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VÀO GIẢNG DẠY PHẦN III.1, III.2

TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ
TỈNH TUYÊN QUANG
 
Ths. Nguyễn Thị Mai
Khoa Nhà nước và Pháp luật
 
Hệ thống chính trị Việt Nam về cơ cấu tổ chức bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.
Trong hệ thống chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, là hạt nhân của hệ thống chính trị.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bao gồm Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương) quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia công tác bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng chủ trương, chính sách pháp luật, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện giám sát, phản biện hoạt động các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, đảng viên, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Tuy vai trò, vị trí, chức năng và phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị của nước ta có khác nhau, nhưng đều là công cụ để thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cùng có chung một mục đích là phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.
Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, từng tổ chức trong hệ thống chính trị phải thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như: Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/05/2013 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhưng lần đầu tiên Đảng ta ban hành nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đó là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017,  Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 18). Bên cạnh việc khái quát kết quả đạt được của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu tổng quát xuyên suốt là:“Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương”; 10 nhiệm vụ, giải pháp chung đối với toàn bộ hệ thống chính trị; 04 nhiệm vụ giải pháp cụ thể trong đó: 09 nhiệm vụ, giải pháp đối với hệ thống tổ chức Đảng; 10 nhiệm vụ, giải pháp đối với hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương; 06 nhiệm vụ, giải pháp đối với chính quyền địa phương; 05 nhiệm vụ, giải pháp đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng.
Phần học III.1, III.2 trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn liên quan đến các vấn đề của các tổ chức trong hệ thống chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý từ tỉnh đến cơ sở và đảng viên. Trong các bài thuộc hai phần học trên, duy nhất bài 1 Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay thuộc phần III.1 là chịu ảnh hưởng toàn bộ của nội dung Nghị quyết 18, còn các bài số 2, số 3, số 5 thuộc phần học III.1 và các bài số 1, số 2, số 11 thuộc phần học III.2 là bài chịu ảnh hưởng một phần của nội dung Nghị quyết 18. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đưa nội dung Nghị quyết số 18 vào giảng dạy các bài thuộc phần III.1, III.2 trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính là hết sức cần thiết. Để có thể cập nhật, đưa những nội dung liên quan trực tiếp của Nghị quyết đến từng bài, tránh trùng lặp hoặc đưa toàn bộ nội dung Nghị quyết vào một bài thì những bài khác phải đề cập đến nội dung nào của Nghị quyết để đảm bảo tính kế thừa một cách hiệu quả, thiết nghĩ trong quá trình soạn giảng giảng viên cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, giảng viên soạn giảng trước khi lên lớp cần chủ động, tích cực nghiên cứu toàn văn Nghị quyết. Việc nghiên cứu toàn văn Nghị quyết giúp giảng viên nắm chắc các nội dung cơ bản, khái quát của Nghị quyết như: Kết quả đạt được trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế; quan điểm chỉ đạo; mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể; giải pháp chung, giải pháp cụ thể. Khi đã có cái nhìn tổng thể về toàn văn Nghị quyết sẽ giúp định hình các nội dung trong Nghị quyết để quá trình nghiên cứu, soạn giảng, các bài trong phần học III.1, III.2 giảng viên xác định được ngay nội dung của Nghị quyết sẽ đáp ứng phần nào trong giáo trình mà giảng viên đang tìm kiếm.
Thứ hai, xác định phạm vi ảnh hưởng của Nghị quyết đến từng bài. Có bài Nghị quyết sẽ ảnh hưởng một cách trực tiếp và toàn diện, ví dụ như bài 1 phần III.1. Nhưng có bài nội dung Nghị quyết chỉ nêu có một phần ví dụ như mục 2.3 phần III của Nghị quyết nhưng lại ảnh hưởng đến cả bài như bài 3 Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân thuộc phần học III.1. Các bài khác thì Nghị quyết chỉ ảnh hưởng đến một phần nội dung của bài như: Bài 1 thuộc phần III.2 về tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở, vấn đề nhân sự ở cơ sở thì cần quan tâm ý thứ tư, ý thứ 6 mục 2.3 phần III của Nghị quyết; có bài Nghị quyết ảnh hưởng đến một số nội dung như bài 11, phần III.2 cải cách hành chính ở cơ sở có nội dung về tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan hành chính từ Trung ương tới cơ sở, vấn đề cán bộ, công chức của toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính… thì nội dung Nghị quyết cần quan tâm là ý 3 mục 1 phần II, từ ý thứ 2 đến ý thứ 9 mục 1 phần III, mục 2.2, 2.3 phần III. Khi đã xác định rõ được mức độ ảnh hưởng của Nghị quyết đến từng bài sẽ giúp giảng viên có sự lựa chọn nội dung phù hợp trong Nghị quyết để đưa vào bài giảng, giúp mang lại hiệu quả cao và tránh được sự trùng lặp.
Thứ ba, lựa chọn nội dung Nghị quyết để đưa vào bài giảng một cách phù hợp.  Việc trích nội dung Nghị quyết vào bài giảng không phải lúc nào cũng được giảng viên thực hiện một cách có hiệu quả. Để khai thác có hiệu quả và không gây nhàm chán cho học viên đòi hỏi giảng viên phải bám sát vào các nội dung trong bài mà sách giáo trình đã cung cấp để đưa nội dung Nghị quyết vào cho phù hợp. Giảng viên có thể trích chi tiết các nội dung quan trọng hoặc có thể nói tinh thần, khái quát những nội dung của nghị quyết có liên quan đến bài giảng. Trong quá trình trích dẫn nghị quyết cần kết hợp với phân tích, giải thích và lấy ví dụ chứng minh… sẽ làm cho nội dung Nghị quyết đưa vào sinh động, thuyết phục và hấp dẫn người nghe. Giảng viên cần tránh việc tham kiến thức đưa toàn văn Nghị quyết và truyền đạt đơn điệu theo kiểu đọc toàn bộ nội dung sẽ dẫn đến nhàm chán và trùng lặp với các bài có liên quan khác. Ví dụ như Bài 1 thuộc phần học III.2 về tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở, vấn đề nhân sự ở cơ sở thì cần quan tâm ý thứ 4, ý thứ 6 mục 2.3 phần III của Nghị quyết như đã nêu ở trên. Hoặc bài 1 phần III.1 Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay có thể nêu toàn văn Nghị quyết (nếu thời gian bài giảng cho phép) hoặc có thể chỉ nêu quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát còn nhiệm vụ và giải pháp có thể giới thiệu để học viên tự nghiên cứu.
Thứ tư, cần có sự trao đổi, thống nhất giữa các giảng viên trong việc nghiên cứu đưa nội dung Nghị quyết vào bài giảng. Vì nội dung Nghị quyết có liên quan đến nhiều phần, nhiều bài, vì vậy việc trích dẫn, đưa nội dung Nghị quyết vào bài giảng sẽ dẫn đến sự trùng lặp giữa các bài và giữa các giảng viên trong quá trình thực hiện bài giảng. Vì vậy, cần phải nghiên cứu kỹ và có sự thống nhất giữa các giảng viên được phân công soạn giảng các bài trên về nội dung và cách thức trích dẫn Nghị quyết để đảm bảo có tính mới, không trùng lặp, nhàm chán và tạo được hứng thú trong nghiên cứu học tập của học viên.
Thứ năm, giảng viên phải thường xuyên bám sát kế hoạch, văn bản chỉ đạo của tỉnh để kịp thời cập nhật những nội dung Nghị quyết đã được cụ thể hóa ở từng địa phương. Vì trên tinh thần Nghị quyết có những nội dung các địa phương sẽ cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình của mình để triển khai có hiệu quả. Việc giảng viên bám sát vào kế hoạch, văn bản chỉ đạo của tỉnh góp phần bảo đảm tính cập nhật, tính thời sự trong mỗi bài giảng, góp phần tuyên truyền văn bản của tỉnh đến học viên nhanh nhất. Bảo đảm tính thống nhất và quyết tâm của tỉnh trong việc hiện thực hóa chủ trương của Đảng.
Thứ sáu, vận dụng nội dung Nghị quyết ra đề mở vào các bài liên quan trực tiếp đến các phần học III.1, III.2. Bên cạnh việc giảng dạy cần chú trọng sử dụng Nghị quyết trong việc xây dựng các đề kiểm tra tự luận theo hướng mở. Việc ra đề vào nội dung trích trong Nghị quyết là điều kiện quan trọng để học viên tự liên hệ nội dung của Nghị quyết gắn với nội dung bài giảng và gắn với thực tiễn. Qua đó giúp học viên có cách nhìn nghiêm túc, đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp cụ thể góp phần thực hiện tốt nội dung Nghị quyết 18 nói riêng và nội dung các văn kiện, nghị quyết… của Đảng nói chung tại cơ sở.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi để giảng dạy tốt hơn các bài thuộc phần học III.1, III.2 trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang có liên quan đến Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong nhà trường đồng thời góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
 

[1]Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8066718

Đang Online : 5156