Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:7/6/2018 10:33:00 PM Lượt xem: 1273

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG ĐẠI HỘI XII VỀ VAI TRÒ CỦA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
TRONG PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT
 
Ths. Phùng Thị Khánh Lệ
Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học – Thông tin – Tư liệu
 
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định khoa học và công nghệ có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960) Đảng ta đã xác định: Gắn phát triển khoa học và kỹ thuật với phát triển văn hóa của nhân dân.
Khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ đã làm thay đổi cơ bản các yếu tố của lực lượng sản xuất. Thông qua việc phát hiện và sử dụng những nguồn năng lượng mới, chế tạo các vật liệu nhân tạo với những thuộc tính hoàn toàn mới, thực hiện tự động hóa sản xuất, tự động hóa cả quá trình quản lý… nó đã làm cho lực lượng sản xuất mang tính chất xã hội hóa cao. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tác động đến tất cả các nước trên thế giới, từ đó làm cho quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa nền sản xuất vật chất và đời sống xã hội phát triển mạnh mẽ, làm cho việc mở cửa hội nhập vào thế giới, việc hợp tác và cạnh tranh giữa các quốc gia trở thành xu thế tất yếu. Điều đó vừa tạo thời cơ mới vừa đặt ra thách thức mới cho các quốc gia và dân tộc trong quá trình phát triển. Đồng thời nó cũng tạo ra những khả năng, tiền đề khách quan cho các nước lạc hậu có thể lựa chọn con đường bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, quá độ lên chủ nghĩa xã hội bằng một loạt các khâu trung gian.
Đối với Việt Nam, với mục tiêu “Phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[1]. Để đạt được mục tiêu đó cần đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ.
Tại Đại hội XII, khi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Trong những năm qua khoa học, công nghệ đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực”[2]. Cụ thể,  trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khoa học và công nghệ là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng. Các tiến bộ khoa học, công nghệ đã đóng góp khoảng 30 - 40% vào tăng trưởng nông nghiệp…; trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng đã thiết kế, chế tạo thành công nhiều loại sản phẩm, thiết bị cơ khí đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh…; trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo các cụm khối, hệ thống kiểm tra phục vụ cho công tác bảo đảm kỹ thuật; nghiên cứu thiết kế, chế tạo mới, cải tiến, hiện đại hoá, bảo đảm kỹ thuật cho các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật theo hướng công nghệ cao, tăng tầm bắn, tăng uy lực, khả năng cơ động, tăng độ chính xác, tích hợp khả năng dẫn đường; xây dựng các hệ thống giám sát có chủ đích trên không gian mạng…; trong lĩnh vực y tế, các công trình nghiên cứu đã góp phần dự phòng, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đã được nghiên cứu ứng dụng thành công, nhiều loại bệnh đã được chẩn đoán, điều trị với tỷ lệ thành công cao, giá thành rẻ, tiết kiệm cho xã hội hàng trăm tỷ đồng. Vai trò, vị thế nền y tế Việt Nam ở một số lĩnh vực đã được nâng cao ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới như: Ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, y học hạt nhân, nội soi can thiệp…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại hội XII cũng thẳng thắn nhìn nhận “Khoa học, công nghệ chưa thực sự gắn kết và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội” [3]. Đánh giá này dựa trên thực tiễn của việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam chưa thực sự có hiệu quả. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa được tiến hành đồng bộ. Những máy móc thiết bị đưa vào sản xuất vẫn còn lạc hậu so với thế giới và gây ô nhiễm cho môi trường…
Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế trên, Đảng ta xác định: Tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ. Trong đó phải “phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, làm cho khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo vệ quốc phòng, an ninh. Phát triển, ứng dụng khoa học – công nghệ cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các cấp, các ngành. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính để giái phóng năng lực sáng tạo, đưa nhanh tiến bộ khoa học – công nghệ vào hoạt động thực tiễn. Tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; mở rộng hình thức liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, phải là hướng ưu tiên trong hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trên thế giới”[4].
Với chủ trương đầu tư phát triển khoa học công nghệ sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển lực lượng sản xuất. Bởi, thông qua việc phát triển khoa học, công nghệ sẽ góp phần nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, kỹ xảo cho người lao động trong quá trình sản xuất, là yếu tố thúc đẩy người lao động không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi để đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ. Đồng thời cũng giúp cải tiến tư liệu sản xuất, hiện đại hóa dây chuyền, máy móc, góp phần tăng năng suất lao động. Chủ trương “thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên đất nước ta. Tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao…”[5] sẽ giúp được ta học tập kinh nghiệm, tiếp thu những thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến trên thế giới để đi tắt đón đầu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khoa học và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất trong nước.
Tóm lại, triển khai và thực hiện tốt quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội XII về vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển lực lượng sản xuất sẽ là một trong những nhân tố quan trọng giúp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.
 

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng,H.2016, tr.21
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng,H.2016, tr.118
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng,H.2016, tr.119
[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng,H.2016, tr.119 - 120
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng,H.2016, tr.121

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8070022

Đang Online : 8466