Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:7/6/2018 10:39:00 PM Lượt xem: 955

QUÁN TRIỆT SÂU SẮC NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TW7 KHÓA XII VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ VÀO GIẢNG DẠY
CHƯƠNG TRÌNH
TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH 
Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
 
Ths. Hoàng Bằng Giang                                  
Q. Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
 Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện đã không ngừng quan tâm đến công tác cán bộ - chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yều cầu của từng giai đoạn cách mạng. Chính nhờ sự quan tâm đặc biệt về công tác cán bộ mà các thế hệ cán bộ cách mạng do Đảng ta đào tạo, huấn luyện đã có sự trưởng thành vượt bậc, đủ khả năng lãnh đạo cách mạng nước ta đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cách mạng dân tộc dân chủ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong quá trình lãnh đạo đổi mới đất nước, Đảng ta luôn thấu triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc.., muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Xác định được tầm quan trọng đặc biệt của cán bộ và công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, mà đặc biệt là thời kỳ đổi mới, Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII đã có Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được tăng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn; nguồn cán bộ quy hoạch khá dồi dào, cơ bản đảm bảo sự chuyển tiếp giữa các thế hệ… Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm…; công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, thực hiện một số nội dung còn hình thức. Quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn quy hoạch theo chức danh… Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội… Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
 
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 7 khóa XII
 
Những hạn chế, yếu kém trên đã được Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chỉ ra do rất nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân cần đặc biệt được nhấn mạnh là: Một số nội dung trong công tác cán bộ chậm được đổi mới. Trước thực trạng đó về công tác cán bộ, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã có Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là sự thể hiện bước tư duy đột phá của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới - giai đoạn toàn cầu hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của nhân loại đang diễn ra.
Sau khi phân tích, đánh giá, xem xét toàn diện những ưu điểm, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của hạn chế, yếu kém về công tác cán bộ trong hơn 20 năm thực hiện Nghị Trung ương 3 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đưa ra quan điểm, mục tiêu, giải pháp đồng bộ, toàn diện về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, với bước đột phá tư duy tầm chiến lược: Thứ nhất, về quan điểm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tiếp tục giữ vững lập trường cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững; thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn; quán triệt nguyên tắc về quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt. Thứ hai, về mục tiêu, Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đây là điểm rất mới mang tính đột phá chiến lược về công tác cán bộ, đó là “phải đảm bảo sự chuyển tiếp và vững vàng giữa các thế hệ để đủ sức lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới”. Bên cạnh đó, Nghị quyết còn chỉ ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, đến năm 2020, năm 2025 và năm 2030 rất chặt chẽ và cụ thể, rõ ràng. Thứ ba, về giải pháp, Nghị quyết đã đề ra 8 nhóm giải pháp hết sức sát với thực tế khách quan đòi hỏi về công tác cán bộ hiện nay, trong đó, nhóm giải pháp thứ 5 được coi là bước đột phá sâu sắc về công tác cán bộ mà từ trước tới nay Đảng ta chưa bao giờ đề cập đến trong một nghị quyết nào, đó là “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”. Thứ tư, Nghị quyết chỉ rõ cần tập trung vào hai trọng tâm và năm khâu đột phá rất rõ ràng, cụ thể về đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ và công tác đánh giá cán bộ…
Có thể khẳng định rằng, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” ra đời là thể hiện bước đột phá chiến lược về công tác cán bộ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Đây là sự hiện thực hóa mạnh mẽ tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng ta, là nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng, vì nó liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam và của chế độ ta. Nghị quyết đã thể hiện rất nhiều điểm mới mang tính đột phá về công tác cán bộ của Đảng trong thời kì đổi mới đất nước toàn diện - đây là Nghị quyết mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc về chiến lược cán bộ trong giai đoạn hiện nay. Do đó, hơn ai hết mỗi giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương7 khóa XII về công tác cán bộ, vận dụng những nội dung phù hợp của Nghị quyết vào các bài giảng trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Đặc biệt là đội ngũ giảng viên giảng dạy hai phần học: Tư tưởng Hồ Chí Minh và Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở cần cập nhật kịp thời đưa những nội dung cốt lõi của Nghị quyết vào bài giảng “Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ” và bài giảng “Công tác cán bộ của tổ chức cơ sở đảng và nghiệp vụ công tác cán bộ”, nhằm làm sâu sắc thêm sự thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán cán bộ của Đảng ta trong thời kỳ cách mạng mới, về những vấn đề cốt lõi trong trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược như việc đánh giá và sử dụng đúng cán bộ, việc rèn luyện cán bộ, việc lấy ý kiến của nhân dân tham gia đánh giá cán bộ.., góp phần củng cố vững chắc niềm tin cho cán bộ đảng viên về sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, thấy rõ được ý chí sắt đá của Đảng ta về mục tiêu, lý tưởng quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc như Bác Hồ hằng mong ước; nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình với toàn thể dân tộc Việt Nam.                                        
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8070297

Đang Online : 8741