Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:7/6/2018 10:51:00 PM Lượt xem: 1016

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC Ở TỈNH TUYÊN QUANG HIỆN NAY
 
Ths. Lê Thị Hồng Hạnh
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh 
 
Bác Hồ thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng,
 huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, năm 1952.  Ảnh tư liệu
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách dân tộc (CSDT) và thực hiện CSDT là một nội dung đặc biệt quan trọng nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay. Tư tưởng đó của Người được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, các văn kiện của Đảng và Nhà nước do Người trực tiếp soạn thảo và trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CSDT ở nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về CSDT có thể khái quát trên những nội dung chủ yếu sau:
Trước hết, Hồ Chí Minh khẳng định CSDT phải đảm bảo ba nguyên tắc cơ bản, đó là: Đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp nhau cùng phát triển. Nguyên tắc đoàn kết các dân tộc được Hồ Chí Minh khẳng định rõ trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, Người viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”[1]. Nguyên tắc bình đẳng dân tộc cũng được Người nhấn mạnh: “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc trên đất nước ta đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ… Đảng và Chính phủ ta luôn luôn kêu gọi các dân tộc xóa bỏ xích mích do đế quốc và phong kiến gây ra, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”[2]. Nguyên tắc tương trợ giữa các dân tộc xuất phát từ sự phát triển không đồng đều giữa các dân tộc. Do đó, các dân tộc đa số phải giúp đỡ dân tộc thiểu số (DTTS) và ngược lại các DTTS giúp đỡ các dân tộc đa số để các dân tộc cùng phát triển. “… Hiện nay, có hàng chục vạn đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế miền núi. Đồng bào miền xuôi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền núi. Đó là chính sách dân tộc của Đảng”[3]... Ba nguyên tắc này có quan hệ hữu cơ hợp thành một thể thống nhất, tác động qua lại lẫn nhau. Đoàn kết, bình đẳng, tương trợ vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển; vừa là tiền đề, vừa là hệ quả. Bình đẳng là cơ sở của sự đoàn kết. Tương trợ là điều kiện của đoàn kết và bình đẳng.
Trong xây dựng CSDT Hồ Chí Minh khẳng định phải chú ý đến tính đặc thù của từng dân tộc; phải khơi dậy, phát huy khả năng vươn lên của các dân tộc. Theo Người: “Một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Mèo thì tuyên truyền huấn luyện với đồng bào Thái khác, đồng bào Mèo khác, phải có sự đổi thay cho thích hợp”[4]. Điều đó không chỉ thể hiện ở các chương trình, kế hoạch phù hợp với đặc điểm văn hóa, tâm lý, phong tục tập quán của từng dân tộc, mà ngay cả cách tuyên truyền chính sách cho đồng bào cũng phải được diễn ra “nôm na” để đồng bào dễ hiểu, dễ làm theo. Theo Người, nội dung CSDT cần phải hướng vào là: Sự phát triển toàn diện miền núi, song phải lấy phát triển lâm nghiệp làm khâu đột phá, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo Người, đi lên chủ nghĩa xã hội phải đi bằng hai chân, công nghiệp và nông nghiệp. Song ở miền núi, tiềm năng thế mạnh là đất và rừng, bởi vậy phải đi lên trước hết bằng thế mạnh của mình: Phát triển lâm nghiệp, coi đây là khâu đột phá tạo điều kiện, tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hoá miền núi.
Trên cơ sở những quan điểm cơ bản về CSDT, để thực hiện có hiệu quả CSDT trong điều kiện một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, trong việc thực hiện CSDT, chính quyền phải làm cho đúng, cho trúng và theo từng lộ trình phù hợp để vừa đảm bảo mục tiêu là phát triển toàn diện đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc, vừa giữ vững bản sắc văn hóa, giữ vững quốc phòng an ninh để góp phần đạt được mục tiêu chung: “Nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội[5].
Hai là, để thực hiện có hiệu quả CSDT thì phải có những biện pháp cụ thể, trên từng mặt, từng lĩnh vực nhằm tác động toàn diện tới đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Theo Người, CSDT ở nước ta phải thực hiện các nội dung sau: “1. Dân tộc bình đẳng; Chính phủ sẽ bãi bỏ hết những hủ tệ cũ, bao nhiêu bất bình đẳng sẽ được sửa chữa đi; 2. Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt; a) về kinh tế sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng; b) Về văn hóa, Chính phủ sẽ chú ý tới trình độ học thức cho dân tộc. Các dân tộc được bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình…[6].
Ba là, việc triển khai thực hiện CSDT phải cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng đặc điểm của từng đối tượng, từng vùng, tránh rập khuôn, máy móc. Người nói: “Miền núi đất rộng người thưa, tình hình vùng này không giống tình tình vùng khác. Vì vậy, áp dụng chủ trương và chính sách, phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, máy móc”[7]
Bốn là, muốn thực hiện tốt CSDT thì người cán bộ cần phải có “nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, tinh thần hết lòng hết sức phục vụ đồng bào các dân tộc”. Cán bộ cũng cần phải “nắm rõ chính sách, …, biết tiếng và hiểu rõ phong tục tập quán của từng dân tộc”[8]. Có như vậy, mới tìm những giải pháp hay và thiết thực để thực hiện hiệu quả CSDT. Bên cạnh đó, thành công của thực hiện CSDT còn phụ thuộc vào ý thức tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, tránh trông chờ ỷ lại vào các chính sách Nhà nước hay trợ giúp bên ngoài của bản thân đồng bào các DTTS. Do đó, cần phải khắc phục tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc, khơi gợi tinh thần cố gắng vươn lên của đồng bào DTTS: “Người dân tộc lớn thường dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh. Từng cán bộ, từng đảng viên, đoàn viên, bộ đội, công an vũ trang đều phải chú ý điểm này[9].
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về CSDT vào thực hiện CSDT ở Tuyên Quang, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện nhiều chính sách dân tộc phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả những lợi thế của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, các chính sách đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng vùng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, củng cố xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS, chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS... đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn miền núi và vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Quyền bình đẳng giữa các DTTS trong tỉnh ngày càng được biểu hiện rõ nét trên các lĩnh vực của đời sống – xã hội. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên từng bước. Đến nay, 100% các xã đặc biệt khó khăn đã có đường ô tô đến trung tâm, có công trình thủy lợi  phục vụ tưới tiêu và có điện lưới quốc gia. Trên 95% hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện. Đời sống vật chất tinh thần của đồng bào được cải thiện và từng bước được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/ năm[10]. Đời sống văn hóa của đồng bào các DTTS được nâng cao một bước, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được tôn trọng, bảo tồn và phát huy. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc có chuyển biến tốt, dịch vụ trợ giúp pháp lý đang tiếp cận với người dân. Công tác vận động nhân dân, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng được chú trọng. Bình đẳng giới từng bước được tạo lập giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, vươn lên phát huy vai trò của bản thân trong gia đình và xã hội.
Đặc biệt, nhờ được tiếp cận thông tin từ các ấn phẩm báo chí được cấp phát miễn phí cho đồng bào DTTS, cùng với sự tích cực tuyên truyền của các cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào DTTS đã có ý thức tự vươn lên thoát nghèo, đẩy mạnh sản xuất. Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào DTTS như mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, mô hình trồng lạc ở xã Hùng Mỹ; các mô hình trồng cây ăn quả như cam, bưởi, na... ở các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương... Đây là những kết quả đáng tích cực thể hiện ý thức thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
- Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của CSDT và thực hiện CSDT thông qua việc tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết và các chủ trương, CSDT của Đảng và Nhà nước ở các cấp, đặc biệt là ở cơ sở theo từng năm, từng giai đoạn. Từ đó đánh giá những thành tựu đạt được và những hạn chế còn tồn tại, rút kinh nghiệm và bài học để những năm sau, giai đoạn sau thực hiện các chính sách tốt hơn.
- Tăng cường sự phối hợp trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc giữa các cơ quan, tổ chức trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc của tỉnh.
- Phát huy vai trò chủ thể của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tham gia, đóng góp ý kiến vào công tác tổ chức thực hiện CSDT của tỉnh.
- Bảo đảm các loại vốn đầu tư đối với vùng đồng bào DTTS thực sự có hiệu quả, tạo điều kiện để đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
- Làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ người có uy tín, đội ngũ cốt cán vùng đồng bào DTTS. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng, vi phạm chính sách, pháp luật Nhà nước./.
 

[1] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 4, NXB Chính truh quốc gia, Hà Nội, tr.217-218
[2] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 9, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.587
[3] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 11, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.136
[4] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 11, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.128
[5] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.587
[6] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.110 - 111
[7] Hồ Chí Minh (1977), Các dân tộc đoàn kết bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.97
[8] Hồ Chí Minh (1977), Các dân tộc đoàn kết bình  đẳng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.147
[9] Hồ Chí Minh (1977), Các dân tộc đoàn kết bình đăng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.112
[10] Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tr.62

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8070277

Đang Online : 8721