Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:7/6/2018 11:06:00 PM Lượt xem: 1779

70 NĂM “LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC” CỦA HỒ CHÍ MINH LỜI KÊU GỌI MÃI VẸN NGUYÊN GIÁ TRỊ
 
Ths. Triệu Thị Bạch Vân
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Tác phẩm “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 6/1948 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt. Nhằm kêu gọi, động viên toàn thể dân tộc ta phát huy mọi khả năng, cống hiến to lớn cho cách mạng, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Để triển khai chỉ thị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, kêu gọi toàn dân tộc tích cực thi đua “làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Tác phẩm được đăng trên Báo Cứu quốc, số 986, ngày 24/6/1948. Kể từ ngày ra đời đến nay đã 70 năm nhưng tác phẩm vẫn giữ sức sống mãnh liệt, đặc biệt soi chiếu trong tình hình hiện nay, trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, lời kêu gọi thi đua yêu nước càng có ý nghĩa to lớn.
 
 
Ngay những dòng đầu tiên của tác phẩm “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Mục đích của thi đua ái quốc là diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Để thực hiện được mục đích này thì cách làm chính là dựa vào dân. Đó là một minh chứng điển hình về niềm tin vào sức mạnh của nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định, dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi. Người đã chỉ ra yêu cầu “…bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến[1]
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là trách nhiệm của toàn thể nhân dân Việt Nam, bởi vậy mà mỗi người dân phải đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn hoàn thành thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Công việc cách mạng là việc chung nên Người kêu gọi: Các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, đồng bào phú hào, đồng bào công nông, đồng bào trí thức và chuyên môn, nhân viên Chính phủ, bộ đội và dân quân… tất cả mọi người trong xã hội không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, tất cả mọi người trong xã hội đều phải kề vai góp sức chống giặc, đều cùng nhau thi đua. Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi[2]. Từ sự thi đua hăng hái sôi nổi ấy sẽ tạo thành làn sóng thi đua mạnh mẽ, Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, người người thi đua, nhà nhà thi đua và điều này tạo nên sức mạnh to lớn không chỉ bền chặt tinh thần đoàn kết mà sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng[3].
 “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn, súc tích, chưa đến 500 từ nhưng truyền tải được lời hiệu triệu hàm chứa ý nghĩa sâu sắc. Với sức mạnh to lớn của nhân dân và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chúng ta có thêm niềm tin, hy vọng vào sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, Người khẳng định và kêu gọi: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.
Hỡi toàn thể đồng bào,
Hỡi toàn thể chiến sĩ,
Tiến lên!”[4]
Có thể thấy rằng, trong mỗi thời kỳ lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đề ra các mục đích thi đua và chỉ đạo sát với nhiệm vụ của từng giai đoạn đó, thi đua gắn với cách mạng, gắn với mỗi con người. Lật giở lại những trang sử hào hùng của dân tộc với những năm tháng không thể nào quên, thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng thi đua yêu nước có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, khắp nơi trong cả nước phong trào thi đua yêu nước diễn ra sôi nổi, rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Trong cả nước, các tầng lớp nhân dân ở mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi, mọi giai cấp, tầng lớp đều hăng hái, nhiệt tình tham gia phong trào thi đua “làm cho mau nhất, tốt nhất, nhiều nhất” những công việc hàng ngày mình vẫn làm. Công nhân, nông dân thi đua sản xuất, bộ đội, du kích thi đua giết giặc, phá tề, trừ gian, cơ quan thi đua công tác, trường học thi đua dạy tốt, học tốt, thi đua tăng gia sản xuất, thực hiện đời sống mới… Những phong trào thi đua sôi nổi ấy khiến mỗi chúng ta thấy được ý nghĩa to lớn của sự đoàn kết, của sức mạnh to lớn đã làm nên thắng lợi vĩ đại cho dân tộc ta.
Đất nước hòa bình và bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, cả những cơ hội và khó khăn. Qua hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016) nhận định: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử[5].
Trước tình hình mới, tinh thần thi đua yêu nước năm xưa của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị. Thi đua ái quốc hôm nay là khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, biến sức mạnh ấy trở thành động lực thúc đẩy mỗi người, mỗi tập thể vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước, trong thời kỳ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Hòa chung khí thế ấy, nhân dân cả nước đang ra sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, tinh thần ấy được nhân rộng mạnh mẽ. Các phong trào thi đua rộng lớn như: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... các phong trào thi đua trong các ngành, các lĩnh vực trong xã hội với nhiều cuộc vận động, nhiều cuộc thi đua với ý nghĩa thiết thực đã lôi cuốn đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia.
Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang luôn thấm nhuần “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên của nhà trường. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy giảng viên đưa nội dung công tác thi đua, khen thưởng vào giảng dạy trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Qua đó, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên về vai trò, vị trí của công tác thi đua, khen thưởng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh và đất nước.
Nhà trường đã thực hiện tốt nội dung phát động đăng ký thi đua đầu năm của Chủ tịch UBND tỉnh, ký kết giao ước thi đua các cơ quan Khối Đảng tỉnh; ký kết thi đua Cụm thi đua số 3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ký kết giao ước thi đua giữa các khoa, phòng, công đoàn, Chi đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh với những nhiệm vụ cơ bản; thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm lớn trong năm. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu phát huy vai trò trách nhiệm trong việc tổ chức các phong trào thi đua, phát động các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, đặc biệt là phong trào thi đua “Dạy tốt- học tốt-phục vụ tốt” gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chuyên đề năm 2018, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Thi đua đã tạo nên không khí giảng dạy, học tập sôi nổi trong nhà trường. Kết quả phân loại tập thể, cá nhân và các danh hiệu thi đua năm 2017 đạt các chỉ tiêu đăng ký đầu năm: Về cá nhân: 15/52 cán bộ, giảng viên, nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 35/52 cán bộ, giảng viên, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; 02/52 cán bộ, giảng viên hoàn thành nhiệm vụ; 50/52 cán bộ, giảng viên, nhân viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; trong đó có 08 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 01 tập thể và 18 đồng chí được Hiệu trưởng tặng Giấy khen; 03 đồng chí đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh ; 03 đồng chí đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen[6].
Những kết quả đạt được cho thấy thi đua đã mang lại ý nghĩa tích cực, đích thực. Thi đua từ chính những công việc làm hằng ngày, thi đua thúc đẩy năng lực sáng tạo của mỗi người, thi đua kết nối mọi người, giúp mỗi người thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia phong trào chung. Kết quả đó chính là động lực để lan tỏa tiếp các phong trào thi đua sôi nổi trong nhà trường, tạo không khí thi đua tích cực, hiệu quả.
Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có sức lan tỏa trong thực tiễn. Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta càng nhận thức sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; đó là nền tảng, là động lực mạnh mẽ lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban, ngành trong xã hội tích cực phấn đấu, thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Qua đó, góp công góp sức của mình, đem hết tài năng, trí tuệ, vượt lên mọi khó khăn góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh hơn và đời sống ngày càng giàu mạnh hơn. Điều đó chính là sự thể hiện tinh thần yêu nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
                                                                 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc Gia- Sự thật, HN.2011, tập 5, tr. 556
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc Gia- Sự thật, HN.2011, tập 5, tr. 556,557
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc Gia- Sự thật, HN.2011, tập 5, tr. 557,258
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc Gia- Sự thật, HN.2011, tập 5, tr. 558
[5] Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII của Đảng, HN. 2016, tr.16
[6] Báo cáo số 61/BC-TCT về Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ, công tác thi đua năm 2018 của Trường Chính trị

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8069992

Đang Online : 8436