Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin Lý luận và thực tiễn số 3

Ngày Đăng:12/11/2018 2:26:00 PM Lượt xem: 1373

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM, NÊU GƯƠNG VỀ ĐẠO ĐỨC ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY
       Nguyễn Thanh Thủy
Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

                                           
 
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lý luận phải gắn với thực tiễn nhưng điều quan trọng nhất về mặt đạo đức là lấy hiệu quả làm thước đo. Người chỉ rõ: Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Chính vì vậy, phải nêu gương về đạo đức, nói đi đôi với làm.
“Nói thì phải làm” là thể hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm. Nói đi đôi với làm còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng viên, công chức, nêu gương trước nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, về bản chất, “nói đi đôi với làm” không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người.
Nói đi đôi với làm, nói phải đúng chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai. Cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối cách mạng của Ðảng trong toàn bộ tiến trình cách mạng và được cụ thể hóa trong từng giai đoạn. Nắm vững đường lối cách mạng để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân làm cho đúng. Ðể nói đúng quan điểm, đường lối của Ðảng, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý luận Mác-Lênin. Hồ Chí Minh coi lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.
Nói đi đôi với làm, không được “nói một đằng làm một nẻo”. Theo Hồ Chí Minh, lời nói cần đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được.
Hồ Chí Minh cho rằng, để chống việc nói một đằng, làm một nẻo, mỗi cán bộ đảng viên còn cần phải xác định rõ trách nhiệm của mình. Mỗi người, mỗi ngành, mỗi giới, mỗi tầng lớp nhân dân đều có những công việc, nhiệm vụ cụ thể. Khi nói phải gắn với những công việc, nhiệm vụ cụ thể, không chung chung, đại khái dẫn đến nói chung, ai nói cũng được, nghe thì hay, nhưng không biết thực hiện thế nào. Nói đi đôi với làm yêu cầu phải đi sâu đi sát, kiểm tra đôn đốc kết quả của việc thực hiện những công việc đã đề ra, không thể làm theo lối quan liêu, như cách "tỉnh gửi giấy xuống huyện, huyện gửi giấy về xã…".
Theo Hồ Chí Minh, không được hứa mà không làm. Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. "Làm" ở đây chính là hành động, là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Ðối với Ðảng ta, Người yêu cầu Ðảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Ðảng.  Ðối với cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh… phải thật thà nhúng tay vào việc”[1].
Làm gương ở nhiều môi trường và cấp độ khác nhau. Nhân dân ta thường nói "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Trong mọi biểu hiện làm gương thì người đứng đầu, cán bộ chủ chốt giữ vai trò rất quan trọng. Muốn hướng dẫn cấp dưới và nhân dân thì phải làm mực thước cho người ta bắt chước.
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để làm. Tấm gương đạo đức mẫu mực của Bác chính là biểu hiện cho triết lý đó. Trong suốt cuộc đời mình, Người đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ nói đi đôi với làm. Năm 1945, trước nạn đói ở miền Bắc, Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói và Người kêu gọi: "Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.
Người từng nói: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho Nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”[2]. Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng của Toàn quyền Ðông Dương trước đây mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ; đi dép lốp, dùng chiếc quạt lá cọ, chiếc ô tô cũ…
Hiện nay, để nêu gương trước quần chúng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đội ngũ cán bộ, công chức và đảng viên phải ra sức rèn luyện, kiên quyết đấu tranh khắc phục những tồn tại, yếu kém mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ đã chỉ ra.
Hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Ngày 25/10/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐi/TW).
Quy định nên rõ, cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101- QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.
          Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện: 
Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghiên cứu, nắm vững hệ thống các nguyên tắc cơ bản và kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch.
 Hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia - dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân. Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
 Thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả; thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể.
Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ; sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được phân công. Tâm huyết, tận tuỵ với công việc. Tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ trong địa phương, lĩnh vực mình phụ trách.
Tích cực thực hiện quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Chủ động thực hiện chủ trương thí điểm của Trung ương; khuyến khích mô hình, cách làm mới, hiệu quả. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách. 
          Giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận. Chủ động, tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khát khao cống hiến. Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. 
Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành. 
Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, Quy định cũng nhấn mạnh Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân; chủ trì tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân…
Có thể nói, đây là việc làm đúng đắn, thể hiện quyết tâm của Trung ương trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt có năng lực phẩm chất tốt, góp phần nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Cán bộ, đảng viên phải mẫu mực thực hiện đầy đủ các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống lợi ích nhóm, chống lối sống cơ hội, thực dụng, lối sống vì tiền tài, danh vọng, vô cảm trước những khó khăn, vất vả của quần chúng nhân dân. Chỉ có như vậy, mới trở thành tấm gương mẫu mực cho quần chúng, giữ vững được niềm tin của nhân dân với Đảng. Bất luận trong hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên cũng phải nêu gương về đạo đức, nói đi đôi với làm, tạo nên động lực mạnh mẽ cho quần chúng nhân dân, như Bác Hồ đã dạy.
 
 

[1]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG Hồ Chí Minh, t.6, tr.233-234
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG Hồ Chí Minh, t.9, tr.145

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8063294

Đang Online : 1732