Nội san >> Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018 >> Thông tin Lý luận và thực tiễn số 3
Ngày Đăng:12/11/2018 2:40:00 PM Lượt xem: 1739
GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA TÁC PHẨM “ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Chi đoàn trường Chính trị tỉnh, Chi đoàn Báo Tuyên Quang, Đoàn cơ sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa đối với việc rèn luyện đoàn viên giai đoạn hiện nay”
Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Chi đoàn trường Chính trị tỉnh, Chi đoàn Báo Tuyên Quang, Đoàn cơ sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa đối với việc rèn luyện đoàn viên giai đoạn hiện nay”
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, ở miền Nam - cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn tiếp tục. Hơn bao giờ hết, sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước càng đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu cao độ và trách nhiệm to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trong những năm miền Bắc khôi phục kinh tế, văn hóa xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, xuất hiện một số cán bộ thờ ơ với đạo đức cách mạng, thỏa mãn với tâm trạng thời bình, do vậy mắc khuyết điểm như: Sợ gian khổ, kém kỷ luật, thích phô trương, lãng phí, tham ô, hủ hóa, ghen tị, quan liêu, bao biện, không tin vào quần chúng…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức rõ những gian nan, trắc trở cũng như những phức tạp của chặng đường trước mắt và sớm tiên liệu được tình hình. Tháng 12/1958, dưới bút danh Trần Lực, Người đã viết tác phẩm Đạo đức cách mạng. Đây là tác phẩm tiếp nối tư tưởng về đạo đức cách mạng được thể hiện trong các tác phẩm mà Người viết trước đó. Đạo đức cách mạng được in lần đầu tiên trên tạp chí Học tập (nay là tạp chí Cộng sản) số 12, sau đó được Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật) in thành sách và phát hành ngay trong tháng 12/1958. Cuốn sách với dung lượng ngắn, nhưng nội dung rất phong phú, bao quát những vấn đề cơ bản trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về đạo đức mới - đạo đức cách mạng. Cùng với cách viết súc tích, văn phong giản dị, dễ hiểu, tác phẩm là một cuốn “cẩm nang” quý giá cho Đảng, cho mỗi cán bộ, đảng viên.
Mở đầu tác phẩm, Hồ Chí Minh khẳng định vị trí và vai trò của đạo đức cách mạng, đó là nền tảng quan trọng mà người cách mạng phải có, bởi “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” và “có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước.”[1]. Đạo đức cách mạng giúp mỗi người khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không lo kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa…
Trong tác phẩm này, nội dung của đạo đức cách mạng cũng được Người tiếp tục làm rõ. Hồ Chí Minh nhấn mạnh đạo đức cách mạng là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”, luôn “đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình”, “ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”[2]. Người cho rằng, mỗi người cách mạng phải hiểu sâu sắc: Đảng ta là một đội ngũ tiên tiến nhất và tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân, đồng thời là người lãnh đạo cách mạng. Cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ sứ mệnh lịch sử vừa cải tạo thế giới và nhiệm vụ tự cải tạo bản thân mình và mỗi người cách mạng cần phải có sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Điểm mới trong tác phẩm Đạo đức cách mạng năm 1958, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra ba trở lực đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và cũng là lần đầu tiên lý luận về chủ nghĩa cá nhân được Người trình bày một cách toàn diện. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Chủ nghĩa cá nhân là “vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ”. Đó “là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”. Bởi vậy, chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với chủ nghĩa tập thể… trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng[3]. Từ chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí, trói buộc, bịt mắt những nạn nhân của nó, khuyến khích lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân, không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Từ đó, Hồ Chí Minh rút ra kết luận: Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó. Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân[4]. Muốn đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân người cách mạng phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thường xuyên, liên tục ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Tuy nhiên, việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu. Đây chính là chiều sâu trong tư duy biện chứng, trong nhãn quan văn hóa, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đã 60 năm qua đi từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chắp bút viết những dòng tâm huyết đó, nhưng giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Đạo đức cách mạng vẫn vẹn nguyên giá trị. Đặc biệt, soi chiếu trong tình hình hiện nay, khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ thì tác phẩm Đạo đức cách mạng (12/1958) đã trở thành lý luận soi đường, chỉ đạo thực tiễn cho công tác xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng. Đó là những bài học vô cùng quý giá đối với mỗi cán bộ, đảng viên được thể hiện trên mấy điểm như sau:
Thứ nhất, nhận thức đúng đắn về vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên
Trước tác động của tình hình mới, với những mặt trái của nền kinh tế thị trường, hiện nay thì một bộ phận cán bộ, đảng viên đã không còn có sự nhận thức đúng đắn về vai trò của đạo đức cách mạng. Không ít trường hợp cán bộ, đảng viên khi thực hiện chỉ dừng lại ở việc hô hào, phô trương, hình thức, nói suông mà không thực hành, “nói một đàng, làm một nẻo”, “nói không đi đôi với làm”, thiếu tinh thần làm gương, đi trước, làm trước. Trong đó, vấn đề nêu gương của người cán bộ, đảng viên chưa được thực hiện đúng. “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền”[5]… Mỗi việc làm và lời nói của đảng viên gắn chặt với sự nghiệp cách mạng, vì nó ảnh hưởng lớn đến quần chúng. Vì vậy, trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, người cán bộ, đảng viên cũng phải kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, gương mẫu trước quần chúng, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân, đó chính là biểu hiện của việc nhận thức rõ đạo đức cách mạng.
Trước tình hình trên, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các ngành, các cấp càng đặt ra bức thiết hơn; đòi hỏi phải trở thành việc làm thường xuyên, hàng giờ, hàng ngày của cán bộ, đảng viên, của người đứng đầu các cấp, các ngành. Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” hay Chỉ thị 05 - CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ:“đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên…”[6]. Hội nghị Trung ương 8 khóa XII một lần nữa đã nhấn mạnh và quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình; trong quan hệ với Nhân dân, trách nhiệm trong công tác... đặc biệt, việc nêu gương phải trở thành việc làm tự giác, thường xuyên.
Thứ hai, nhận diện những nguy cơ đe dọa nền đạo đức cách mạng
Trong tác phẩm, Hồ Chí Minh nhận diện ba loại kẻ địch nguy hiểm chống phá việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là: Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc, thói quen và truyền thống lạc hậu, chủ nghĩa cá nhân. Những kẻ địch ấy là rào cản ngăn trở sự phát triển của cách mạng, mặc dù được nêu ra cách đây đã 60 năm nhưng “bóng dáng” của những “kẻ địch” ấy vẫn tồn tại trong tình hình mới với những biểu hiện mới.
Những thói quen, tâm lý tiểu nông mang những yếu tố tiêu cực, lạc hậu không chỉ tác động đến con người Việt Nam trong xã hội cũ, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, tình cảm, hành vi của chúng ta trong xã hội hiện đại, trong đó có một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã thẳng thắn nhận diện: “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình.. vướng vào “tư duy nhiệm kỳ” chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình…”[7]. Đặc biệt chủ nghĩa cá nhân với những biểu hiện ngày càng phức tạp, lấn át những chuẩn mực đạo đức cách mạng ở cán bộ, đảng viên. Đó là: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo vun vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”[8]. Nguy hại hơn, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên khi đi vào đổi mới đó là bệnh “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, …thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”[9]. Trên thực tế, có một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bị chủ nghĩa cá nhân “kéo tụt xuống dốc”, đánh mất đi bản lĩnh chính trị, bị những “viên đạn bọc đường” làm cho lóa mắt. Những con người đã từng được nhân dân tin yêu, bạn bè đồng đội quý mến, ngưỡng mộ nhưng vì không chịu tu dưỡng đạo đức cách mạng mà đánh mất đi bản thân mình, mất đi niềm tin, uy tín trước nhân dân.
Đảng ta xác định, chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng được xem như một nội dung liên quan trực tiếp tới vận mệnh của Đảng và quyết định đến thành công của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Thứ ba, góp phần định hướng nội dung, phương pháp xây dựng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân
Đạo đức cách mạng đó là luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.
Trước tình hình trong nước và thế giới diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay, Đảng phải vừa đối phó với những âm mưu của các thế lực thù địch, vừa phải tự vượt qua những yếu kém, tồn tại của chính mình. Đảng đã chèo lái con thuyền đất nước vượt qua mọi thác ghềnh, khó khăn và trong điều kiện mới với sự mở cửa và hội nhập, Đảng càng cần phải khẳng định vị thế của mình, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng trở thành một đảng thực sự cách mạng, chân chính và mỗi đảng viên của Đảng cần phải luôn luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, xác định rõ mục tiêu, lý tưởng của mình, không ngừng tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng. Muốn vậy, Đảng cần phải làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho mỗi cán bộ, đảng viên đặc biệt về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện rõ mục tiêu của Đảng đó là tất cả vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đồng thời, phải nêu cao công tác phê bình và tự phê bình- đây là một nguyên tắc quan trọng trong xây dựng đạo đức cách mạng.
Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống mà cần phải qua tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày mà phát triển và củng cố, do vậy, mỗi người cách mạng cần phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời, ở mọi lúc, mọi nơi. Cùng với đó là cần thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đối với những cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải tích cực, liên tục học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Khi gặp việc thuận lợi không tự cao, tự đại, thỏa mãn dừng lại, khi gặp việc khổ, việc khó thì không chùn bước, dám nghĩ, dám làm. Ngày hôm qua, ngày hôm nay luôn vận động biến đổi, không cái gì là mãi mãi, bởi vậy, tu dưỡng rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên cũng luôn luôn thường xuyên, liên tục, hiệu quả.
Tác phẩm Đạo đức cách mạng (12/1958) của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn. Trở lại những vấn đề đạo đức mà tác phẩm đề cập từ những năm cuối của thập niên 50 của thế kỷ XX soi chiếu vào tình hình hiện nay chúng ta nhận thấy được một tầm nhìn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, rèn luyện và vun đắp cho sự lớn mạnh của Đảng ta. Tác phẩm còn là tình cảm tha thiết, là những trăn trở, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự tiến bộ của cán bộ, đảng viên. Hiện nay khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 7, Trung ương 8 khóa XII thì tác phẩm Đạo đức cách mạng thật sự có một giá trị to lớn, là lý luận soi đường cho công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”./.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN.2002, tập 9, tr.284
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.2002, tập 9, tr. 285
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.2002, tập 9, tr.283
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.2002, tập 9, tr.283
[5] Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, tr.22
[6] Chỉ thị số 05, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị
[7] Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, tr.29, 30
[8] Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, tr.30
[9] Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, tr.31
Các tin liên quan:
- ❧ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM, NÊU GƯƠNG VỀ ĐẠO ĐỨC ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - Ngày đăng('12/11/2018 2:26:00 PM')
- ❧ NÂNG CAO NHẬN THỨC, TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ,TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CHO CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 (KHÓA XII) - Ngày đăng('12/11/2018 2:41:00 PM')
- ❧ ĐƯA NỘI DUNG NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG LẦN THỨ BẢY KHÓA XII VÀO GIẢNG BÀI 3 CỦA PHẦN HỌC NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC ĐẢNG Ở CƠ SỞ - Ngày đăng('8/25/2019 9:46:00 AM')
- ❧ HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 8 KHÓA XII – KHÂU ĐỘT PHÁ TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG HIỆN NAY VỀ QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN - Ngày đăng('12/11/2018 2:57:00 PM')
- ❧ TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC QUÁN TRIỆT, HỌC TẬP CÁC VĂN KIỆN ĐẢNG TẠI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('8/25/2019 9:42:00 AM')
- ❧ TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM - Ngày đăng('12/11/2018 3:16:00 PM')
- ❧ TRAO ĐỔI VỀ HOẠT ĐỘNG THÔNG QUA BÀI Ở KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG, TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('12/11/2018 3:23:00 PM')
- ❧ MỘT SỐ KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ HOẠT ĐỘNG THAO GIẢNG, DỰ GIỜ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2018 - Ngày đăng('12/11/2018 3:26:00 PM')
- ❧ SUY NGHĨ VỀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ HỌC VIÊN TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH TRONG PHẦN HỌC I.1 "NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC LÊNIN" Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('12/11/2018 3:30:00 PM')
- ❧ XÃ LĂNG CAN, HUYỆN LÂM BÌNH TÍCH CỰC “VỀ ĐÍCH” TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI - Ngày đăng('12/11/2018 3:42:00 PM')
- ❧ KHAI THÁC TIỀM NĂNG, PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI XÃ HỒNG THÁI, HUYỆN NA HANG - Ngày đăng('12/11/2018 3:45:00 PM')
- ❧ TUYÊN QUANG TRÊN HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN - Ngày đăng('12/11/2018 3:50:00 PM')