Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin Lý luận và thực tiễn số 3

Ngày Đăng:8/25/2019 9:46:00 AM Lượt xem: 961

ĐƯA NỘI DUNG NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG LẦN THỨ BẢY KHÓA XII VÀO GIẢNG BÀI 3 CỦA PHẦN HỌC NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC ĐẢNG Ở CƠ SỞ
                                          Cử nhân Vũ Thị Sen                                            
Khoa Xây dựng Đảng

Kết quả hình ảnh cho nghị quyết trung ương 7
Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Nghiên cứu, học tập, quán triệt đưa nghị quyết của Đảng vào giảng dạy, học tập ở trường chính trị, là yêu cầu thiết thực của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường, là nhiệm vụ chính trị quan trọng và là trách nhiệm của mỗi  giảng viên để giúp học viên kịp thời cập nhật kiến thức mới, vận dụng vào thực tiễn công tác đạt hiệu quả. 
Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, quán triệt và chỉ đạo cán bộ, giảng viên chủ động tiếp cận những nội dung cốt lõi, mới trong nghị quyết, trên cơ sở đó quán triệt, vận dụng đưa nghị quyết của Đảng vào giảng dạy lý luận chính trị.
Ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là một trong những Nghị quyết rất quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vì vậy, giảng viên khi soạn bài, giảng bài đối với bài này ngoài nội dung trong giáo trình, cần vận dụng đưa vào bài giảng truyền đạt cho học viên những nội dung, quan điểm trong Nghị quyết, trong đó cần tập trung làm rõ những nội dung , quan điểm mới như sau:
Một là, về quan điểm
 Nghị quyết đề ra 5 quan điểm lớn, trong đó điểm mới được xác định trong Nghị quyết là đặt việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trở thành một trọng tâm trong công tác cán bộ, là vấn đề hệ trọng của Đảng, phải tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.
Nghị quyết bổ sung quan điểm đó là, xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm.
Điểm mới nổi bật của quan điểm này là nhận diện và xác định cách thức giải quyết hai mối quan hệ giữa chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương với xây dựng thể chế, tạo môi trường thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo của cán bộ; giữa phân cấp, phân quyền với kiểm tra, giám sát, ràng buộc quyền hạn với trách nhiệm, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm sai phạm. Trong đó, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là một điểm thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Trung ương lần này.
Hai là, về mục tiêu
Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đủ về số lượng, chất lượng cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
 Nghị quyết cũng xác định mục tiêu và tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ trong từng lĩnh vực cho từng giai đoạn. Trong đó, có những chỉ tiêu mới như: đến năm 2030, đối với cán bộ cấp chiến lược, yêu cầu phải thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; trên 15% dưới 45 tuổi; từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương: Từ 15 - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi, từ 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 20 - 25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi.
Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã: 100% có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác... Đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước: Nâng cao tính Đảng và ý thức tuân thủ pháp luật; sản xuất, kinh doanh hiệu quả; từ 70 - 80% có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
 Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đạt trên 35%. Ở những địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, phải có cán bộ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư.
Ba là, về nhiệm vụ và giải pháp
 Nghị quyết nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ.
 Trong đó có những điểm nhấn rất mới như:
- Đổi mới công tác đánh giá cán bộ: Đánh giá cán bộ bộ thông qua khảo sát, so sánh , gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ
Quy trình đánh giá được đổi mới theo hướng hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, so sánh với chức danh tương đương và công khai kết quả; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương.
 Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2020, đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Đến năm 2025, cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch ủy ban nhân dân, nếu có điều kiện.
Đây được coi như một bước đột phá trong công tác cán bộ nhằm giảm thiểu tình trạng thiên vị, cục bộ, chạy chức, chạy quyền.
- Lãnh đạo cấp trên phải từng trải qua vị trí chủ chốt cấp dưới
Trong công tác ứng cử, bổ nhiệm, bố trí cán bộ, tiếp tục thực hiện chủ trương bầu trực tiếp bí thư tại đại hội đảng bộ các cấp ở những nơi có điều kiện; ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày chương trình hành động và cam kết thực hiện.
Đặc biệt, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhân sự không trúng cử cấp ủy cấp dưới thì không giới thiệu để bầu cấp ủy cấp trên.
- Mở rộng thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo
 Nghị quyết nêu rõ, sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm một số chủ trương như: Mở rộng việc thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình.
Theo Nghị quyết, có cơ chế để phát hiện những cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ.
- Xây dựng từ chức, từ nhiệm phải trở thành nếp văn hóa
Nghị quyết chỉ rõ, phải xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ.
- Tiến tới xóa bỏ biên chế suốt đời
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị quyết yêu cầu thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu. Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách đồng bộ liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung; giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư. Có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng và tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời”.
- Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, kiên quyết không để lọt người chạy chức, chạy quyền: 
Nghị quyết nhấn mạnh: Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; đồng thời, không có “vùng cấm” trong việc xử lý những sai phạm về công tác cán bộ.
Nghị quyết đưa ra quyết tâm để ngăn chặn tiêu cực và triệt để chống tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ: “Xây dựng và hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, bảo đảm mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng thể chế, cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm”, “Phải nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và hình thành văn hóa nói không với chạy chức, chạy quyền”. 
- Cải cách tiền lương, nhà ở để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc
Một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực là cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.
Chính sách tiền lương sẽ được cải cách tiền lương phù hợp với từng nhóm đối tượng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ, năng suất lao động, hiệu quả công tác…
Chính sách nhà ở sẽ được xây dựng theo hướng: Nhà nước thống nhất ban hành cơ chế, chính sách; địa phương quy hoạch đất ở, nhà ở; cán bộ, công chức, viên chức mua và thuê mua.
Trên đây là những điểm mới của Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII) so với Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong quá trình giảng dạy giảng viên cần quán triệt cho học viện nắm vững để góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng trong cuộc sống./.





 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8063935

Đang Online : 2373