Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin Lý luận và thực tiễn số 3

Ngày Đăng:12/11/2018 3:30:00 PM Lượt xem: 1266

SUY NGHĨ VỀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ HỌC VIÊN TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH TRONG PHẦN HỌC I.1 "NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC LÊNIN" Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
 
Thạc sĩ Dương Thúy Ngọc
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Thông báo số 181-TB/TW ngày 03 tháng 9 năm 2008 của Ban Bí thư "về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện" đã chỉ rõ: "Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý và kỹ năng, nghiệp vụ tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó ở địa phương, cơ sở".
[1]
Đại hội X của Đảng cũng đề cập đến sự cần thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy trong hệ thống các trường chính trị: “Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng trong Đảng, trước hết cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt các cấp; đổi mới nội dung, phương pháp học tập và phương pháp giảng dạy trong hệ thống trường chính trị, nâng cao tính thiết thực và hiệu quả của chương trình”. [2]
 Quán triệt các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin: "Thực sự chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". [3]
Như vậy, nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học là tất yếu và có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống các trường chính trị. Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị-hành chính, học phần I.1 "Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin" là môn cơ sở quan trọng. Xuất phát từ đặc điểm tri thức và vai trò của bộ môn, những năm qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị-hành chính nói chung, học phần I.1 "Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin" nói riêng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy được Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang hết sức quan tâm. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều buổi toạ đàm về đổi mới cách dạy và cách học được tổ chức thực hiện từ các đơn vị, khoa, phòng… đã đem lại những bước chuyển biến lớn.
Đổi mới phương pháp dạy học trong hệ thống các trường chính trị là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong Đảng, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Cùng với sự đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin trao đổi về việc đổi mới cách thức kiểm tra đánh giá - một tiêu chí quan trọng của quá trình dạy học tích cực.
Kiểm tra đánh giá là khâu không thể thiếu trong quá trình dạy học nói chung và trong dạy học những vấn về cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng. Kiểm tra đánh giá có vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động dạy học, có ý nghĩa to lớn đối với cả giảng viên và học viên. Để nâng cao hiệu quả đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, cần đảm bảo một số yêu cầu sau :
- Thứ nhất: Kết hợp linh hoạt các hình thức kiểm tra đánh giá đối với học viên.
Có hai hình thức cơ bản trong kiểm tra, đánh giá là kiểm tra đánh giá hình thành và kiểm tra đánh giá tổng kết.
Kiểm tra đánh giá hình thành dựa trên cơ sở sự hình thành kiến thức, kỹ năng, thái độ trong học tập và tạo ra động lực phát triển. Vì theo quan điểm dạy học hiện đại thì hoạt động kiểm tra đánh giá muốn đạt hiệu quả cao thì không chỉ dùng ở cuối bài giảng mà phải dùng thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình dạy học. Kiểm tra đánh giá hình thành về cơ bản lấy người học làm trung tâm. Giảng viên sẽ kết hợp một cách khéo léo phương pháp thuyết trình của mình với các phương pháp dạy học tích cực như: Nêu vấn đề, hỏi đáp, phỏng vấn nhanh, thảo luận nhóm... Việc làm này không những giúp giảng viên nắm bắt nhanh chóng với trình độ nhận thức của học viên mà còn có tác dụng hình thành tính chuyên cần cho người học. Thay vì học tập một cách thụ động, trông chờ vào việc cung cấp tri thức có sẵn từ giảng viên hay lối học chay, học tủ như trước kia thì nay học viên sẽ phải học tập tích cực hơn, độc lập hơn, tự mình đi khám phá ra tri thức dưới sự điều khiển, dẫn dắt của giảng viên. Hoạt động kiểm tra đánh giá phải đảm bảo tính công khai, khách quan, điều đó có ý nghĩa kích thích tính tự giác của người học, tạo cho họ động lực và tiêu chí để phấn đấu.
Ví dụ: Trong bài 5 "Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân" để giúp học viên hiểu sâu sắc nội dung mục 1.2 "Về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân ", giảng viên nêu vấn đề để học viên thảo luận như sau: "Ngày nay trước sự biến động sâu sắc của thế giới, sự khủng hoảng, thoái trào của chủ nghĩa xã hội và phong trào cộng sản công nhân quốc tế thì đồng chí có đánh giá nhận định như thế nào về phạm trù sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân? Từ đó đồng chí có niềm tin như thế nào về vấn đề này?"
 Kiểm tra đánh giá được thực hiện vào cuối phần học và cuối năm học. Thông thường hình thức thi viết sẽ được lựa chọn. Trong quá trình soạn đề thi, giảng viên cần sử dụng nhiều loại câu hỏi với mức độ khó dễ khác nhau để đạt được mục tiêu giáo dục khác nhau. Giảng viên cần công khai hình thức và mục đích kiểm tra để học viên bớt căng thẳng, lo lắng. Nội dung kiểm tra yêu cầu bám sát giáo trình, từng mục, từng bài. Hệ thống câu hỏi kiểm tra đánh giá phải phù hợp với đặc thù của từng đối tượng và thể hiện sự phân hoá, đảm bảo 50% câu hỏi đo được mức độ đạt chuẩn, 50% ở mức độ nâng cao đòi hỏi tư duy và năng lực thực hành. Đối với các môn khoa học Mác - Lênin cần tăng cường ra các đề thi mở để học viên có cơ hội thể hiện những quan điểm, những hiểu biết của mình về những tri thức lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, những suy nghĩ và luận giải của người học về những vấn đề thực tiễn nảy sinh, thấy được ý nghĩa phương pháp luận của môn học trong hoạt động thực tiễn. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức.
Ví dụ: Trong Bài 6 "Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội", để làm rõ nhận thức về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dựa trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên có thể ra một đề để kiểm tra đánh giá tổng kết như sau: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011), Đảng ta đã khẳng định: “Hiện tại CNTB còn nhiều tiềm năng để phát triển nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của CNTB, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của LLSX với chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”. 1. Bằng kiến thức lý luận và thực tiễn, đồng chí hãy là sáng tỏ luận điểm trên? 2. Liên hệ với CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam?
- Thứ hai : Chủ động kết hợp một cách linh hoạt, khéo léo giữa các hình thức thi viết với thi vấn đáp trong kiểm tra đánh giá tổng kết.
Thi vấn đáp là phương pháp đánh giá tuy không mới nhưng chưa được sử dụng nhiều trong quá trình dạy học ở hệ thống các trường chính trị. Thi vấn đáp là hình thức kiểm tra đánh giá trong đó giảng viên cung cấp cho học viên hệ thống câu hỏi liên quan đến nội dung phần học. Học viên sẽ lựa chọn cho mình một câu hỏi trong cả hệ thống đó. Căn cứ vào câu trả lời, giảng viên có thể đo lường và đánh giá các kết quả đạt được ở học viên. Hình thức thi này có ưu điểm là kích thích tư duy độc và nâng cao tinh thần trách nhiệm của học viên trong học; giúp học viên lĩnh hội kiến thức một cách sâu sắc, rèn luyện cho học viên thái độ tự tin, khả năng linh hoạt, diễn đạt một cách trực tiếp, đầy đủ, sâu sắc ý tưởng của mình.
Thi viết là hình thức truyền thống vẫn phát huy được ưu điểm cơ bản như là rèn luyện kỹ năng tư duy kết hợp với viết một cách nhuần nhuyễn. Song, cần đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, triển khai một cách thí điểm và có hiệu quả hình thức thi vấn đáp.
Ví dụ: Trong Bài 7 "Liên minh công nông trí thức trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" để làm rõ nội dung cơ bản của liên minh công nông trí thức trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, giảng viên có thể đưa ra một đề thi vấn đáp như sau : Đồng chí hãy trình bày nội dung cơ bản của liên minh công - nông - trí thức trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội? Trong các nội dung của liên minh, nội dung nào là cơ bản và quyết định nhất trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội? Vì sao?
Tóm lại, hoạt động kiểm tra-đánh giá là khâu cuối cùng nhưng rất quan trọng và không thể thiếu trong quá trình dạy học. Để hoạt động kiểm tra-đánh giá đạt kết quả cao, hoàn thành mục tiêu đề ra và phản ánh đúng thực trạng dạy học, giảng viên cần có sự chuẩn bị tốt, tuân thủ theo quy trình và đảm bảo yêu cầu thường xuyên, khách quan, chính xác.
Kiểm tra đánh giá có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với học viên, giảng viên và đặc biệt là đối với cán bộ quản lí. Để chất lượng giảng dạy và học tập lý luận chính trị đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc đổi mới và kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy tích cực, bản thân mỗi giảng viên phải vừa nắm vững được những vấn đề cơ bản của lý luận dạy học hiện đại, vừa phải tự tìm ra cho mình một phương pháp đánh giá tích cực và phù hợp với thực tiễn, từ đó đưa ra được kết quả chính xác, giúp học viên tự tin trong học tập, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc niềm tin cho người học về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
 

[1] Thông báo số 181-TB/TW ngày 03 tháng 9 năm 2008 của Ban Bí Thư "về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện"; tr4
[2] . Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006; tr31
[3] Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Văn kiện đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; 2015, tr.136

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8070533

Đang Online : 8978