Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2019  >> Số 01/2019

Ngày Đăng:6/25/2019 10:31:00 PM Lượt xem: 910

        CÁN BỘ, GIẢNG VÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG TÍCH CỰC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ TÔN TRỌNG NHÂN DÂN
 
Thạc sĩ Bùi Hữu Thêm
Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học – Thông tin – Tư liệu

        Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người; thể hiện một nhân cách lớn, trí tuệ mẫn tiệp, đạo đức trong sáng, nhân văn. Đó là phong cách của một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn. Phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân là những giá trị từ tư tưởng, đạo đức biểu hiện thành phương pháp và kết tinh thành phong cách của Người.
        Tôn trọng Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò, vị trí của Nhân dân. Người cho rằng: Có dân là có tất cả
“Vô luận việc gì, đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả”[1]. Theo Người “… Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[2]. Người luôn khẳng định Nhân dân có vị trí là chủ đất nước, dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân và thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi nhiệm vụ và vượt qua mọi khó khăn. Trong tác phẩm “Dân vận” (năm 1949), Người đã nhấn mạnh: “Nước ta là một nước dân chủ. Chế độ ta là một chế độ dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[3]. Nhân dân có vai trò quyết định đến sự thành, bại của cách mạng, Người khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng[4]. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”[5].
        Từ quan điểm trọng dân, lấy dân làm gốc nên trong lời nói, hành động, lối sống, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều toát lên một phong cách tôn trọng Nhân dân. Hồ Chí Minh là con người sinh ra từ Nhân dân, sống giữa lòng dân và cuối đời lại muốn trở về với Nhân dân để sống một cuộc sống bình dị như những người dân bình thường. Nên mong ước của Bác là có một ngôi nhà nhỏ để sớm chiều câu cá, trồng hoa, làm bạn với các cụ già, trẻ em chăn trâu, không màng đến vòng danh lợi.
        Để thực hành phong cách tôn trọng Nhân dân, Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ, đồng thời tự mình nêu gương cho mọi người noi theo. Người căn dặn, phải giải phóng sức dân, phát triển sức dân, chăm lo bồi dưỡng dân, lại phải biết tiết kiệm sức dân. Mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều từ mồ hôi, nước mắt của dân làm ra, từ lao động khó nhọc hằng ngày. Cho nên, thương dân thì phải tiết kiệm. Lãng phí là không thương dân. Tham ô, tham nhũng là ăn cắp của dân, có tội với dân, phải nghiêm trị theo luật nước, luật Đảng (Điều lệ Đảng), tuyệt đối không có ngoại lệ nào.
        Với tư tưởng coi trọng Nhân dân, Người luôn coi Nhân dân là chủ, còn mình sẵn sàng suốt đời làm người đày tớ trung thành của Nhân dân. Phải ghi lòng tạc dạ “dân chủ” chứ không “quan chủ”; là đày tớ, công bộc của dân chứ không lên mặt “quan cách mạng” để xa dân, hống hách, đè nén, áp bức dân. Vì thế ngay cả khi giữ vị trí đứng đầu Nhà nước 24 năm, từ năm 1945 đến năm 1969, nhưng Hồ Chí Minh không bao giờ ứng xử như một người có quyền. Người luôn coi Nhân dân là chủ, giữ địa vị cao nhất, còn mình chỉ là người đày tớ trung thành, sẵn sàng phục vụ Nhân dân.
        Trong ứng xử hằng ngày lúc nào Người cũng tôn trọng Nhân dân. Ngày mùng 02/9/1945 khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến giữa chừng, Người dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, câu nói rất gần gũi, thân thương mà chứa đựng sự tôn trọng Nhân dân, những chủ nhân của quốc gia độc lập. Năm 1961, khi về thăm lại Pác Bó - Cao Bằng, thấy đồng bào tổ chức đón tiếp, Người nói: “Tôi về thăm nhà mà sao lại phải đón tôi!”, đó là một phong cách gần gũi, luôn coi mình như những người bình thường, chứ không phải với cương vị là Chủ tịch nước.
        Tôn trọng Nhân dân, Người luôn yêu trẻ, kính già và tôn trọng phụ nữ. Đón các cháu thiếu niên, nhi đồng Bác nói với các đồng chí phục vụ: Ở nhà các cháu là con, là cháu của các chú, nhưng vào đây các cháu là khách của Bác. Đồng thời, Người luôn quan tâm đến tỷ lệ cán bộ nữ trong lãnh đạo, số lượng phụ nữ dự hội nghị và luôn mời đại biểu là nữ lên ngồi ở những hàng ghế trên. Là một lãnh tụ được tôn vinh là “cha già dân tộc”, được các tầng lớp nhân dân trong nước và thế giới gọi là Bác Hồ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn xưng là cháu với cụ Phùng Lục 90 tuổi, một phụ lão cứu quốc ở huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay là Hà Nội) đã đem 500 đồng đến gặp Chủ tịch để ủng hộ cho Quỹ kháng chiến kiến quốc.
        Tôn trọng Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lắng nghe ý kiến, tìm hiểu nguyện vọng, giải quyết những kiến nghị chính đáng, chăm lo đời sống cho Nhân dân. Sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, ngày 03/9/1945, Người có thư gửi toàn thể quốc dân đồng bào thông báo, Chính phủ do Người đứng đầu bắt đầu tiếp dân, mỗi đoàn tiếp không quá 10 người, mỗi lần tiếp không quá một giờ để Người được nghe nhiều ý kiến của dân hơn. Người đến với Nhân dân ở cơ sở, đó là những chuyến đi không chỉ để thăm dân, từ các cụ già đến các em nhỏ mà còn để trực tiếp “nghe dân nói” và “nói cho dân nghe” để thấu hiểu ý nghĩ, nguyện vọng của dân từ cuộc sống cơm ăn, áo mặc hằng ngày.
        Có thể nói từ trong tư duy đến lời nói, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều toát lên tư tưởng, đạo đức và phong cách trọng dân, thương dân và hết lòng vì Nhân dân mà phục vụ.
         Thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và triệt để thực hành gắn với từng nhiệm vụ được giao.
        Tôn trọng Nhân dân, trước hết mỗi cán bộ, giảng viên phải luôn hết lòng, tận tụy phục vụ Nhân dân. Trong công tác cũng như trong cuộc sống hằng ngày cán bộ, giảng viên phải luôn tâm niệm Nhân dân là tối thượng, lấy tinh thần phục vụ Nhân dân làm mục tiêu, lý tưởng phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ Nhân dân giao phó. Vì vậy, cần phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn, phương pháp sư phạm; phải tâm huyết, có trách nhiệm với nghề, để mỗi bài giảng lên lớp thực sự sát với thực tiễn có tác dụng nâng cao tri thức lý luận chính trị, bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng cộng sản cho học viên. Để góp một phần công sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống Nhân dân.
        Học tập tấm gương Bác Hồ mỗi giảng viên của Trường Chính trị phải luôn gắn bó, gần gũi, học ở Nhân dân và là “sứ giả” kết nối giữa ý Đảng với lòng dân. Muốn vậy giảng viên phải thường xuyên xuống cơ sở để nghiên cứu tình hình thực tiễn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; đặc biệt phải đến tận thôn, bản, tổ dân phố để tiếp xúc với dân, tìm hiểu quá trình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống để thấy được cách làm hay, sáng tạo từ cơ sở để nhân lên những điển hình tiên tiến; đồng thời cũng thấy được những hạn chế trong triển khai nghị quyết của Đảng, bất cập giữa lý luận và thực tiễn để phản ánh giúp Đảng xây dựng đường lối, chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, người giảng viên cũng phải thường xuyên gắn bó, gần gũi với học viên, để hiểu rõ hơn đối tượng giảng dạy của mình. Thường xuyên nắm bắt tư tưởng, trình độ, đặc điểm nghề nghiệp… để có phương pháp giảng dạy phù hợp; truyền cho học viên niềm say mê cống hiến, trung thành với lý tưởng của Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Thông qua việc thường xuyên đến cơ sở, gần dân, sát dân, cán bộ, giảng viên sẽ học được từ Nhân dân nhiều bài học thực tiễn để thực hiện công việc giảng dạy của mình sao cho phù hợp nhất, sát thực tiễn nhất.
        Phát huy dân chủ, thực hiện tốt việc phê bình và tự phê bình, chú ý lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản ánh, góp ý của quần chúng. Xây dựng môi trường dân chủ, bình đẳng, đoàn kết, thương yêu đồng chí đồng nghiệp. Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thường xuyên khuyến khích, động viên để viên chức, nhân viên tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức, thực hiện tốt các nhiệm vụ của nhà trường. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ phải thường xuyên tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, vui vẻ, cầu thị tiếp nhận những ý kiến đồng nghiệp góp ý cho mình; tôn trọng ý kiến cá nhân, thiểu số. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong quá trình lãnh đạo, điều hành. Tạo môi trường làm việc đoàn kết, gắn bó thân thiện giữa cán bộ, giảng viên. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên giúp đỡ, rèn luyện cho viên chức, nhân viên, tạo không khí phấn khởi nỗ lực phấn đấu, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ; bố trí, phân công nhiệm vụ đúng năng lực sở trường, phát huy tự do sáng tạo để họ tích cực cống hiến và trưởng thành.
        Đối với đội ngũ giảng viên phải thường xuyên nắm bắt, tiếp nhận những ý kiến phản hồi từ học viên. Tiếp nhận những ý kiến đóng góp của học viên về bài giảng để tiếp thu điều chỉnh về kiến thức và phương pháp giúp cho bài giảng của giảng viên được tốt hơn. Đặc thù của giảng dạy học tập lý luận chính trị là đối tượng học viên không chỉ đơn thuần là người học, họ còn là “chuyên gia” của nhiều lĩnh vực trong thực tiễn, vì vậy trong quá trình lên lớp giảng viên phải khiêm tốn, tăng cường trao đổi, lắng nghe ý kiến phản hồi, chia sẻ của học viên để có thể thu thập được nhiều tri thức từ thực tiễn.
        Cán bộ, giảng viên thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm nêu gương. Thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 22-QĐi/TU ngày 22/1/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Thực hiện tốt những điều đảng viên không được làm. Trong công tác cũng như trong cuộc sống cán bộ, giảng viên cần xây dựng hình ảnh mô phạm của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Rèn luyện đạo đức tác phong, ứng xử mẫu mực. Gương mẫu trong chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy cơ quan. Luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Luôn đi đầu trong học tập, nâng cao trình độ, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
        Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang sẽ ngày càng có bản lĩnh vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người giảng viên mẫu mực trên lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị./.
 

[1] HồChí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 5, tr. 281.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 10, tr. 453.
[3] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 232.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 14, tr. 467.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 15, tr. 333.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277862

Đang Online : 54