Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2019  >> Số 01/2019

Ngày Đăng:6/25/2019 9:52:00 PM Lượt xem: 881

PHÁT HUY VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NGƯỜI DÂN TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO Ở HUYỆN CHIÊM HÓA
 
 Thạc sĩ Lê Thị Hồng Hạnh
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
        Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và miền xuôi, giữa các dân tộc và các nhóm dân cư. Thực hiện tốt Chương trình này sẽ phát huy tính chủ động của người nghèo, giảm hình thức cho không, hỗ trợ có điều kiện, gắn trách nhiệm, tính tự giác của hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo.
        Với đặc điểm là một huyện miền núi, cách trung tâm tỉnh lỵ Tuyên Quang hơn 70km về phía Bắc, toàn huyện có 13 xã thuộc khu vực III (chiếm 50% số xã), 168/378 thôn đặc biệt khó khăn, 18 dân tộc cùng chung sống, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm tới 78%, những năm qua, Chiêm Hóa đã triển khai thực hiện nhiều dự án, giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững. Qua đó, đã tạo điều kiện cho người nghèo, nhất là người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các thôn, xã nghèo được tăng cường; đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt. Năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 4,02%. Các cơ chế, chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Tính đến cuối năm 2018, 100% xã trên địa bàn huyện được quy hoạch theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ 80% - 90% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Từ 80% - 90% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông; trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. 80% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới... Có được kết quả nêu trên là do UBND huyện Chiêm Hóa đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Đảng và Nhà nước về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vào điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng và ban hành các kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, cải tiện đời sống nhân dân trong huyện. Đặc biệt, một yếu tố quan trọng không thể không kể đến, đó là, huyện đã biết phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo.
        Là nhân vật trung tâm của mọi chính sách, người dân không chỉ là đối tượng mà còn là chủ thể quan trọng đưa đến thành công của chính sách. Nếu không có người dân chủ động, trực tiếp tham gia thì các chương trình, dự án, các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương không thể thực hiện được.
        Nhận thức rõ vai trò chủ thể của người dân, nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện Chiêm Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội từ huyện đến cơ sở thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về Chương trình giảm nghèo, các chính sách của Đảng, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đến với người dân, đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương giảm nghèo cho người dân. Các hoạt động thông tin, truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho cộng đồng được huyện tổ chức thực hiện, trong đó không chỉ chú trọng người nghèo, cận nghèo mà cả cán bộ giảm nghèo ở cơ sở. Hàng trăm buổi tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình giảm nghèo được phát trên sóng FM, phục vụ hàng chục nghìn người nghe. Các xã, thị trấn lồng ghép công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của người dân, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương. Qua đó đã kích thích, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người dân chứ không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước.
        Bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân, huyện còn có nhiều giải pháp định hướng cho bà con nông dân trong phát triển kinh tế như xây dựng và nhân rộng các mô hình, các hình thức liên kết trong chăn nuôi, trồng trọt. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các biện pháp trồng trọt, chăn nuôi. Mở các lớp đào tạo nghề, rèn luyện kỹ năng, phương pháp kỹ thuật sản xuất, giải quyết việc làm mới cho bà con nông dân, trong đó có các học viên là người nghèo, cận nghèo. Đồng thời, huyện đã tuyên truyền, định hướng để bà con sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ gián tiếp mang lại hiệu quả tốt hơn để người dân vươn lên thoát nghèo như hỗ trợ hạt giống, con giống, cây giống; trang bị các công cụ, máy móc phục vụ cho lao động sản xuất. Có thể nói, đây chính là những “cái cần” mà người dân có thể sử dụng để câu được “con cá to” trong thoát nghèo bền vững.
        Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự nỗ lực không ngừng vươn lên của chính bản thân người dân, nhiều nông dân đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình đã trở thành những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều mô hình kinh tế ra đời và được nhân rộng trong nhân dân như mô hình kinh tế tổng hợp, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ tạp hóa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm của gia đình ông Ma Văn Lò, thôn Lăng Pục, xã Tri Phú; mô hình nuôi thỏ thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao của gia đình chị Trương Thị Luyên, thôn Đèo Lang, xã Kim Bình. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng chục mô hình kinh tế đã được nhân rộng và phát triển như mô hình nuôi ốc nhồi, trồng chuối tiêu hồng xã Tri Phú, Linh Phú, Vinh Quang; mô hình chăn nuôi bò, trâu sinh sản ở Hòa Phú, Yên Nguyên, Minh Quang, Phúc Sơn; nuôi gà thịt xã Tân Mỹ, lợn thịt xã Tân An; mô hình liên kết trồng cây dược liệu tại xã Hùng Mỹ... Sự thành công của các mô hình kinh tế nói trên đã thể hiện ý chí, khát vọng vượt lên cuộc sống đói nghèo của bà con nhân dân trong huyện. Điều đó cũng cho thấy hướng đi đúng đắn trong việc phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện giảm nghèo bền vững ở Chiêm Hóa hiện nay./.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278080

Đang Online : 272