Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2019  >> Số 01/2019

Ngày Đăng:6/25/2019 9:22:00 PM Lượt xem: 1415

NÔNG THÔN MỚI, SỨC SỐNG MỚI, DIỆN MẠO MỚI” TRÊN MẢNH ĐẤT SƠN NAM
 
Thạc sĩ Trần Thị Phượng
Khoa Nhà nước và pháp luật

 
        Sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2011 - 2018) của cấp uỷ, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân xã Sơn Nam đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ bộ mặt nông thôn; đặc biệt là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao đáng kể. Đúng theo mục tiêu “Nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới” mà mảnh đất Sơn Nam đã phấn đấu đạt được.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Quang trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho lãnh đạo xã Sơn Nam
(nguồn: baotuyenquang.com.vn)
        Xã Sơn Nam nằm ở phía Nam của huyện Sơn Dương tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc, có tuyến Quốc lộ 2C đi qua trung tâm của xã do vậy rất thuận lợi cho việc giao thương buôn bán trao đổi hàng hóa; nhân dân trên địa bàn xã có truyền thống cần cù lao động phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trên địa bàn. Đây là những điều kiện, cơ sở làm nên sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Nam. Mặc dù trong quá trình thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn, song với ý chí quyết tâm của toàn xã, đến tháng 10/2018 xã Sơn Nam đã đạt 19/19 tiêu chí theo quy định của Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
        Nông thôn mới ở xã Sơn Nam đã tạo nên sức sống mới rõ rệt. Kinh tế - xã hội của xã liên tục có sự phát triển vượt bậc. Trên địa bàn xã có tới 132 cơ sở kinh doanh đa ngành nghề, trong đó phải kể đến là Công ty TNHH Fenspat An Bình, cụm Công nghiệp Sơn Nam, các xưởng thủ công mỹ nghệ nhỏ và vừa quy mô hộ gia đình đã thu hút một lượng lớn lao động địa phương, tạo việc làm và  nâng cao thu nhập cho người dân. Không chỉ về công nghiệp mà sản xuất nông nghiệp cũng phát triển không ngừng, với lợi thế nguồn nước dọc sông Phó Đáy đã tạo điều kiện cho bà con nơi đây mở rộng diện tích rau màu lên tới 40 ha, cung cấp lượng lớn sản phẩm nông nghiệp cho địa bàn và vùng lân cận. Các mô hình chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt, ngày càng được nhân rộng, nâng tổng đàn lợn lên tới trên 19.000 con, trong đó có trang trại lợn quy mô lớn tại thôn Cây Cọ; mô hình nuôi gà tại thôn Tân Bình; mô hình trồng cây Mắc Ca và cây Đinh Lăng dưới tán rừng tại thôn Thanh Tân. Các mô hình trồng cây ăn quả nhãn, bưởi, táo... tại thôn Thác Nóng. Với sự thay đổi về cơ cấu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đã tạo nên sự tăng trưởng trong phát triển kinh tế và mức thu nhập bình quân của người dân trong xã được tăng đáng kể từ 13,2 triệu đồng/người/năm (2011) lên 32,8 triệu đồng/người/năm (2018).
        Về kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh, cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp. Hội Liên hiệp Phụ nữ của Ủy ban nhân dân xã Sơn Nam và các thôn trong xã với mô hình xây dựng gia đình “5 không, 5 sạch” và xây dựng đường hoa tại các thôn: Cao Đá, Vườn Quan, Đồng Cháy... Toàn bộ nhà văn hóa, sân thể thao của 24 thôn trong xã đều được tu sửa, xây mới khang trang thuận tiện cho người dân sinh hoạt tạo nên diện mạo mới cho xã. Ông Lê Văn Hà, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Sơn Nam cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động được nguồn ngân sách trên 181 tỷ đồng, trong đó đóng góp của nhân dân đạt 45 tỷ đồng; xây dựng hạ tầng nông thôn, bê tông hóa 50 km đường liên thôn, xóm; các công trình đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Nhà ở của nhân dân trong xã được xây dựng kiên cố, không còn nhà tạm, dột nát. Quyên góp tiền xây dựng trên 15 km đường điện thắp sáng đường quê.
        Từ sự phát triển về kinh tế tạo động lực nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Hiện nay xã đã thành lập và duy trì 01 Câu lạc bộ tiếng hát “Soọng Cô” của người dân tộc Sán Dìu với 51 thành viên, 02 câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, 24 đội văn nghệ, 24 đội thể thao... tạo môi trường thuận lợi cho người dân duy trì bản sắc dân tộc cũng như nâng cao sức khỏe, thư giãn sau những ngày lao động sản xuất.
        Chủ trương, đường lối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hoàn toàn đúng đắn của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đón nhận tích cực của nhân dân đã tạo ra sức sống mới, diện mạo mới của mảnh đất Sơn Nam. Với phương châm lan tỏa chủ trương đúng, đường lối tốt, quyết tâm cao; qua quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Nam đã cho thấy những cách làm hay, hiệu quả. Cụ thể:
        Một là: Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục; tạo niềm tin cho nhân dân, giúp thay đổi tư duy, để người dân thấy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới cũng như lợi ích từ Chương trình. Do đó, người dân tin và tự nguyện làm theo. Đặc biệt là nêu cao vai trò của tổ chức Mặt trận Tổ quốc đã vận động nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng trên 50km đường bê tông giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng; nhân dân chủ động hiến trên 1.200m2 đất xây dựng nhà văn hóa thôn; giải phóng, di dời 4 ngôi mộ để giao đất xây dựng sân thểthao xã đảm bảo tiến độ; quyên góp tiền xây dựng trên 15 km đường điện thắp sáng đường quê...
        Hai là: Xây dựng nông thôn mới là một chương trình đòi hỏi tính đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Do đó phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị của xã và nhân dân. Quá trình tổ chức thực hiện đã có sự phân công nhiệm vụ trách nhiệm cụ thể, rõ ràng với từng tổ chức, cá nhân, việc lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều giải pháp và có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo. Như thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã, nghiên cứu thổ nhưỡng và thế mạnh của mỗi thôn để định hướng nhân dân sản xuất theo hướng “mỗi thôn một sản phẩm”, thành lập các nhóm, hộ gia đình làm kinh tế giỏi để giúp đỡ nhau trong việc cung ứng vốn, vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là mô hình tiêu biểu cho các hộ gia đình khác trong địa bàn đến tham quan, học hỏi cách làm, cách tư duy phát triển kinh tế.
        Ba là: Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã, Ban phát triển thôn đã thực sự bám sát cơ sở, xây dựng nội quy quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, từng thành viên, tập trung lãnh, chỉ đạo, điều hành với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
        Bốn là: Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong quá trình thực hiện nội dung các tiêu chí; khuyến khích và vận động nhân dân chủ động trong khảnăng nguồn lực gia đình, bản thân tự có để đóng góp ngày công và kinh phí trong quá trình thực hiện.
        Năm là: Phát huy và thực hiện tốt quy chế dân chủở cơ sở, lấy dân làm gốc, dựa vào nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, làm tốt công tác kiểm tra giám sát nhằm phát hiện chấn chỉnh kịp thời nhưng tư tưởng lệch lạc, tạo niềm tin cho nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thường xuyên khuyến khích động viên khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
        Những kết quả đạt được của xã Sơn Nam sẽ không dừng lại ở đây mà cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục duy trì, giữ vững đạt chuẩn nông thôn mới qua các năm, để từ đó làm cơ sở đề nghị công nhận các danh hiệu cao hơn. Và một ngày không xa tin rằng xã Sơn Nam sẽ là “xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” và tiến tới “xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu” của tỉnh Tuyên Quang.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277900

Đang Online : 92