Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2019  >> Số 02/2019

Ngày Đăng:12/25/2019 9:26:00 AM Lượt xem: 1396


 

 
Màn trình diễn nghệ thuật tại Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình (nguồn: Du lịch Tuyên Quang 8/2017)
 
             Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hoá, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
          Trong những năm qua, du lịch xanh đã và đang có chiều hướng phát triển và lan tỏa nhanh chóng đến nhiều tỉnh thành trên cả nước và ngày càng thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhiều tầng lớp xã hội và khách du lịch. Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hoá cộng đồng thì phát triển du lịch xanh đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho đất nước cũng như cộng đồng người dân địa phương, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa – nơi có các khu bảo tồn tự nhiên và các cảnh quan hấp dẫn. Ngoài ra, du lịch xanh còn góp phần vào việc nâng cao dân trí và sức khoẻ cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục môi trường, văn hoá lịch sử và nghỉ ngơi giải trí. Chính vì vậy, bên cạnh các lợi ích về kinh tế, du lịch xanh còn được xem như một giải pháp rất có hiệu quả để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua quá trình làm giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên phục vụ nhu cầu của khách du lịch, của người dân địa phương khi tham gia vào các hoạt động du lịch.
Lâm Bình được ví như một viên ngọc quý của tỉnh Tuyên Quang, chỉ trong một diện tích không lớn nhưng kết hợp được một cách tổng hòa của tất cả các nét đặc sắc về thiên nhiên đa dạng, văn hóa dân tộc và văn hóa nông nghiệp bản địa tạo nên một sức hút đặc biệt đối với du lịch tỉnh nhà. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định: Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh. Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đầu năm 2019, 02 huyện Na Hang, Lâm Bình được công nhận là "Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt" đây chính là một trong những bước đệm tạo đà để huyện Lâm Bình tập trung đầu tư phát triển du lịch đúng trọng tâm phát triển của tỉnh cũng như phát huy được thế mạnh của huyện.
Huyện Lâm Bình có hệ sinh thái đa dạng, nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong vùng. Bên cạnh đó, diện tích mặt nước hồ sinh thái Na Hang rộng trên 8.000 ha, trong đó Lâm Bình có trên 4.000 ha đã trở thành một vùng hồ rộng lớn với nhiều cảnh quan đẹp. Vì vậy, huyện đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch nhằm huy động các nguồn lực thu hút đầu tư tập trung vào các xã Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên và khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang. Tập trung phát triển và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng homestay, khuyến khích phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch. Hiện nay xu hướng phát triển “du lịch xanh” tại huyện Lâm Bình được chú trọng khai thác ở một số loại hình sau: Phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng homestay, lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc, sản phẩm du lịch thủ công.
Thứ nhất, về phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Homestay
Du lịch sinh thái cộng đồng là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Du lịch sinh thái cộng đồng đề cao quyền làm chủ, chú ý phân bổ lợi ích rộng rãi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Với khách du lịch, du lịch sinh thái cộng đồng tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của cộng đồng.
Trong những năm gần đây loại hình du lịch sinh thái cộng đồng Homestay tại huyện Lâm Bình đang trở thành điểm du lịch thu hút được nhiều du khách các tỉnh trong cả nước cũng như du khách nước ngoài lựa chọn để nghỉ dưỡng và trải nghiệm. Với số lượng khách đến với Lâm Bình ngày càng có xu hướng tăng và bước đầu mang lại thu nhập cho người dân từ loại hình du lịch này đã góp phần giúp người dân ý thức được việc bảo tồn các giá trị văn hóa và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách.
Du lịch Homestay ở huyện Lâm Bình được xây dựng và mở rộng chủ yếu bằng nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày. Bên cạnh dịch vụ nghỉ dưỡng thì du khách còn được trải nghiệm các hoạt động văn hóa cùng dân bản địa như: Hoạt động văn nghệ hát then, hát lượn, cọi, nhảy sạp; hoạt động ẩm thực; hoạt động trải nghiệm làm vườn, làm đồ lưu niệm từ mây tre đan và hoạt động khám phá du lịch lòng hồ.
Trong 6 tháng đầu năm 2019 du lịch huyện Lâm Bình đã kết nối được trên 30 công ty, đơn vị đến khảo sát, xây dựng sản phẩm, kết nối tour du lịch tại huyện, trong đó: Công ty Du lịch 5 sao đã đầu tư cơ sở Homestay tại thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can và thôn Bản Bon xã Phúc Yên. Công ty Sao Nam Việt - Hà Nội; công ty TNHH du lịch Non nước Lâm Bình kết nối tour đưa khách du lịch đến tham quan, du lịch. Công ty ETHOS (Sa Pa) kết nối tour dành riêng cho khách du lịch người nước ngoài (vào dịp tháng 4-5 hằng năm, đoàn đưa khách du lịch người nước ngoài đến huyện).
Với những tín hiệu đáng mừng đó chính là bước đệm để các hộ gia đình tiếp tục đầu tư vào dịch vụ du lịch Homestay. 06 tháng đầu năm có thêm 08 hộ, 01 Hợp tác xã đăng ký cung cấp dịch vụ du lịch Homestay, nâng tổng số hộ tham gia dịch vụ du lịch toàn huyện lên 24 hộ, tăng số lượng thuyền du lịch phục vụ du khách trên vùng lòng hồ.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa  - Thông tin huyện Lâm Bình, trong 6 tháng đầu năm đã thu hút trên 23.000 lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch theo hình thức Homestay trên 10.000 lượt khách; khách nước ngoài gần 500 khách (chủ yếu khách Anh, Pháp,Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Đức, Oxtraylia,...) và đạt mức doanh thu xã hội từ du lịch đạt 13,8 tỉ đồng. Như vậy có thể thấy du lịch ngày càng có cơ hội để phát triển và góp phần xây dựng kinh tế - xã hội tại địa phương.
Loại hình du lịch homestay không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển chung của du lịch mà còn có tác động sâu sắc đến xã hội như: Tăng cường giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử của người dân bản địa và du khách; tạo ra sự giao lưu văn hóa, phong tục tập quán giữa các dân tộc và các quốc gia khác nhau; tăng cường các mối quan hệ trong cộng đồng người dân; giáo dục ý thức về phong cách ứng xử trong cộng đồng người dân. Đồng thời, loại hình du lịch này cũng có tác động đến kinh tế như: Thu hút các nhà đầu tư vào du lịch và các lĩnh vực khác như: Hệ thống giao thông, trường học, mở rộng và nâng cấp các làng nghề truyền thống, trùng tu các di tích lịch sử… tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình.
Thứ hai, lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc
Các lễ hội văn hóa truyền thống tại huyện Lâm Bình được tổ chức hằng năm gắn với lễ hội Lồng Tông là hoạt động văn hóa, chính trị được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, du lịch của huyện. Thông qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Hội Lồng Tông là Lễ hội cầu may, cầu mùa, là dịp để nhân dân các dân tộc tri ân trời đất, tri ân tổ tiên dòng họ, ông, bà, cha, mẹ,… những người đã khai phá ra những mảnh ruộng đầu tiên và truyền dạy việc nuôi trồng, cấy hái, sự sinh khắc chuyển vần của ngũ hành, của trời đất, của nắng mưa, sương gió, của mồ hôi lao động đã tạo nên những sản vật quý giá để nuôi sống con người… Lễ hội Lồng Tông là một không gian văn hóa đặc sắc của người Tày với nhiều trò chơi dân gian được phục dựng và phát triển như: Ném còn, chơi cù, đánh yến, đẩy gậy và chơi “bam”. Bên cạnh đó các làn điệu Then, hát bài hát Cọi, Then cũng được tái hiện một cách sinh động và phong phú. Ngoài ra Lễ hội còn thể hiện được sự đảm đang, khéo léo của những người phụ nữ Tày trong những sản phẩm thổ cẩm truyền thống và ẩm thực của người Tày để du khách thập phương mua sắm và thưởng thức.
          Lễ hội Nhảy Lửa là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn; một sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, thể hiện sức mạnh phi thường dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật của người dân Pà Thẻn. Ngoài sự thần bí linh thiêng, nghi lễ thể hiện sự cầu mong sức khỏe cho dân làng, mùa màng bội thu cho bà con trong năm mới.
          Theo quan niệm của người Pà Thẻn, nhảy lửa là một nghi lễ đón thần thánh xuống trần gian cùng vui với dân làng, có ý nghĩa tượng trưng cho việc các vị thần xuống trần gian tắm nước và phù hộ cho dân làng có thêm sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Người Pà Thẻn còn quan niệm rằng, việc tổ chức nhảy lửa là nhằm giúp cho những người trong làng đang học cúng và làm thầy cúng được thông minh hơn.
          Việc duy trì các lễ hội truyền thống của dân tộc trong dịp Tết đến, Xuân về sẽ  giúp cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện có điểm vui chơi bổ ích, đặc biệt đây cũng là hoạt đông góp phần tích cực vào việc giáo dục cho thế hệ trẻ biết giữ gìn và phát huy những giá trị, nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo của dân tộc. Hai năm trở lại đây thì lễ hội Nhảy Lửa được tổ chức thường xuyên hơn để phục vụ khách du lịch đến với Lâm Bình.
Thứ ba, sản phẩm du lịch thủ công.
Hiện nay, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, không chất bảo quản và thân thiện với môi trường đang là lựa chọn tối ưu với người tiêu dùng thông thái. Nắm bắt được tâm lí và xu thế của người tiêu dùng cũng như nhu cầu của khách du lịch, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công tại huyện đã được thành lập như: HTX Nhật Minh, HTX tre Thượng Hà đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, đó là cây tre gai, cây tế, cây mây… để thiết kế những sản phẩm thủ công như cốc tre, dĩa tre, thìa tre, gáo múc rượu, giỏ xách, khay đựng, bàn ghế bằng tre vừa độc đáo, thân thiện để du khách làm quà lưu niệm cũng như cung cấp cho thị trường. Các sản phẩm thủ công từ mây, tre tuy không mới lạ nhưng kiểu mẫu và hồn cốt của các HTX lại thổi được kí ức hồn quê vào sản phẩm đó mới chính là điều làm nên sự khác biệt.
Trong năm 2019, nữ giám đốc HTX Nhật Minh vinh dự là một trong những đại diện tiêu biểu của phụ nữ tỉnh Tuyên Quang tham gia cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Thật tự hào và vinh dự khi mô hình sản xuất các sản phẩm thủ công từ tre của HTX Nhật Minh đã vượt qua 34 ý tưởng khởi nghiệp khu vực phía Bắc và lọt vào Top 3 dự án được kết nối với nhà đầu tư quốc tế ông Ousmane Dione- Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World bank). Tại Diễn đàn, các tác giả có cơ hội kết nối đầu tư, tư vấn hoàn thiện mô hình kinh doanh, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp, cũng như trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những giải pháp nhằm phát huy cao nhất tiềm năng đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của phụ nữ. Với sự hỗ trợ về kinh phí và định hướng, tư vấn phát triển của nhà đầu tư nước ngoài HTX Nhật Minh có thêm cơ hội để phát triển và đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường. Đây là một bước đệm để HTX tiếp tục yên tâm, tin tưởng khởi nghiệp từ nghề thủ công của địa phương, mang lại thu nhập ổn định và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Thông qua các bài học kinh nghiệm và thực tiễn về phát triển du lịch bền vững ở các tỉnh thành trong nước, phát triển du lịch ở tỉnh Tuyên Quang cũng đang hướng tới việc phát triển kinh tế du lịch có trách nhiệm đối với tài nguyên và môi trường, tôn trọng các giá trị tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích thu nhập cho cộng đồng bản địa. Xu hướng phát triển du lịch xanh ở Lâm Bình đã và đang phát huy được lợi thế tự nhiên và văn hóa của huyện và góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong bảo tồn các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tự nhiên để tạo ra kế sinh nhai lâu dài, bền vững từ chính quê hương.
Để phát triển du lịch xanh, trong thời gian tới, huyện Lâm Bình cần ưu tiên ngân sách đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; có cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trong nước và nước ngoài; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, mới, lạ, hấp dẫn, kết hợp du lịch khám phá thiên nhiên với tìm hiểu đời sống văn hóa, sinh hoạt, sản xuất, phong tục, tập quán của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa tại các điểm du lịch.
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277605

Đang Online : 147