Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2019  >> Số 02/2019

Ngày Đăng:12/25/2019 9:32:00 AM Lượt xem: 1463

Nghệ nhân Sầm Văn Dừn (giữa) truyền dạy các làn điệu Sình ca cho đội văn nghệ xã (nguồn:baotuyenquang.com.vn)
 
Bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng đó, nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Dừn, 74 tuổi, dân tộc Cao Lan, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, người có uy tín, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Gia đình văn hóa thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, là nghệ nhân lĩnh vực văn hóa phi vật thể loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015. Nghệ nhân chính là người giữ lửa cho những giá trị văn hóa được lưu truyền mãi mãi cho các thế hệ mai sau.
Thực hiện Nghị quyết TW5 - khóa VIII của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 33-NQ-TW ngày 09/6/2014 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên cương vị là Trưởng thôn Mãn Hóa, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Gia đình văn hóa thôn Mãn Hóa, nghệ nhân Dừn luôn tích cực vận động nhân dân phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Dù tuổi đã “thất thập cổ lai hy” nhưng với niềm đam mê bản sắc văn hóa dân tộc, nghệ nhân đã tập hợp các cháu thiếu niên trong thôn, xóm vào đội văn nghệ. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào văn nghệ được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, thu hút nhiều lứa tuổi, thế hệ tham gia như: Người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên...
 Nghệ nhân đã mạnh dạn kết hợp các nghi lễ truyền thống, sân khấu hóa thành các tiết mục biểu diễn. Nhận thấy tâm lý xã hội cũng như là con người trong thời đại mới luôn mong muốn thưởng thức nghệ thuật bằng những cái hay, cái đẹp phù hợp với phong tục cổ truyền, một tiết mục văn nghệ sẽ khô cứng nếu thiếu đi sự góp mặt của phái đẹp. Vì vậy, nghệ nhân đã chủ động đưa các diễn viên là những thôn nữ duyên dáng, xinh đẹp tham gia các bài múa cổ truyền của dân tộc điều này xưa kia là tối kỵ vì quan niệm không cho phụ nữ tham gia các nghi lễ dân tộc. Dù ban đầu gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia nhưng khi được nghệ nhân trao đổi, thuyết phục với mong muốn giữ gìn nét đặc sắc văn hóa của dân tộc để những thế hệ sau này có cơ hội hiểu về cội nguồn cũng như phát huy tinh thần văn hóa, văn nghệ giúp nhân dân có tinh thần sảng khoái sau mỗi ngày lao động vất vả.
Quá trình từ năm 1998 đến nay đội văn nghệ do nghệ nhân Dừn thành lập đã có gần 30 tiết mục tham gia các hội thi, hội diễn từ địa phương tới toàn quốc, đã biểu diễn phục vụ nhiều sự kiện chính trị lớn, có 8 lần tham gia “Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc” trong 10 lần tổ chức, đạt được 3 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc, 2 giải A, 1 giải C, 2 giải khuyến khích và nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận các tiết mục đạt giải xuất sắc ở các hội thi, hội diễn của tỉnh Tuyên Quang.
Bên cạnh đó, nghệ nhân đã truyền dạy được bốn thế hệ diễn viên gần 100 anh chị em, con cháu biết hát, múa các bài hát dân tộc, giúp đỡ được 5 sinh viên hoàn thành khóa luận tốt nghiệp đại học liên quan tới bản sắc của đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn, dịch và cung cấp tài liệu cho 04 tiến sỹ bảo vệ thành công luận án từ mảng văn hóa dân tộc Cao Lan. Những kết quả đó không chỉ là niềm tự hào của cá nhân nghệ nhân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, văn hóa dân tộc của địa phương đến với mọi miền Tổ quốc và quốc tế. Từ đó, tạo ra phong trào yêu văn hóa, văn nghệ phát huy, gìn giữ những nét đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trong quần chúng nhân dân.
Thành công từ các tiết mục văn nghệ đã giúp nghệ nhân có được sự ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân tộc Cao Lan nói chung và địa phương nghệ nhân đang sinh sống nói riêng, nhiều năm nay nghệ nhân luôn được nhân dân yêu mến bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nghệ nhân đã khơi dậy phong trào văn hóa văn nghệ ở khắp các tổ chức đoàn thể ở mọi thành phần lứa tuổi góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc tại địa phương. Các diễn viên ban đầu còn là thành viên hộ nghèo sau khi tham gia đội văn nghệ đã biết cố gắng học hỏi, tìm tòi hướng phát triển kinh tế vươn lên trở thành hộ khá, giàu. Không chỉ dừng lại ở đó, nghệ nhân còn đóng góp nhiều bản dịch bài hát Sình Ca cho Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Tuyên Quang làm tư liệu và góp phần vào việc đề nghị thành công Sình Ca của dân tộc Cao Lan trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lời ca, tiếng hát của các anh, các chị và các cháu thiếu nhi người dân tộc thiểu số trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các lễ, hội của xóm, làng góp phần vun đắp tinh thần đoàn kết trong nhân dân, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, giảm đáng kể các tệ nạn xã hội.
Cá nhân nghệ nhân Dừn đã không ngừng học hỏi, say mê nghiên cứu qua sử sách mà tiền nhân đã để lại nhằm hiểu sâu, đầy đủ về những nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ sự hiểu biết đó, nghệ nhân Dừn có thể chủ trì các nghi lễ có trong đời sống sinh hoạt, trong vòng đời của người dân tộc Cao Lan từ lúc sinh ra đến khi chết. Hằng năm, nghệ nhân thường giúp nhân dân chủ trì đám nhà xe, đưa tang người chết theo phong tục của dân tộc tại địa phương, chủ động loại bớt những hủ tục lạc hậu để đỡ tốn kém kinh phí và thời gian cho gia chủ. Cách làm của nghệ nhân Dừn là vừa kế thừa các nghi lễ có tính bắt buộc không thể thiếu trong quan niệm đồng bào, vừa tuyên truyền để loại bỏ một số nghi lễ không phù hợp, sao cho thực hiện đúng các quy định trong việc cưới, việc tang trong xây dựng nếp sống văn hóa mới. Kinh nghiệm của đồng chí là việc gì khó thì mình phải tiên phong làm trước, làm gương rồi sau đó làm công tác tuyên truyền vận động sẽ thuận lợi hơn.
Hiện nay, nghệ nhân Dừn đang nắm giữ hơn 200 đầu sách cổ và 8 tập sách hát Sình Ca của văn hóa dân tộc Cao Lan, có các nhạc cụ như: Trống sành, pí lè, chũm chọe, sóc nhạc... Đã được các phóng viên truyền hình báo chí và nhân dân suy tôn cho là “Bảo tàng sống” của văn hóa Cao Lan. Những cuốn sách mô tả về nguồn gốc loài người, sự tích, ca dao, tục ngữ, hò vè, truyện kể về những vị thần có trong tín ngưỡng đồng bào, quá trình di cư, định cư đấu tranh với tự nhiên của người Cao Lan, xuất sứ tên gọi đồi núi, xứ đồng và đặc biệt là các nghi lễ quan trọng trong vòng đời của người Cao Lan.
Song bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn cho công tác bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc, xuất phát từ lý do số người có thể đọc và hiểu tiếng dân tộc rồi dịch ra tiếng Việt không nhiều, hầu hết các gia đình dùng tiếng phổ thông (tiếng Việt) để trao đổi, trò chuyện với các em nhỏ, cũng vì thế mà các em mai một vốn tiếng dân tộc của mình; thực tế thế hệ trẻ là người dân tộc Cao Lan chỉ đam mê nhảy múa tắc sình chưa thật sự yêu và đam mê hát Sình Ca,...
Vậy để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản như sau:
Một là: Thường niên tổ chức Liên hoan văn hóa các dân tộc toàn huyện, tỉnh để đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội được thể hiện các giá trị văn hóa của dân tộc mình, các tiết mục đã đạt giải cao ở cuộc thi toàn quốc cần được biểu diễn phục vụ các sự kiện và nhân dân nhiều hơn.
Hai là: Công tác dân tộc là gắn liền với công tác tôn giáo, cần có những lớp tập huấn đối với những thầy thuốc, thầy cúng đang hành nghề tại các làng, xóm; vì vai trò và tiếng nói của họ có tầm ảnh hưởng lớn trong việc vận động nhân dân chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ba là: Khuyến khích người dân tự nguyện tham gia bảo tồn văn hóa các dân tộc, đặc biệt là giới trẻ cần động viên khen thưởng kịp thời tạo động lực cho họ ngày càng làm tốt hơn.
          Trong vai trò là chủ nhiệm Câu Lạc bộ Gia đình văn hóa, nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Dừn rất có tinh thần và trách nhiệm; là tấm gương điển hình trong giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc cũng như trong phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Với một số giải pháp cơ bản trên hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiểu biểu trong bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số sẽ được gìn giữ, phát huy, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến nhưng vẫn giàu bản sắc.

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8580757

Đang Online : 302