Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2019  >> Số 02/2019

Ngày Đăng:12/25/2019 9:48:00 AM Lượt xem: 795

Ngày 01/01/2014, Luật Hòa giải ở cơ sở chính thức có hiệu lực. Sau 05 năm thực hiện, luật đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền về ý nghĩa, vai trò của hòa giải ở cơ sở; đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ ổn định các quan hệ xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
 
 
Hội thi hòa giải viên giỏi huyện Sơn Dương lần thứ III
(Nguồn: Cổng TTĐT Sở Tư pháp – 8/2016)
 
Tại huyện Sơn Dương, công tác triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã được các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền, phổ biến, đưa luật vào đời sống. Qua 05 năm thực hiện, đến nay đời sống xã hội trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi tích cực. 
Ngay từ những ngày đầu, huyện đã triển khai chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thi hành và tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở: Ban hành 30 văn bản, trong đó có 14 kế hoạch, 05 quyết định, 03 kết luận, 08 công văn để chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện. Phổ biến Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở cho 190 đại biểu là Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội huyện; báo cáo viên pháp luật cấp huyện; thành viên Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, công chức Tư pháp - Hộ tịch các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. In sao, cấp phát 190 quyển tài liệu đề cương tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở. Tổ chức 35 hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở cho 3.240 đại biểu là cán bộ, công chức cấp xã và hòa giải viên ở cơ sở; cấp phát 950 tài liệu nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho tổ hòa giải trên địa bàn.
Đặc biệt, UBND huyện đã chỉ đạo đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở thông qua việc tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi. Trong 05 năm toàn huyện đã tổ chức được 03 hội thi với sự tham gia của 31 đội thi với 182 người là hoà giải viên của các xã, thị trấn và có khoảng 1.200 người đến xem và cổ vũ. Một số đơn vị thực hiện tốt như thị trấn Sơn Dương, xã Đại Phú và xã Hồng Lạc. Thông qua hội thi, Sở Tư pháp tỉnh lựa chọn đội thi Hoà giải viên huyện Sơn Dương để tham gia cuộc thi Hoà giải viên Toàn quốc lần thứ III do Bộ Tư pháp tổ chức. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn là phòng Tư pháp huyện đã chủ động phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện tổ chức 01 cuộc Liên hoan thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2015 khu vực trung và hạ huyện; có 15 đội/15 xã dự thi; tổng số 125 thí sinh tham dự. Các xã, thị trấn tổ chức 33 hội nghị phổ biến, quán triệt, tuyên truyền Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở cho 3.143 đại biểu là cán bộ, công chức cấp xã, các trưởng thôn, phó thôn và các thành viên của tổ hoà giải. Tuyên truyền pháp luật trực tiếp và qua hệ thống loa truyền thành cơ sở được 3.256 buổi, có 97.680 lượt người dân tham dự.
Để luật đi vào đời sống, huyện đã quan tâm đến việc củng cố kiện toàn đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về hoà giải cơ sở. UBND huyện đã giao 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách công tác hoà giải cơ sở của huyện; phòng Tư pháp huyện giúp UBND huyện quản lý nhà nước về công tác hoà giải cơ sở và cử 01 chuyên viên theo dõi lĩnh vực hoà giải cơ sở. Cấp xã đã phân công cho 33 công chức tư pháp - hộ tịch/33 xã, thị trấn tham mưu UBND cùng cấp phụ trách, theo dõi, hướng dẫn công tác hoà giải ở cơ sở. Đồng thời huyện đã chú trọng công tác củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa bàn theo quy định của Luật Hoà giải ở cơ sở và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở. Kết quả: Số tổ hoà giải trên địa bàn huyện là 424 tổ/424 thôn, tổ dân phố. Số hoà giải viên trên địa bàn huyện là 2.516 hoà giải viên.
Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể như trên nên hoạt động hòa giải ở cơ sở của các Tổ hòa giải đã thu được những kết quả đáng ghi nhận: Năm 2014, các tổ hòa giải tiếp nhận 615 vụ việc, đã thực hiện hòa giải thành công 529 vụ việc, đạt tỷ lệ 86%; không thành công 86 vụ việc. Năm 2015 tiếp nhận 584 vụ việc, đã thực hiện hòa giải thành công 501 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,8 %; không thành công 83 vụ việc. Năm 2016 tiếp nhận 779 vụ việc, đã thực hiện hòa giải thành công 696 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,1%; không thành công 103 vụ việc. Năm 2017 tiếp nhận 623 vụ việc, đã thực hiện hòa giải thành công 535 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,9 %; không thành công 88 vụ việc. Năm 2018 tiếp nhận 476 vụ việc, đã thực hiện hòa giải thành công 433 vụ việc, đạt tỷ lệ 91 %; không thành công 43 vụ việc.
Những kết quả của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đã thực hiện trên đây đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư bằng đàm phán, thương lượng, hòa giải là nét văn hóa truyền thống lâu đời của nhân dân ta. Góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhận thức pháp luật cho nhân dân, do vậy tình hình vi phạm pháp luật ít hơn đảm bảo được ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Các tranh chấp mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ đã được phát hiện và hòa giải kịp thời đã góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm được tăng cường, khối đại đoàn kết được củng cố thúc đẩy, các phong trào quần chúng tự quản, xây dựng nếp sống văn minh tốt hơn, vững chắc hơn, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp của công dân.
Tuy nhiên bên cạnh đó việc thực hiện Luật Hòa giải ở sơ sở trên địa bàn huyện còn có một số hạn chế nhất định, như tỷ lệ hòa giải thành công tại một số xã còn đạt tỷ lệ thấp, đặc biệt là các vụ việc phức tạp thuộc lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình. Việc thanh toán kinh phí thù lao vụ việc hòa giải ở một số đơn vị chưa kịp thời. Kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải chủ yếu đảm bảo bằng ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực từ xã hội tham gia nên vẫn đang còn gặp khó khăn.
Nguyên nhân do năng lực, kiến thức pháp luật của một số hòa giải viên vẫn còn hạn chế; người tham gia làm hòa giải viên ở thôn đều kiêm thêm các công việc khác của thôn, tổ dân phố, việc dành thời gian cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa đảm bảo. Các vụ việc hòa giải không thành chủ yếu là tranh chấp, mâu thuẫn liên quan quan đến đất đai có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều người, địa điểm khác nhau; mâu thuẫn hôn nhân và gia đình đã đến mức trầm trọng, không thể hòa giải được và các bên khởi kiện ra tòa án nhân dân để được giải quyết.
Để thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng chất lượng hòa giải viên để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên. Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về hòa giải ở cơ sở; tăng cường, kiên trì sử dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.
                                                                                                                                               
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277677

Đang Online : 219