Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2019  >> Số 02/2019

Ngày Đăng:12/25/2019 10:06:00 AM Lượt xem: 955

           1.  Sự xuất hiện, nội dung, động lực cơ bản của cách mạng công nghiệp lần thứ tư
          Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên kéo dài từ năm 1760 đến khoảng năm 1840. Với chất xúc tác là việc xây dựng đường sắt và phát minh ra máy hơi nước, nó mở đường cho sản xuất cơ khí.
          Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mở ra cơ hội cho sản xuất hàng loạt nhờ sự ra đời của điện và dây truyền lắp ráp.
          Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào những năm 1960. Nó thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hoặc cách mạng số, bởi chất xúc tác là sự phát triển của linh kiện bán dẫn, máy tính chủ (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970, và 1980) và internet (thập niên 1990).
          Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được bắt đầu vào thế kỷ thứ XXI, lần đầu tiên thuật ngữ về “Công nghiệp 4.0” được đề cập đến tại Hannover (Đức). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng số. Đặc trưng của nó là internet di động phổ biến ở khắp mọi nơi, là những thiết bị cảm ứng nhỏ hơn, mạnh hơn nhưng rẻ hơn, cùng với trí tuệ nhân tạo và máy tự học. Công nghệ số với cốt lõi là phần cứng, phần mềm và mạng máy tính. Trong cuộc cách mạng này những công nghệ mới ra đời và những sáng tạo có tầm bao phủ rộng đang lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi hơn nhiều so với các cuộc cách mạng trước.   
Trong cách mạng 4.0, các biểu hiện vật chất, kỹ thuật chính của các xu hướng công nghệ lớn đó là: Xe tự hành; in 3D; robot tiên tiến; vật liệu mới, kỹ thuật số.
          Xe tự hành: Là xe không người lái đang có nhiều phương tiện từ xe tải, thiết bị bay điều khiển từ xa, máy bay và thuyền. Khi các công nghệ như cảm biến và trí tuệ nhân tạo phát triển, năng lực của các phương tiện tự hành này sẽ tiến bộ rất nhanh.
          In 3D: Còn gọi là chế tạo kiểu đắp dần, công nghệ này tạo ra một vật thể bằng cách in từng lớp chồng lên nhau từ một bản vẽ hay mô hình số ba chiều. Công nghệ này trái ngược với chế tạo kiểu bớt dần, là cách sản xuất truyền thống từ trước tới nay, nghĩa là cắt gọt từng lớp vật liệu cho đến khi có được hình dạng như ý. Ngược lại in 3D dùng vật liệu mềm và dùng khuôn kỹ thuật số để tạo nên hình dạng 3 chiều cho vật thể.
          Robot tiên tiến: Cho tới gần đây, việc sử dụng robot chỉ giới hạn ở các công việc được kiểm soát chặt chẽ trong ngành đặc thù như công nghiệp ô tô. Nay robot được sử dụng ngày càng nhiều trong tất cả các lĩnh vực và nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ canh tác chính xác đến điều dưỡng. Tiến bộ nhanh chóng trong ngành robot sẽ sớm biến việc cộng tác giữa con người và máy móc thành hiện thực hằng ngày. Nhờ tiến bộ công nghệ khác robot sẽ có năng lực thích nghi và độ linh hoạt ngày càng cao, nhờ cấu trúc thiết kế và chức năng lấy cảm hứng từ các cấu trúc sinh học phức tạp.
          Vật liệu mới: Sẽ được đưa ra thị trường nhiều hơn, với những đặc tính mới mà chỉ vài năm trước còn rất hoang đường. Nhìn chung, chúng nhẹ hơn, chắc hơn, có thể tái chế và có khả năng thích ứng. Hiện nhiều ứng dụng cho vật liệu thông minh có khả năng tự lành hoặc tự làm sạch, kim loại có bộ nhớ để trở lại hình dạng ban đầu, gốm và pha lê có thể biến áp lực thành năng lượng…. Khó có thể nói trước những phát kiến của các vật liệu mới sẽ dẫn tới đâu, ví dụ: Các vật liệu nano tiên tiến như graphene, cứng hơn thép 200 lần, mỏng hơn tóc người hàng triệu lần và là một chất dẫn điện và nhiệt hiệu quả, nó sẽ tạo nên đột phá đáng kể trong các ngành công nghiệp sản xuất và hạ tầng.
          Kỹ thuật số: Một trong những cầu nối chính giữa các ứng dụng vật chất và kỹ thuật số hình thành nhờ các mạng công nghiệp 4.0 chính là “internet kết nối vạn vật” (IoT). Dưới dạng đơn giản nhất, nó có thể được mô tả như mối quan hệ giữa các sự vật (các sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, v.v..) và con người, được hình thành nhờ sự kết nối của nhiều công nghệ và nhiều nền tảng khác nhau.
          2. Nội dung cơ bản cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể vận dụng vào giảng dạy Bài 3, Bài 4 (phần I.1) trong Chương trình trung cấp LLCT- Hành chính
          Trong Chương trình trung cấp LLCT- Hành chính, Bài 3 - Những vấn đề cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; Bài 4 - Những vấn đề kinh tế chính trị của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (phần I.1) thuộc học phần kiến thức kinh tế chính trị.
          Kinh tế chính trị nghiên cứu quan hệ sản xuất trong mối liên hệ với lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Do vậy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nội dung và ảnh hưởng sâu rộng của nó đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, nên nhất thiết cần được đề cập một cách kịp thời, chính xác, để có những định hướng nắm bắt, vận dụng, giúp cho nền kinh tế phát triển.
          Nội dung cơ bản cần vận dụng vào 2 bài trên là:
          Về cơ bản, tất cả các kiến thức của cuộc cách mạng, tên gọi, nội dung cơ bản đều có thể vận dụng vào hai bài giảng này để học viên hiểu về một cuộc cách mạng đang có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế hiện tại và trong tương lai.
          Vào nội dung cụ thể có thể vận dụng, ở Bài 3: Những vấn đề cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đó là: Phần 1. Sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị trong nền sản xuất hàng hóa. Có thể vận dụng đề cập hàng hóa phi vật thể sẽ ngày một chiếm tỷ lệ lớn. Hàm lượng khoa học công nghệ tri thức trong mỗi sản phẩm ngày càng nhiều. Việc ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ vào trong sản xuất đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc làm tăng năng suất lao động.
          Phần 2. Sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa. Khi đề cập đến hàng hóa sức lao động, cần khẳng định thêm rằng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của yếu tố sức lao động có vai trò quan trọng đặc biệt, đó phải là sự lao động sáng tạo, đột phá, luôn tìm tòi, hướng tới cái mới. Cần đề cập trong tương lai không xa, các nghề nghiệp ít có nguy cơ bị tự động hóa sẽ là những công việc đòi hỏi các kỹ năng xã hội và sáng tạo. Cần thấy rằng, sự kết hợp của công nghệ, kỹ thuật số, vật chất và sinh học vốn đang thúc đẩy những thay đổi hiện nay sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhận thức, đồng nghĩa với việc cấp quản lý cần chuẩn bị lực lượng và phát triển mô hình đào tạo để người lao động sẵn sàng làm việc cùng với những máy móc ngày càng thông minh, có năng lực và được kết nối trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
          Ở Bài 4: Những vấn đề kinh tế chính trị của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
          Phần 2. Đặc điểm kinh tế của thời kỳ quá độ lên CNXH và phần 3. Những nhiệm vụ kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Cần đề cập thêm những thay đổi mang tính đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang định hình lại các hoạt động của các tổ chức và các thể chế công. Đặc biệt những thay đổi này buộc chính phủ ở cấp quốc gia, chính quyền các địa phương, phải điều chỉnh bằng cách tự làm mới mình và tìm ra những cách thức hợp tác mới với người dân và khu vực tư nhân để nền kinh tế, xã hội phát triển. Vấn đề này cũng ảnh hưởng đến quan hệ giữa các quốc gia và các chính phủ.
          Khi đề cập tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với chính phủ, điều nổi bật đầu tiên cần nói đó là việc sử dụng các công nghệ số để quản lý tốt hơn. Áp dụng sáng tạo, sâu rộng hơn công nghệ web có thể giúp hệ thống hành chính công hiện đại hóa cấu trúc và chức năng nhằm nâng cao tổng thể hiệu quả hoạt động, từ củng cố các quy trình quản lý điện tử đến tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý nền kinh tế và gắn bó giữa chính phủ với người dân. Chính phủ phải tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo, phát triển, đồng thời phải giảm thiểu rủi ro.
          Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, rõ ràng và quan trọng là các quốc gia thành công trong việc thiết lập chuẩn mực của tương lai (phù hợp chuẩn mực quốc tế) trong các lĩnh vực và phương diện chủ chốt của nền kinh tế số mới (thông tin liên lạc 5G, thiết bị không người lái thương mại, internet kết nối vạn vật, y tế điện tử, sản xuất áp dụng công nghệ cao..v.v..) sẽ thu được lợi ích kinh tế và tài chính đáng kể. Ngược lại, quốc gia nào thúc đẩy quy tắc và luật lệ riêng nhằm tạo lợi thế cho nhà sản xuất trong nước, đồng thời ngăn chặn đối thủ cạnh tranh nước ngoài và giảm tiền bản quyền mà các công ty trong nước phải trả cho công nghệ nước ngoài sẽ có nguy cơ bị cô lập khỏi hệ quy chuẩn toàn cầu và tụt hậu trong nền kinh tế số mới.
          3. Ý nghĩa của sự vận dụng
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Do vậy, việc nắm bắt cuộc cách mạng này là một yêu cầu nhiệm vụ quan trọng, giúp công tác giáo dục lý luận chính trị, gắn lý luận với thực tiễn; giúp học viên hiểu được một xu thế mới của kinh tế thế giới do sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự phát triển mạnh mẽ, kỳ diệu của công nghệ.
          Mặt khác, việc vận dụng sẽ là sự tuyên truyền, cụ thể thiết thực thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó Nghị quyết xác định:Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm. Chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội…” 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277589

Đang Online : 131