Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2019  >> Số 02/2019

Ngày Đăng:12/25/2019 10:15:00 AM Lượt xem: 1389

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Ngày 23/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Đây là công cụ hết sức quan trọng của Đảng cầm quyền trong việc kiểm soát quyền lực về công tác cán bộ và ngăn chặn “nạn” chạy chức, chạy quyền hiện nay; là phương tiện để “nhốt quyền lực vào trong cơ chế”. Quy định gồm 15 điều, với các nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh là quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; về đối tượng áp dụng là  tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ.
Thứ hai, về nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được quy định cụ thể rõ ràng từ Điều 3 đến Điều 9. Trong đó, Điều 3, nhấn mạnh đến trách nhiệm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; Điều 4, đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; Điều 5, đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị; Điều 6, đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp; Điều 7, đối với cán bộ tham mưu, đề xuất; Điều 8, đối với nhân sự trong việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; và Điều 9, quy định rõ về xử lý trách nhiệm của những tập thể cá nhân vi phạm những nội dung trong Quy định này, đó là:
- Tập thể, cá nhân vi phạm các nội dung nêu tại Điều 3 và Điều 6 của Quy định này thì phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định.
- Cán bộ, đảng viên (kể cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu) vi phạm các nội dung nêu tại Điều 4,5,7,8 của Quy định này thì bị xử lý theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu cán bộ đang công tác vi phạm Quy định này còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như sau:
Một là, đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
Hai là, tạm dừng có thời hạn theo quy định của cấp có thẩm quyền việc quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, tặng, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn hoặc tương đương, công nhận chức danh, phong tặng danh hiệu, khen thưởng.
Ba là, hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ.
Thứ ba, về chống chạy chức, chạy quyền được quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt từ Điều 10 đến Điều 13. Trong đó, Điều 10, chỉ rõ hành vi chạy chức, chạy quyền; Điều 11, chỉ rõ, cụ thể những hành vi được coi là bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; Điều 12, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; Điều 13, quy định về xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Thứ tư, về điều khoản thi hành được thể hiện ở Điều 14 và Điều 15. Trong đó, Điều 14, quy định về tổ chức thực hiện; Điều 15, quy định về hiệu lực thi hành của Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019.
Có thể nói, sau hơn 30 năm đất nước đổi mới, đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam có một quy định chặt chẽ, rõ ràng, thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của thực tiễn đất nước hiện nay về công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 ra đời thực sự đã trở thành công cụ sắc bén hữu hiệu cho Đảng ta kiểm soát được quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn mạnh mẽ, hiệu quả việc chạy chức, chạy quyền của cán bộ, đảng viên, đẩy lùi và tiến đến chặn đứng nạn tham nhũng về công tác bộ của những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, lợi dụng quyền lực, biến quyền lực công thành quyền lực riêng, tạo ra bè cánh, nhóm lợi ích, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phai nhạt lý tưởng và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, đưa đất nước ta chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Với ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn như vậy, thiết nghĩ, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang cần nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Quy định này để đưa vào các bài giảng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nhằm tuyên truyền, phổ biến kịp thời những nội dung căn bản, cốt lõi của Quy định này tới cán bộ, đảng viên đang tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại nhà trường để không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nói chung, những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nói riêng gương mẫu thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền hữu hiệu để ngày càng xây dựng, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ./.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277661

Đang Online : 203