Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1 năm 2021

Ngày Đăng:6/18/2021 8:22:00 AM Lượt xem: 509

KHÔNG NGỪNG CHĂM LO CƠ SỞ VẬT CHẤT PHỤC VỤ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
 
Cử nhân Nguyễn Kim Tuyến
Phó trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
         
          Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang tiền thân là trường Đảng tỉnh Tuyên Quang được thành lập ngày 6/6/1957. Thời kỳ đầu, nhà trường đã được xác định chức năng, nhiệm vụ là cơ quan giúp việc cho Tỉnh ủy trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng lý luận chính trị, đường lối, quan điểm, những vấn đề về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể, quần chúng cho đội ngũ cán bộ, cấp ủy viên cơ sở trong toàn tỉnh. Nghị quyết số 84-NQ/TU ngày 6/6/1957 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã chỉ rõ: “Trường Đảng xem là một ban chuyên môn của Tỉnh ủy để làm công tác giáo dục, huấn luyện đảng viên, cán bộ”.
          Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Tuyên Quang mà trực tiếp thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhà trường đã vượt qua mọi khó khăn thách thức để không ngừng trưởng thành và lớn mạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cùng với sự trưởng thành của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Tuyên Quang.
          Từ tên gọi ban đầu theo Nghị quyết 84-NQ/TU ngày 6/6/1957 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang là Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang. Năm 1977 do yêu cầu sát nhập 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang trường lấy tên là Trường Đảng tỉnh Hà Tuyên. Đến 20/8/1991 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chia tách tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, Tỉnh ủy Hà Tuyên quyết định không chia tách trường Đảng tỉnh Hà Tuyên, giữ nguyên bộ máy của trường Đảng tỉnh Hà Tuyên và đổi tên trường thành Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang. Ngày 28/4/1992 theo Quyết định số 28-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang trường được đổi tên thành Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tỉnh trên cơ sở hợp nhất 4 trường: Trường Đảng tỉnh, Trường Hành chính tỉnh, Trường Dân vận tỉnh và Trường Phổ thông lao động tỉnh. Đến ngày 5/9/1994 Trường được đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang cho đến nay.
           Với chặng đường 64 năm xây dựng và phát triển, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, trải qua 5 lần đổi tên Trường và 6 lần thay đổi địa điểm, mỗi lần là những thử thách đầy khó khăn, gian khổ mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường luôn cố gắng, nỗ lực, đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đó là:
           Lần thứ nhất: Từ sau ngày thành lập 6/6/1957, Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang được Tỉnh uỷ bàn giao lại khu Giao tế của tỉnh ở cổng Lấp gần chân núi Thổ Sơn, thị  xã Tuyên Quang (nay là một phần khách sạn Mường Thanh và khu dân cư) bao gồm: Một hội trường lớn cột gỗ, toóc xi lợp lá cọ có sức chứa khoảng 250 người; 04 nhà gỗ, mỗi nhà 8 gian phên nứa bao quanh, lợp bằng lá cọ, 03 nhà dành cho học viên ở, thảo luận tổ, sinh hoạt chi bộ, 01 nhà  làm việc của Ban Hiệu uỷ và cán bộ nhà trường; một khu nhà ăn gồm có nhà bếp, nhà ăn, kho đựng lương thực, thực phẩm, chỉ có giếng nước dùng để nấu  ăn; nước dùng cho sinh hoạt học viên phải ra bến sông Lô.
           Lần thứ hai: Cuối tháng 6/1965, Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang chủ trương đưa các cơ quan của Đảng và Nhà nước sơ tán vào nông thôn để đề phòng địch bắn phá. Thực hiện chủ trương trên, Trường Đảng tỉnh sơ tán vào thôn Tiên Lũng, xã Ỷ La thị xã Tuyên Quang. Sau khi ổn định nơi ăn, ở, làm việc, giữa năm 1965, Trường mở lớp đầu tiên tại nơi sơ tán,  học viên sơ tán ở trọ nhà dân tại thôn Động Móc và thôn Làng Là, xã Chân Sơn (Yên Sơn). Lớp học gồm cán bộ trưởng, phó phòng, đảng viên các ban, ngành của tỉnh, huyện, thị xã. Lớp học được tổ chức thành hai chi bộ đảng (chi học tập), mỗi chi bộ học viên có 1 cán bộ giáo vụ phụ trách mọi mặt: Học tập, rèn luyện, thực hiện nội quy của nhà trường, về phòng không, dân vận... Trong điều kiện sơ tán còn nhiều khó khăn, nhà trường mượn gầm nhà sàn của nhà dân làm lớp học.
          Cùng với việc tổ chức học tập, Nhà trường tổ chức đào hầm trú ẩn, hào giao thông cho gần 200 học viên, cán bộ công nhân viên; cử một bộ phận cán bộ, giáo viên, học viên khai thác nguyên vật liệu về làm bếp ăn tập thể.
           Lần thứ ba: Cuối năm 1965, Tỉnh uỷ Tuyên Quang có chủ trương tạm hoãn các lớp học lý luận chính trị để chuyển sang phục vụ học tập Nghị quyết 11- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá III).
           Nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên và học viên, bảo đảm học tập, sinh hoạt và mọi hoạt động của nhà trường được ổn định lâu dài, phù hợp với điều kiện chiến tranh, Trường đã chuyển địa điểm về thôn Hoàng Pháp, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn. Đầu năm 1966, Nhà trường tổ chức xây dựng cơ sở vật chất. Với kinh phí rất hạn hẹp, song Ban Giám hiệu cùng với đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân các thôn Động Móc, Khuôn Than, Hoàng Pháp... giúp đỡ. Chỉ trong 4 tháng đã  làm xong 1 hội trường lớn có 150 chỗ ngồi,  6 nhà ở của học viên, 2 nhà ở và làm việc của cán bộ, đảm bảo đủ điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của nhà trường. Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (từ ngày 28/3 đến ngày 11/4/1968), Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chọn Trường Đảng tỉnh làm nơi tổ chức Đại hội. Vì vậy, cơ sở vật chất đã đượcTỉnh uỷ đầu tư nâng cấp như: làm mới 12 nhà ở, sửa chữa nâng cấp hội trường lớn, đầu tư xây dựng bể nước lọc và các công trình phụ... Hệ thống hầm hào và hầm trú ẩn cũng được đào mới và củng cố vững chắc.
            Lần thứ tư: Thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương về việc bỏ khu tự trị, hợp nhất các tỉnh. Năm 1976, hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang hợp nhất thành tỉnh Hà Tuyên.
           Trường Đảng Tuyên Quang và Trường Đảng Hà Giang hợp nhất thành Trường Đảng Hà Tuyên và chuyển từ làng Hoàng Pháp (xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn) ra tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất khu Tỉnh uỷ Tuyên Quang.
            Lần thứ năm: Tháng 2/1979 chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, để bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của Tỉnh, Tỉnh uỷ Hà Tuyên chuyển từ thị xã Hà Giang về khu Tỉnh uỷ Tuyên Quang - nơi Trường Đảng Hà Tuyên đang đóng. Nhà trường tiếp tục tìm địa điểm mới để xây dựng trường. Sau khi khảo sát, Nhà trường đã liên hệ mượn tạm địa điểm, hội trường của Trường Đảng huyện Yên Sơn và xây dựng thêm một số nhà mới. Chỉ trong 50 ngày, đã hoàn thành xây dựng thêm 08 nhà cột gỗ tranh, tre cho cán bộ công nhân viên làm việc, nhà bếp ăn tập thể và nơi ở cho học viên.
          Lần thứ sáu: Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy về địa điểm xây dựng trường mới. Tháng 01 năm 1985, Trường Đảng tỉnh Hà Tuyên tiếp quản cơ sở vật chất của trường Trung cấp Nông - lâm tại làng Tiên Lũng (nay là Tổ 5, Phường Ỷ La, Thành phố Tuyên Quang). Ban Giám đốc đã tổ chức cho cán bộ công nhân viên và học viên (khoá III) lao động dựng được 24 gian nhà tranh tre cho học viên, cán bộ công nhân viên ở, đồng thời tiếp tục lập kế hoạch,  kinh phí xây dựng tiếp 27 gian nhà cấp 4 cho học viên nội trú, 12 gian nhà ăn tập thể, 4 nhà xe... đáp ứng chỗ ăn, ở, học tập, làm việc cho học viên, cán bộ công nhân viên.
            Từ năm 1985 đến nay, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trong đó: Nhà trường được quy hoạch tổng thể gắn liền với diện tích sử dụng đất là 49.544m2 và từng bước được đầu tư cơ sở vật chất như trạm biến áp cấp điện riêng, hệ thống nước máy, và các công trình xây dựng phục vụ cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Hiện nay, Nhà trường đã có 01 hội trường 500 chỗ ngồi với diện tích sử dụng : 894 m2; 01 nhà 2 tầng 6 phòng học với diện tích sử dụng 1021m2; 01 nhà 3 tầng gồm thư viện và 4 phòng học với diện tích sử dụng 1543m2; 01 nhà 3 tầng ký túc xá học viên với diện tích sử dụng 1782 m2; 01 nhà 2 tầng làm việc của Ban Giám hiệu và các khoa, phòng với diện tích sử dụng 942 m2; 01 nhà ăn 2 tầng 600 chỗ với diện tích sử dụng 1415m2…, ngoài ra còn các công trình cơ bản khác như: nhà để xe ô tô của nhà trường, nhà để xe máy của cán bộ, giảng viên và học viên và hệ thống điện, nước hạ tầng cơ bản. Bên cạnh đó, việc hiện đại hóa cơ sở vật chất cũng được nhà trường quan tâm, đã huy động mọi nguồn lực để lắp đặt máy điều hòa, máy chiếu, camera cho 4 phòng học phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; các khoa phòng làm việc đều được trang bị máy tính văn phòng nối mạng để đáp ứng yêu cầu công tác. Hiện nay, Nhà trường đã có phòng họp trực tuyến nối mạng với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Thiết bị điểm danh bằng vân tay phục vụ quản lý học viên; Hệ thống Micrô không dây phục vụ giảng dạy. Khuôn viên Nhà trường ngày càng được củng cố xây dựng và phát triển theo hướng “Xanh- sạch - đẹp”; hệ thống sân bãi đỗ xe bằng bê tông, cổng, hàng rào được cải tạo, xây dựng theo hướng hiện đại…
            Với điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị hiện có, Nhà trường đã và đang sử dụng có hiệu quả phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu phục vụ thường xuyên cho từ 04 đến 05 lớp Trung cấp lý luận chính trị- hành chính; 02 lớp Cao cấp lý luận chính trị; 04 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và các lớp bồi dưỡng khác học tại trường. Hệ thống mạng intenet được kết nối đảm bảo hoạt động làm việc của các khoa phòng trong nhà trường; Hệ thống máy chiếu, camera cũng được phát huy tối đa trong quản lý, giảng dạy của giảng viên. Tuy vậy do quá trình sử dụng đã lâu, cơ sở vật chất và thiết bị điện tử đã bị hao mòn xuống cấp, trong đó nguồn kinh phí sửa chữa, thay thế rất hạn hẹp đã và đang là những khó khăn lớn của Nhà trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.         
           Để tiếp tục xây dựng Trường Chính trị tỉnh phát triển vững mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu hiện đại theo chủ trương, quy định “Trường Chính trị chuẩn”, Nhà trường tiếp tục quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, chăm lo bảo dưỡng, sửa chữa những thiết bị máy móc cần thiết; chú trọng công tác quản lý, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý ở từng bộ phận, từng khoa phòng. Trong những năm tới, nhà trường tiếp tục đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm đầu tư cải tạo sửa chữa những công trình nhà làm việc, lớp học do xây dựng lâu đã xuống cấp; cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học hiện đại như: Máy chiếu; hệ thống tăng âm hoàn chỉnh cho các phòng học; hệ thống máy vi tính văn phòng cho các khoa, phòng chức năng làm việc.
           Với niềm tự hào về truyền thống xây dựng và phát triển 64 năm của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các khoa phòng cùng toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên luôn ý thức trách nhiệm và không ngừng phấn đấu xây dựng Nhà trường vững mạnh về mọi mặt, tập trung chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng khang trang, hiện đại xứng đáng với vai trò, nhiệm vụ của một trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Tuyên Quang, quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8053910

Đang Online : 1164