Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1 năm 2021

Ngày Đăng:6/18/2021 8:39:00 AM Lượt xem: 1096

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG HIỆU QUẢ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG GIẢNG DẠY
LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
 
Cử nhân Nguyễn Thị Khánh Anh
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
             
          Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) đã tác động đến sự phát triển của tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT được ứng dụng trong dạy học của đội ngũ giáo viên nói chung và giảng viên giảng dạy luận chính trị nói riêng. Đối với việc soạn bài, giáo viên đã sử dụng CNTT trong soạn giáo án (bao gồm giáo án chi tiết và giáo án điện tử), nghiên cứu thông tin, tài liệu…Đối với giảng dạy trên lớp, giáo viên đã sử dụng CNTT hỗ trợ cho đổi mới phương pháp trong dạy - học. Nhờ đó, nâng cao chất lương nội dung bài giảng và hỗ trợ đổi mới phương pháp truyền tải nội dung, kiến thức đến người học, làm cho mỗi bài giảng phong phú về kiến thức và hấp dẫn về phương pháp. Nhận thức được vai trò của CNTT trong giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, những năm qua nhà trường đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu  ứng dụng CNTN vào giảng dạy lý luận chính trị, cụ thể:
          Nhà trường luôn chú trọng, quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ giảng viên, đến nay nhà trường đã có 35 giảng viên; trong đó có 29/35 có trình độ thạc sỹ; 1/35 tiến sỹ; 5/35 cử nhân; 21/35 giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 16/35 giảng viên chính; 35/35 giảng viên được bồi dưỡng về CNTT và đặc biệt các giảng viên đều được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực. Trong đó, quan tâm bồi dưỡng chuyên sâu về sự kết hợp các phương pháp dạy học tích cực với phương tiện CNTT. Hiện nay, hầu hết giảng viên của nhà trường đều sử dụng laptop, máy chiếu, radio, ghi âm, video.... để khai thác các nguồn tư liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, soạn và giảng bài. Một số giảng viên có khả năng sử dụng khá thành thạo phần mềm để tra cứu cập nhật tài liệu, nâng cao kiến thức chuyên môn, hỗ trợ soạn giảng, làm đề thi, kiểm tra …việc kết nối các kênh thông tin điện tử, thư viện điện tử và Internet vào thiết kế bài giảng góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, gây hứng thú cho người học. Do đó, việc ứng dụng CNTT làm cho quá trình dạy - học hiệu quả hơn.
          Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh nhà trường đã được trang bị 5 phòng học với đầy đủ thiết bị máy chiếu, tăng âm, loa đài…Tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Trong những năm qua 100% giảng viên nhà trường đã thực hiện ứng dụng CNTT vào giảng dạy tại tất cả các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính và các chương trình bồi dưỡng của nhà trường đảm nhiệm. Qua khảo sát, đánh giá chất lượng giảng dạy thông qua phiếu đánh giá từ phía học viên, kết quả các học viên đều đánh giá cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Như vậy, có thể nhận thấy rằng trong số các công cụ hiện đại trợ giúp cho công tác giảng dạy thì CNTT là một trong những công cụ hiện đại, tiên tiến và hữu hiệu giúp giảng viên tìm kiếm, xử lý, tiếp thu thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả. Để biến nó trở thành công cụ cho hoạt động giảng dạy thì đòi hỏi người sử dụng phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan như máy vi tính, phần mềm chuyên dùng, mạng internet, website... Đồng thời giảng viên phải nhận thức rõ CNTT chỉ là công cụ hỗ trợ cho quá trình dạy - học để nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy của giảng viên, nó không phải là đổi mới phương pháp nên nếu lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích, đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ gây phản tác dụng.
          Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được về ứng dụng CNTT trong giảng dạy lý luận chính trị vẫn còn khiêm tốn, những khó khăn, vướng mắc và những thách thức vẫn còn ở phía trước bởi những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Hiện nay, trình độ, kiến thức về CNTT, kỹ năng sử dụng máy tính và các phương tiện hỗ trợ của giảng viên không đồng đều, bên cạnh đó, việc kết hợp giữa phương pháp dạy học truyền thống - thuyết trình với phương pháp dạy học hiện đại có sử dụng CNTT hỗ trợ vẫn còn tồn tại sự bất cập như: có giảng viên vẫn sử dụng tuyệt đối phương pháp thuyết trình trong giảng dạy như một lối mòn, thói quen khó thay đổi; có giảng viên thì quá lạm dụng CNTT làm mất đi ưu điểm của phương pháp thuyết trình; có giảng viên kết hợp giữa phương pháp dạy học truyền thống-thuyết trình với phương pháp dạy học hiện đại có sử dụng CNTT hỗ trợ còn lúng túng, chưa khai thác và phát huy hết vai trò, tính ưu việt của CNTT trong giảng dạy. Đây là một trở ngại lớn trong việc triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay...Một số bài giảng, việc ứng dụng CNTT còn đơn điệu, thiết kế soạn giảng các slide còn rối, thiếu hợp lý (nhiều chữ, hình ảnh chưa tiêu biểu phản ánh sát với nội dung chuyên đề, lựa chọn phông chữ, màu sắc, độ tương phản… và tình trạng lạm dụng hiệu ứng phần mềm theo ý chí chủ quan còn khá phổ biến).
          Từ những khó khăn, vướng mắc và những thách thức trên, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy lý  luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới như sau:
           Một là, muốn ứng dụng CNTT một cách hiệu quả vào giảng dạy lý luận chính trị trước hết giảng viên phải làm chủ được kiến thức chuyên môn, am hiểu lý luận và các kiến thức liên quan đến lĩnh vực giảng dạy, đồng thời biết sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để phục vụ cho công tác giảng dạy. Có cơ chế phù hợp khuyến khích đội ngũ giảng viên phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu sáng tạo, thiết kế giáo án điện tử, bài giảng điện tử...
           Hai là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của CNTT trong giảng dạy để từ đó nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng CNTT cho đội ngũ giảng viên. Quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy lý luận chính trị. Hàng năm mở lớp bồi dưỡng kỹ năng sử dụng CNTT phần mềm hỗ trợ soạn giảng cần thiết cho giảng viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho giảng viên thấy rõ hiệu quả và yêu cầu mang tính tất yếu của ứng dụng CNTT trong hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua những hình thức như: tra cứu, tìm kiếm thông tin, soạn giảng, sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề…      
          Ba là, bảo đảm tính khoa học khi ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Việc chuẩn bị một bài giảng có ứng dụng CNTT cần đảm bảo không những tính nội dung khoa học mà còn phải đặt mạnh tiêu chí về tính mô phạm. Tính mô phạm ở đây bao gồm: sự phù hợp về mặt nắm bắt tâm lí người học, tính thẩm mỹ của trang trình chiếu, sự thể hiện nhuần nhuyễn các nguyên tắc và các phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên đề đều phải sử dụng trình chiếu, điều quan trọng là ngoài ý thức, khả năng, trình độ am hiểu CNTT, sử dụng máy tính, giảng viên còn phải biết lựa chọn đúng chuyên đề bài giảng cần thiết và biết thiết kế một cách khoa học của bài giảng thì sẽ tận dụng được tối đa tính ưu việt của CNTT: cung cấp thông tin, tìm kiếm sáng tạo, gây được sự quan tâm, hấp dẫn đối với học viên, mà còn cho phép khả năng khai thác tối đa các tiện ích, lợi thế của CNTT trong giảng dạy, nhất là sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực. Đồng thời, cần khắc phục những biểu hiện chạy theo phong trào, lạm dụng máy tính trong giảng dạy làm cho người học bị phân tán sự chú ý, không tiếp thu được kiến thức, thông tin mới và quan trọng, mà còn gây ức chế cho người học như: thiết kế slide không đảm bảo tính thẩm mỹ, tính khoa học, một slide quá nhiều chữ, mầu sắc lòe loẹt, hình ảnh chưa phù hợp với nội dung..
            Bốn là, tuân thủ quy trình thiết kế bài giảng điện tử với sự trợ giúp của CNTT. Để thực hiện có hiệu quả các chuyên đề bài giảng có ứng dụng CNTT đòi hỏi giảng viên khi thiết kế bài giảng điện tử cần chuẩn bị trước kịch bản, cần lưu ý về Font chữ, màu chữ (Xanh, đen, trắng, vàng, đỏ) và hiệu ứng thích hợp (hiệu ứng đơn giản, nhẹ nhàng tránh gây mất tập trung vào nội dung bài giảng). Nội dung bài giảng điện tử cần thiết kế một cách cô đọng, súc tích nhất, các hình ảnh, các mô phỏng cần xác định rõ tính mục đích, tính giáo dục thuyết phục… phù hợp với chuyên đề.
            Năm là, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và hệ thống trang thiết bị CNTT hiện đại, đồng bộ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy lý luận chính trị. Phải có được hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, phù hợp, đồng bộ để giúp giảng viên và học viên chủ động, tích cực trong nghiên cứu và học tập, cụ thể như: hệ thống giảng đường, phòng học chuyên dụng với  projector, mạng nội bộ… (phục vụ việc giảng dạy và thảo luận, làm việc nhóm của học viên); hệ thống phòng đọc, phòng truy cập mạng (phục vụ việc tự học, tìm kiếm và khai thác thông tin liên quan); website và hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu CNTT của nhà trường (cung cấp thông tin chính thống liên quan đến các hoạt động của nhà trường, của các khoa về thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy và học tập, các tài liệu trong thư viện điện tử)... tất cả đều phải được xây dựng, quản lý và khai thác một cách đồng bộ và hiệu quả.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8055572

Đang Online : 33