Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1 năm 2021

Ngày Đăng:6/18/2021 8:53:00 AM Lượt xem: 580

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ

 Thạc sĩ, GVC Hoàng Bằng Giang
 Q. Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 
           Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị là việc áp dụng các phương pháp giảng dạy mới - phương pháp giảng dạy tích cực kết hợp với ứng dụng các phương tiện công nghệ hiện đại thay vì sử dụng phương pháp truyền thống là thuyết trình, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho quá trình dạy và học lý luận chính trị. Phương pháp giảng dạy tích cực gồm một hệ thống các phương pháp khác nhau (như phương pháp hỏi đáp, phỏng vấn nhanh, lấy ý kiến ghi lên bảng, sàng lọc, xin ý kiến chuyên gia, làm việc nhóm…). Sự kết hợp, vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy đó giúp cho việc giảng dạy của giảng viên thêm sinh động và phong phú hơn với nhiều tình huống, để giảng viên và học viên thảo luận, trao đổi và làm rõ các nội dung nghiên cứu, nhằm đem lại buổi học đạt chất lượng cao nhất. Sử dụng phương pháp này người học ở vị trí trung tâm, giảm tình trạng giảng viên độc thoại và tăng cường đối thoại giữa học viên và giảng viên, chuyển hóa quá trình đào tạo thành tự đào tạo - cách thức này thực sự sẽ tạo ra động lực để nâng cao tính năng động, tích cực, chủ động, sáng tạo cho người học.
          Việc kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau sẽ đem lại hiệu quả cao hơn và tránh một chiều, áp đặt; mặt khác tạo cho người học không bị thụ động trong tiếp nhận thông tin và tri thức từ phía người giảng dạy, tạo ra sự thu hút làm cho học viên được cuốn hút vào quá trình tự nhận thức, chủ động tìm đến những tri thức đúng đắn thông qua việc thảo luận, trao đổi giữa học viên với học viên và học viên với giảng viên. Đây chính là những ưu điểm lớn, nổi bật do những phương giảng dạy tích cực đem lại.
           Tuy nhiên, dù với nhiều ưu điểm vượt trội, song, phương pháp giảng dạy tích cực vẫn không thể thay thế hoàn toàn cho phương pháp giảng dạy truyền thống (phương pháp thuyết trình) trong giảng dạy lý luận chính trị. Bởi lẽ, trong giảng dạy lý luận chính trị thì phương pháp thuyết trình vẫn luôn có một vị trí trung tâm, rất quan trọng. Nhà sư phạm người Đức, I.U Lipp đã nói rằng, nếu như phải giảm thiểu tất cả các phương tiện và phương pháp, tôi xin giữ lại tấm bảng đen và những lời thuyết trình. Do đó, có thể khẳng định, những quan niệm cho rằng, đổi mới phương pháp giảng dạy bằng việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực là thay thế hoàn toàn phương pháp giảng dạy thuyết trình truyền thống là ý kiến không chính xác. Thuyết trình vẫn là phương pháp nền tảng đóng vai trò trụ cột trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị, còn phương pháp giảng dạy tích cực đóng vai trò hỗ trợ cho người giảng viên trong quá trình chuyển tải tri thức.
          Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”[1]. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngày 20/4/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị căn cứ vào nội dung của Nghị quyết để xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn triển khai Nghị quyết Đại hội XII, khẩn trương cập nhật, bổ sung, hoàn thiện chươg trình, giáo trình giảng dạy lý luận chính trị sát với từng đối tượng cụ thể. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”[2].
          Như vậy, có thể nói rằng, giảng viên là người có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phương pháp học tập cho học viên thông qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Vì vậy, người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nói chung, giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng cần phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng tích cực, lấy học viên làm trung tâm, nhằm ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị.
           Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị thông qua việc đổi mơi phương pháp giảng dạy có tính chất quyết định, năm 2021 khoa Lý luận cơ sở đã tiên phong lựa chọn việc đột phá là đổi mới phương pháp giảng dạy toàn diện đối với phần học: Những vẫn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Để thực hiện được nội dung công việc này, khoa chuyên môn đã tiến hành sinh hoạt chuyên môn một cách công phu, bài bản, với các bước làm như sau:
            Bước 1: Tổ chức họp Khoa, sinh hoạt chuyên môn với chủ đề đổi mới phương pháp giảng dạy phần I.1: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, gồm 07 bài. Khoa đã tiến hành thảo luận, trao đổi kỹ lưỡng nội dung từng bài, rồi đi đến thống nhất sử dụng những phương pháp giảng dạy cho từng bài giảng, chi tiết áp dụng phương pháp đối với từng mục, liên hệ thực tiễn với lý luận như thế nào cho phù hợp với từng nội dung của bài học, vận dụng liên hệ đưa những nội dung cơ bản của Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội Đảng bộ tỉnh vào bài giảng như thế nào, ở mục nào, tiết nào cho thực sự sát với thực tế tỉnh Tuyên Quang, với phương châm gắn chặt chẽ lý luận với thực tiễn, tổng kết thực tiễn bổ sung cho lý luận thêm phong phú để nâng cao chất lượng bài giảng, với chủ trương thống nhất thuyết trình tối đa không quá 70% tổng thời gian của bài học; thời gian còn lại dành cho trao đổi, thảo luận, hỏi đáp, phỏng vấn nhanh, xin ý kiến chuyên gia…Những nội dung về đổi mới phương pháp giảng dạy cho từng bài được giảng viên của Khoa thảo luận dân chủ, khoa học, thống nhất cao thì chủ trì mới đi đến kết luận, yêu cầu giảng viên giảng dạy bài đó phải thực hiện đúng như kết luận.
            Bước 2: Khoa chuyên môn tiến hành dự giờ góp ý, rút kinh nghiệm bài giảng cho tất cả giảng viên. Ngay sau khi có kết luận sinh hoạt chuyên môn, khoa tiến hành dự giờ trên lớp đối với từng giảng viên, với phương châm là dự giờ trên lớp học, dự trọn vẹn 01 bài giảng, thời gian dự giờ từ 4 đến 12 tiết, tùy theo sự phân bố số tiết của mỗi bài cụ thể. Sau dự giờ giảng viên, tổ chức họp khoa góp ý, rút kinh nghiệm ngay bài giảng cho giảng viên đó nhằm kịp thời khắc phục những nội dung chưa thực hiện tốt, hoặc chưa thực hiện được và yêu cầu giảng viên điều chỉnh ngay ở lớp dạy tiếp theo, với mục tiêu quyết tâm làm bằng được. Tiếp tục phân công Lãnh đạo khoa và một số giảng viên dự giờ lần 2 để đánh giá mức độ tiếp thu và khả năng hiện thực hóa những góp ý sau rút kinh nghiệm lần 1 của giảng viên được góp ý trong quá trình giảng dạy trên lớp.
            Bước 3: Báo cáo và kiến nghị Hội đồng khoa học của nhà trường tổ chức dự giờ đột xuất để thẩm định; khoa chuyên môn kết hợp dự giờ cùng Hội đồng khoa học để đánh giá xếp loại về chất lượng bài giảng đối với từng giảng viên (cả về phương pháp và nội dung). Sau 02 lần khoa chuyên môn dự giờ trên lớp đối với mỗi bài giảng của giảng viên thì Trưởng khoa sẽ báo cáo với Chủ tịch Hội đồng khoa học nhà trường về mức độ tiến triển trong đổi mới phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên của khoa và kiến nghị Hội đồng khoa học tổ chức dự giờ đột xuất nhằm thẩm định, đánh giá cho đảm bảo tính khoa học, khách quan, toàn diện; khoa chuyên môn sẽ kết hợp dự giờ cùng Hội đồng khoa học (dự giờ lần 3) để chính thức bỏ phiếu chấm điểm đánh giá chất lượng bài giảng của giảng viên và kết quả này đồng thời cũng là căn cứ phân loại bài giảng: giỏi, khá, trung bình hằng năm của mỗi giảng viên.
             Có thể nói rằng, sau quá trình thực hiện nghiêm túc, công phu, bài bản về đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị ở khoa Lý luận cơ sở, thông qua công tác dự giờ, rút kinh nghiệm, thẩm định, đánh giá chất lượng bài giảng đối với đội ngũ giảng viên của khoa chuyên môn và Hội đồng khoa học nhà trường cho thấy bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực, chất lượng bài giảng của đội ngũ giảng viên được nâng lên rõ rệt; tinh thần thái độ, ý thức học tập của học viên có sự thay đổi nhiều theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo, hứng thú học tập lý luận chính trị hơn, nhận thức về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sâu sắc hơn, khả năng liên hệ, vận dụng lý luận vào thực tiễn tốt hơn. Điều đó thông qua kết quả đánh giá thi hết phần học I.1-Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin bằng hình thức thi vấn đáp đối với 05 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính học tập trung tại trường năm 2021, tỷ lệ điểm khá, giỏi chiếm từ 30-40% trên mỗi lớp. Vì vậy, thiết nghĩ trong thời gian tới Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang cần chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, đưa việc đổi mới phương pháp giảng dạy đối với tất cả các phần học ở các khoa vào quy định giao việc đột phá đến đội ngũ giảng viên của nhà trường để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị theo yêu cầu ngày càng cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhiệm vụ thời kỳ chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nhằm sớm đưa tỉnh nhà trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
 

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Hà Nội, 2016, tr.202.
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 170.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8053213

Đang Online : 467