Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1 năm 2021

Ngày Đăng:6/18/2021 8:57:00 AM Lượt xem: 541

TỰ VỆ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG VỚI TRUYỀN THỐNG 86 NĂM CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ

Cử nhân Quan Văn Tuân
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 
            Cách đây 86 năm, vào ngày 28/3/1935 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng tại Ma Cao (Trung Quốc), Đảng ta đã ban hành “Nghị quyết về Đội tự vệ”. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng các đội tự vệ công nông, mang tính chất là những tổ chức vũ trang quần chúng lần lượt được ra đời – là những cơ sở đầu tiên của lực lượng vũ trang nhân dân. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, dân quân tự vệ được xác định là một lực lượng vũ trang của Nhà nước, một trong ba thứ quân (bộ đội chủ lực; bộ đội địa phương; dân quân tự vệ) của lực lượng vũ trang nhân dân, là công cụ chủ yếu của chính quyền nhân dân ở cơ sở. Với ý nghĩa đó, ngày 28/3 hằng năm đã được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định là Ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ.
            Thực tiễn quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lực lượng dân quân tự vệ luôn giữ một vai trò chiến lược quan trọng. Trong thời chiến, dân quân tự vệ là lực lượng chiến lược của chiến tranh nhân dân, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ địa phương, đơn vị theo kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ. Dân quân tự vệ có trách nhiệm thực hiện phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật.
            Trong thời bình, dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt có nhiệm vụ vừa lao động sản xuất, vừa đóng vai trò xung kích trong bảo vệ sản xuất, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và các sự cố nghiêm trọng khác, đồng thời phối hợp với lực lượng an ninh cơ sở giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện góp phần xây dựng khu vực phòng thủ địa phương ngày càng vững chắc. Ở biên giới, biển, đảo, dân quân tự vệ phối hợp với bộ đội Biên phòng giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới của Tổ quốc.
           Tiếp nối truyền thống đáng tự hào của lực lượng dân quân tự vệ, tự vệ trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang được thành lập tháng 4/1992. Trải qua quá trình gần 30 năm thành lập và phát triển, tự vệ nhà trường luôn quán triệt thực hiện theo phương châm “cơ bản, chất lượng, hiệu quả”, tích cực tham gia huấn luyện, học tập nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh trật tự, an toàn cơ quan, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh tại nhà trường.
             Hiện nay, trong công tác xây dựng lực lượng, tự vệ nhà trường luôn đảm bảo được các yêu cầu về số lượng hợp lý phù hợp với đặc điểm tình hình: duy trì quân số 13 cán bộ, chiến sĩ thường trực, 15 chiến sĩ dự bị sẵn sàng; đảm bảo tốt yêu cầu về chất lượng chính trị, tổ chức biên chế, trang bị vũ khí phù hợp; chủ động thực hiện nghiêm việc rà soát, đăng ký, quản lý, cho ra và kết nạp chiến sĩ tự vệ mới bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tự vệ có bản lĩnh chính trị vững vàng và tác phong công tác, có trình độ, năng lực tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Giám hiệu lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, an ninh tại nhà trường.
            Về công tác huấn luyện, hằng năm Ban Chỉ huy quân sự nhà trường phân công các đồng chí trong Ban Chỉ huy, Tiểu đội trưởng tự vệ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ huấn luyện quân sự để nâng cao chất lượng huấn luyện. Bên cạnh đó, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chính trị cho tổ đội và chiến sĩ tự vệ. Quân số tham gia huấn luyện hằng năm luôn đạt 100%, bảo đảm chất lượng, đủ nội dung chương trình, thời gian theo quy định. Trong công tác huấn luyện, thực hiện tốt phương châm “cơ bản, chất lượng, hiệu quả”, phù hợp với nhiệm vụ tác chiến, bảo vệ an ninh của nhà trường. Chú trọng huấn luyện, diễn tập các phương án để phối hợp cùng các lực lượng xử trí kịp thời mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Coi trọng việc cử chiến sĩ tự vệ tham gia công tác huấn luyện đối với chiến sĩ tự vệ năm thứ nhất, chú trọng huấn luyện hiệu quả đối với chiến sĩ tự vệ năm thứ 2 đến năm thứ 4. Qua kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện, 100% đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá giỏi luôn đạt trên 85% kế hoạch hằng năm đề ra.
           Về công tác bảo vệ an toàn nhà trường, tự vệ luôn duy trì lực lượng thường trực với quân số đảm bảo, vào những dịp nghỉ lễ, tết của đất nước thường xuyên cắt cử các chiến sĩ và thành viên Ban Chỉ huy quân sự duy trì công tác trực bảo vệ an toàn, sẵn sàng ứng phó với các tình huống gây nguy hại cho nhà trường.Đồng thời chủ động phối hợp với Công an phường Ỷ La và các lực lượng khác trên địa bàn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân ở cơ sở. Vận động nhân dân tích cực chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.
            Trong thời gian tới, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, lực lượng Tự vệ trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục có sự đổi mới về phương thức tổ chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đối với công tác tự vệ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của huấn luyện tự vệ; thực hiện hiệu quả công tác huấn luyện; tổ chức thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến, tiếp tục xây dựng lực lượng tự vệ nhà trường vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Trường Chính trị tỉnh trong thời gian tới.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8054486

Đang Online : 154