Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1 năm 2021

Ngày Đăng:6/18/2021 9:01:00 AM Lượt xem: 629

NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TUYÊN BỐ ỨNG XỬ CỦA CÁC BÊN Ở BIỂN ĐÔNG (DOC) VÀ CÁC BIỆN PHÁP
GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY
 
 Thạc sĩ, GVC Đặng Quốc Tuyên
Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
 
          Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là Tuyên bố DOC 2002) được ASEAN và Trung Quốc ký vào tháng 11/2002 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia). Đây là văn kiện chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc trực tiếp liên quan đến vấn đề Biển Đông, tuyên bố DOC năm 2002 có ý nghĩa to lớn trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông nói riêng và cả khu vực nói chung. Tuyên bố về ứng của các bên ở Biển Đông (DOC) gồm những nội dung cơ bản:
           Một là, các bên khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc (LHQ), Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á, 05 nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của luật quốc tế. Cam kết này một mặt nó gắn liền với nghĩa vụ của các bên theo các văn kiện quốc tế mang tính toàn cầu là Hiến chương LHQ và Công ước Luật Biển năm 1982 cũng như các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Mặt khác cam kết này cũng gắn với nghĩa vụ của các bên theo điều ước quốc tế mang tính khu vực liên quan đến các nước là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á.
           Hai là, các bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp về quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982. Căn cứ pháp luật quốc tế cũng như quy định tại Điều 33 của Hiến chương LHQ thì các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp gồm có thương lượng, môi giới, trung gian, hòa giải, trọng tài và tòa án quốc tế. Điều này có ý nghĩa là các bên có rất nhiều sự lựa chọn và các bên hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn các biện pháp hòa bình này. Điều mấu chốt là các bên không được đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông.
            Ba là, các bên khẳng định tôn trọng tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, tàu thuyền của mọi quốc gia (bất kể trong khu vực hay ngoài khu vực) đều được quyền tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông cũng như vùng biển quốc tế ngoài phạm vi 200 hải lý; tàu bay của mọi quốc gia được quyền tự do bày trên vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven Biển Đông và vùng trời trên các vùng biển quốc tế. Mục đích của việc các nước ASEAN và Trung Quốc đưa ra quy định này vào DOC chính là tái khẳng định lại nghĩa vụ của họ theo Công ước Luật Biển năm 1982.
            Bốn là, các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh việc kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện nay không có người ở. Thực hiện cam kết này vừa tạo điều kiện cho việc tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị giữa các nước trong khu vực vừa tạo tiền đề cần thiết cho các nước có tranh chấp ở Biển Đông từng bước tìm kiếm các giải pháp cho các tranh chấp. Hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng gắn với hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Do đó việc thực hiện cam kết này cũng chính là để đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình của khu vực và trên thế giới.
             Năm là, các bên đồng ý căn cứ vào các nguyên tắc Hiến chương LHQ, Công ước Luật Biển năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. 05 nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin. Từ cam kết mang tính nguyên tắc đó, ASEAN và Trung Quốc nhất trí là trong khi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp, các bên tăng cường nỗ lực để xây dựng lòng tin như tiến hành đối thoại quốc phòng; đối xử nhân đạo với người bị nạn trên biển; thông báo cho các bên liên quan về các cuộc diễn tập quân sự, trao đổi thông tin liên quan. Việc thông báo và trao đổi như vậy được các bên liên quan tiến hành trên cơ sở tự nguyện.
             Sáu là, các bên đồng ý trong khi tìm kiếm giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, các bên có thể tìm kiếm và tiến hành các hoạt động trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an toàn và an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn trên biển, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia (buôn bán ma túy, cướp biển, cướp có vũ trang trên biển và buôn lậu vũ khí). Các bên thỏa thuận phương thức, địa điểm và phạm vi của các hoạt động hợp tác này trước khi triển khai.
            Bảy là, các bên long trọng cam kết tôn trọng các quy định của DOC và hành động phù hợp với các nội dung của DOC. ASEAN và Trung Quốc đồng ý sẽ cùng nhau hợp tác trên cơ sở đồng thuận để đạt mục tiêu cuối cùng cao hơn là thông qua một bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các bên đều nhất trí rằng việc thông qua Bộ quy tắc đó sẽ tăng cường hơn nữa hòa bình và ổn định của khu vực. Đồng thời ASEAN và Trung Quốc cũng khuyến khích các quốc gia khác tôn trọng các nguyên tắc trong DOC.
             Từ khi được ký kết các nước ASEAN và Trung Quốc đều khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiếp tục duy trì đối thoại và tham vấn, triển khai các hoạt động hợp tác chung trong khuôn khổ DOC để tăng cường lòng tin, nhất trí cùng hợp tác hướng tới việc xây dựng và thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
            Tuy nhiên từ năm 2009, Trung Quốc trỗi dậy với 2 mục tiêu 100 năm và Giấc mộng Trung Hoa đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng trên biển, gia tăng sử dụng sức mạnh tổng hợp để kiểm soát Biển Đông nhằm đẩy các cường quốc khác ra ngoài khu vực. Để thực hiện mục đích trên Trung Quốc đã điều chỉnh lại chính sách đối với vấn đề Biển Đông, ngày càng gia tăng sự hiện diện trên Biển Đông, không chỉ về quân sự mà cả về các hoạt động dân sự và bán quân sự tại khu vực này, nhằm giành kiểm soát thực tế Biển Đông thông qua việc khẳng định “Đường lưỡi bò”. Hải quân Trung Quốc đã tăng cường tần suất và mức độ thực hiện tập trận tại Biển Đông, tích cực triển khai chiến lược “chống tiếp cận/phong tỏa khu vực” trên biển, triển khai một cách có hệ thống các tàu và tàu tuần tra từ các cơ quan chấp pháp biển khác nhau; đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá từ tháng 5 đến tháng 8 ở Biển Đông (áp đặt từ năm 1999), tăng cường triển khai các lực lượng bán quân sự để tuần tra ở Biển Đông nhằm củng cố yêu sách của nước này đối với các khu vực tranh chấp, đồng thời phát đi thông điệp rằng Trung Quốc chỉ sử dụng “các biện pháp hòa bình”. Về vấn đề khai thác năng lượng ở Biển Đông, từ năm 2007, Trung Quốc đã đe dọa một số công ty dầu khí nước ngoài phải dừng các hoạt động thăm dò xa bờ với các đối tác Việt Nam hoặc phải đối mặt với hậu quả khôn lường trong hoạt động kinh doanh của những công ty này với Trung Quốc. Trong khi phản đối các quốc gia khác tiến hành khai thác năng lượng ở những khu vực bên trong “Đường lưỡi bò”, Trung Quốc lại ủng hộ việc khai thác chung nguồn tài nguyên năng lượng bên trong đường yêu sách này ở Biển Đông, đặc biệt gần đây nhất Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh (02/2021) trao quyền cho lực lượng này được sử tất cả các biện pháp cần thiết gồm cả vũ khí, trên thực địa huy động khoảng 300 tàu cá đến khu vục Đá Ba Đầu thuộc chủ quyền của Việt Nam, tiếp tục làm gia tăng thêm căng thẳng giữa các bên và đối với khu vực. Các tuyên bố chủ quyền phi pháp về đường 9 đoạn và các hoạt động gia tăng trên thực địa của Trung quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) gây ra sự bất ổn đối với an ninh, hòa bình của khu vực.
              Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chiến lược bảo đảm chủ quyền, an ninh, đồng thời duy trì quan hệ đối ngoại tự chủ, không bị lôi kéo vào các tranh chấp địa chính trị giữa các nước lớn. Bằng các hoạt động linh hoạt nhưng kiên quyết, Việt Nam đã giữ được môi trường hoà bình, không xung đột với Trung Quốc, đồng thời bảo vệ được chủ quyền trên các thực thể đang giữ ở Trường Sa, duy trì chủ quyền danh nghĩa ở Hoàng Sa trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng hoạt động ở Biển Đông với những hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng cơ bản bảo vệ được quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ các cam kết DOC.
              Từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã kiên quyết cản phá thành công nhiều hoạt động xâm phạm quyền chủ quyền trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ bờ biển như vụ Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD981 năm 2014, vụ tàu thăm dò khảo sát HD8 năm 2019. Lực lượng chấp pháp Việt Nam cũng nhiều lần xua đuổi tàu các các nước khỏi vùng biển của ta và bảo vệ ngư dân ta trong các hoạt động đánh bắt tại ngư trường truyền thống, phù hợp với luật pháp quốc tế.
              Trên mặt trận chính trị - đối ngoại, chính sách của Việt Nam ở Biển Đông đã vận dụng thành công chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. Trong hơn 10 năm qua, ta đã công khai đấu tranh chống lại các tuyên bố, hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông trên nhiều cơ chế, diễn đàn, trong đó có việc gửi nhiều công hàm khẳng định lập trường và yêu sách lên các cơ quan khác nhau của Liên hiệp quốc, sử dụng các cơ chế của ASEAN để phê phán các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nêu cao chính nghĩa của ta và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
            Việt Nam cũng đàm phán và đạt được một số bước tiến quan trọng trong phân định biển với các nước. Tiếp theo các thoả thuận như Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Căm-pu-chia (1982), Bản ghi nhớ hợp tác khai thác chung Việt Nam - Ma-lai-xi-a (1992), Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam - Thái Lan (1997), Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc (2000), Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam - In-đô-nê-xi-a 2003, đến năm 2009, Việt Nam và Ma-lai-xi-a đã đệ trình Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hiệp quốc. Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong đàm phán tại các Hội nghị tham vấn cấp cao ASEAN với Trung Quốc để xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) nhằm giảm bớt những căng thẳng hiện nay liên quan đến vấn đề Biển Đông. Hoạt động này đóng góp vào kinh nghiệm thực tiễn của khu vực về giải quyết những bất đồng và tranh chấp trên biển.
            Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác quốc tế về biển của Việt Nam đã được mở rộng. Trong vài năm gần đây, nhiều nước đã cung cấp, viện trợ tàu tuần tra cho Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…, cùng nhiều dự án xây dựng năng lực khác. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam tham gia tập trận RIMPAC ở cấp độ cử sĩ quan, và trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn. Tàu chiến của các nước ghé thăm cảng của Việt Nam với tần suất nhiều hơn, đa dạng hơn. Một số chương trình hợp tác về an ninh biển, cứu hộ cứu nạn, chống thiên tai và cứu trợ nhân đạo được thực thi. Điều này tạo thuận lợi cho ta trong việc đối thoại, trao đổi thông tin, tăng cường hợp tác với các nước để đối phó với cả tình hình Biển Đông đang ngày càng phức tạp, cũng như các nguy cơ an ninh phi truyền thống, Việt Nam đã ứng xử khéo léo để bảo đảm duy trì được độc lập, tự chủ; không bị kéo vào cuộc cạnh tranh nước lớn..
             Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự báo trong thời gian tới “Tình hình khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực cũng đứng trước nhiều khó khăn” (tr.107). Trên cơ sở đó Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm, lập trường: “…giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển” (tr.156, 157).
             Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Biển không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn, cửa ngõ mở rộng quan hệ giao thương với quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng đồng thời là địa bàn chiến lược trọng yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ thể hiện tư duy của Đảng ta trong các nghị quyết đại hội mà còn trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, hải đảo đòi hỏi chúng ta phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa tầm quan trọng của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển, Luật Biển Việt Nam và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông.
 
* Tài liệu tham khảo:
1. Ủy ban Biên giới quốc gia: Những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, Nxb Tri Thức, H. 2013.
2. ThS. Hoàng Thị, TS. Hà Anh Tuấn: Bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn với phát triển kinh tế (nguồn www.xaydungdang.org.vn).
3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1,Nxb CTQGST, H.2021, tr. 107, 156, 157. 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8053227

Đang Online : 481