Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1 năm 2021

Ngày Đăng:6/18/2021 9:09:00 AM Lượt xem: 610

PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TẠI HUYỆN LÂM BÌNH
 
Cử nhân Trịnh Thị Thứ
Giảng viên phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
 
            Tuyên Quang là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Trong những năm qua tỉnh rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định du lịch là một trong những khâu đột phá: Phát huy tiềm năng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
           Thực hiện chủ trương của tỉnh, trong những năm gần đây, huyện Lâm Bình đã quan tâm đẩy mạnh phát triển du lịch và ngày càng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Tuyên Quang với nhiều loại hình phong phú, tiêu biểu là du lịch văn hóa ngày càng thu hút được lượng khách đông đảo trong nước và quốc tế. Du lịch văn hóa là tập hợp các du lịch liên quan đến sự tham gia của người du lịch với nền văn hoá của một quốc gia hoặc vùng, đặc biệt là lối sống của người dân ở những khu vực địa lý, lịch sử của những người đó, nghệ thuật, kiến ​​trúc, và các yếu tố khác đã giúp hình thành cách sống của họ.
            Lâm Bình có 08 đơn vị hành chính cấp xã, 70 thôn, bản; dân số trên 34.000 người, dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 62%, Dao trên 25%, Mông 6%, Pà Thẻn 2%, còn lại là các dân tộc khác. Đặc biệt, duy nhất ở Việt Nam, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình có tộc Người Thủy sinh sống; tộc Người Thủy có tiếng nói, trang phục, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, nguồn gốc rất độc đáo. Các dân tộc thiểu số ở huyện Lâm Bình về cơ bản vẫn còn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống, từ tiếng nói, chữ viết đến trang phục, tín ngưỡng dân gian, các làn điệu dân ca, trò chơi, ẩm thực, kiến trúc nhà ở, các lễ hội truyền thống…
             Để phát huy thế mạnh, tiềm năng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống để thu hút du khách và các nhà đầu tư nhằm phát triển du lịch bền vững, huyện đã ban hành nhiều văn bản như: Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 03/6/2016 về bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 11/8/2016 về sưu tầm các công cụ, dụng cụ sinh hoạt, lao động sản xuất, các giá trị văn hóa, tín ngưỡng,… truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Bình; phát triển du lịch gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc; bảo tồn, phát huy các danh lam, thắng cảnh, bảo vệ môi trường sinh thái phục vụ phát triển du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội văn hóa; xây dựng làng văn hóa dân tộc gắn với các điểm du lịch.
            Phát huy tiềm năng và lợi thế đó huyện Lâm Bình đã và đang xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như: Mô hình du lịch cộng đồng (homestay), thành lập các Câu lạc bộ: hát Then (dân tộc Tày), hát Páo dung (dân tộc Dao), khôi phục các làng dệt thổ cẩm, lễ hội truyền thống của các dân tộc. Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng Homestay là loại hình du lịch được chú trọng phát triển để tạo nguồn thu nhập cho người dân và bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Những năm gần đây, nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, huyện Lâm Bình đã tiến hành phục dựng nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; duy trì và bảo tồn các làn điệu dân ca, trang phục, ẩm thực, các di tích, danh lam, thắng cảnh. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực của địa phương phục vụ phát triển du lịch
            Cuối năm 2016, huyện Lâm Bình triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (Homestay) đối với 15 hộ trên địa bàn các xã (Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can), đến nay tổng số hộ cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng tăng lên 28 hộ; bên cạnh phát triển mô hình Homestay, huyện còn chủ động kết nối với các công ty du lịch, lữ hành với trên 200 công ty, đơn vị đến khảo sát, xây dựng sản phẩm, kết nối tour du lịch tại huyện, trong đó: Công ty du lịch Năm Sao đã đầu tư cơ sở Homestay tại thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can và thôn Bản Bon xã Phúc Yên; Công ty Sao Nam Việt của Hà Nội; công ty TNHH du lịch Non nước Lâm Bình kết nối tour đưa khách du lịch đến tham quan, du lịch; Công ty ETHOS (Sa Pa) kết nối tour dành riêng cho khách du lịch người nước ngoài.
            Nhờ vào chủ trương đúng đắn, sát thực tiễn và được sự đồng lòng, ủng hộ cùng tham gia phát triển du lịch của nhân dân trong toàn huyện, những năm qua du lịch huyện Lâm bình đã có nhiều khởi sắc và lượng khách du lịch ngày càng tăng. Qua thống kê cho thấy lượng khách du lịch đến với Lâm Bình có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ 13.500 khách năm 2016 lên 120.000 khách năm 2019, tăng 106.500 khách. Tổng thu xã hội từ du lịch trung bình hằng năm đạt 125 tỷ đồng. Sự tăng trưởng cả về lượng khách và doanh thu từ du lịch cho thấy chủ trương về phát triển du lịch của huyện là phù hợp, sát thực tiễn, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của huyện; du lịch phát triển đã góp phần tạo nên sự tăng trưởng trong phát triển kinh tế của huyện, tạo việc làm, thu nhập cho người dân và bảo tồn các giá trị văn hóa.
             Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định một trong những khâu đột phá của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội là phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong huyện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn toàn huyện.
 
Tài liệu tham khảo:
  1. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025
  2. Báo cáo số 498 -BC/HU, ngày 25/7/2020, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lâm Bình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 – 2025
  3. Báo cáo của UBND huyện Lâm Bình về kết quả phát triển du lịch huyện Lâm Bình, giai đoạn 2015-2020

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8054240

Đang Online : 8