Nội san >> Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021 >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1 năm 2021
Ngày Đăng:6/18/2021 9:20:00 AM Lượt xem: 1126
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI Ở TỈNH TUYÊN QUANG
Thạc sĩ, GVC Nguyễn Văn Hòa
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Trang trại là một hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Làm cho kinh tế trang trại phát triển cũng là giúp cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển. Phát triển kinh tế trang trại là hướng đi đúng đắn của sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung nhằm nâng cao năng suất, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo ở khu vực nông thôn nói riêng và cho toàn xã hội nói chung.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng ta xác định: “…Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp… Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu…hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng...”
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, phần phương hướng và các khâu đột phá đều đề cập: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung và các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao. Phần giải pháp chủ yếu đã xác định: Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác. Chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhất là sản phẩm có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị trong nước, xuất khẩu.
Tỉnh Tuyên Quang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện bằng các cơ chế, chính sách của tỉnh, do vậy kinh tế trang trại của tỉnh Tuyên Quang đã khá phát triển. Số lượng các trang trại nông lâm nghiệp, thủy sản đã tăng lên nhanh, năm 2010 tỉnh có tổng số là 95 trang trại, đến hết năm 2020, tỉnh Tuyên Quang có tổng số 358 trang trại (Theo tiêu chí trang trại được quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) trong đó: có 229 trang trại trồng trọt, 89 trang trại chăn nuôi, 05 trang trại lâm nghiệp, 55 trang trại tổng hợp.
Tổng diện tích đất của các trang trại là 1.314,65 ha. Tổng số lao động của các trang trại là 3.677 người (lao động thường xuyên của trang trại là 1.445 lao động, lao động thuê theo thời vụ là 2.200 lao động) Bình quân mỗi trang trại giải quyết việc làm cho 10 lao động. Các trang trại trồng trọt, tổng hợp chủ yếu thuê lao động với thời gian thường xuyên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động như: các trang trại trồng cam tại huyện Hàm Yên, chủ trang trại chủ yếu thuê khoán lao động theo mùa vụ, góp phần giải quyết việc làm cho số lượng lao động nhàn rỗi ở khu vực nông thôn.
Giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh bình quân một trang trại là 1.190 triệu đồng. Năm 2020, tổng doanh thu của các trang trại đạt 661.595,56 triệu đồng, doanh thu bình quân đạt 1.848,03 triệu đồng/trang trại/năm. Giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp, thủy sản bán ra là 646.549,43 triệu đồng. Nhìn chung, năm 2020 sản lượng hàng hóa của các trang trại đều tiêu thụ được, sản lượng hàng hóa không bị tồn kho.
Một số mô hình trang trại hiệu quả tiêu biểu trên địa bàn tỉnh: Trang trại trồng trọt của hộ bà Ngô Thị Kim Oanh tại thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên thành lập năm 2017 với quy mô trang trại là 5 ha; sản lượng cam đạt 50 tấn, doanh thu 3,5 tỷ đồng năm 2020. Trang trại chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Ngọc Sáng tại xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương thành lập năm 2016; với quy mô chăn nuôi 1.875 con lợn đạt doanh thu 15 tỷ đồng năm 2020. Trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Thành tại xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn thành lập năm 2017; với quy mô trang trại là 6 ha, sản lượng đạt 600 m3 gỗ, 7.000 kg cá, 5.000 kg bưởi, 10 tấn cam, doanh thu năm 2020 đạt 2,4 tỷ đồng.
Nhìn chung hoạt động của các trang trại những năm qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động gia đình, lao động thời vụ trong chăm sóc vật nuôi, thu hoạch các loại cây trồng. Cùng với việc giải quyết việc làm, kinh tế trang trại đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Việc phát triển đa dạng trên nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp của kinh tế trang trại đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thông qua việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn tại tỉnh. Các trang trại đã nhận sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, nhất là thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ trong sản xuất. Các chủ trang trại đã vận dụng linh hoạt lợi thế về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách hỗ trợ để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, mô hình sản xuất, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng hiện nay ngày càng được các trang trại tại tỉnh quan tâm thực hiện theo định hướng của Nhà nước nên đạt hiệu quả tương đối tốt. Kinh tế trang trại đang là một trong những loại hình mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế trang trại tại tỉnh thời gian qua cũng còn những hạn chế đó là: Cơ sở hạ tầng thiết yếu của các trang trại chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, đặc biệt là khâu chế biến, bảo quản sản phẩm; hệ thống đường giao thông vào khu sản xuất, điện, nước; việc tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá chưa được quan tâm đúng mức, do đó chưa nâng cao được chất lượng và giá trị sản phẩm. Chủ trang trại và lao động làm việc trong các trang trại chủ yếu là nông dân, chưa qua đào tạo nghề, chưa được tập huấn nhiều nghiệp vụ quản lý trang trại; việc điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống và tự học hỏi trong thực tế. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, sản lượng sản phẩm hàng hóa giảm, dẫn đến giá trị sản xuất giảm.
Phát triển chăn nuôi trang trại của tỉnh hiện nay chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chưa hình thành được các chuỗi liên kết, nên đầu ra của sản phẩm chưa thực sự ổn định. Các trang trại do chưa có nhiều sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nên thường xuyên bị thiệt hại khi giá nông sản xuống thấp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Khâu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi luôn trong tình trạng bấp bênh, hầu như các trang trại đều phải tự lo đầu ra.
Từ thực tiễn phát triển kinh tế trang trại thời gian qua tại tỉnh, đặc biệt để khắc phục những mặt còn hạn chế, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau để kinh tế trang trại ở tỉnh phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh:
Thứ nhất: tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước nói chung và của tỉnh nói riêng về phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại.
Thứ hai: làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình và phát triển kinh tế - xã hội. Tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho cá nhân, chủ hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, theo dõi, thống kê, cập nhật các biến động về chủ trang trại, diện tích đất sản xuất, loại trang trại theo đúng quy định hiện hành.
Thứ ba: chú trọng đầu tư nâng cao năng lực cho các chủ trang trại. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn các chủ trang trại phát triển sản xuất theo đúng định hướng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; hướng dẫn các chủ trang trại tổ chức sản xuất tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các trang trại hợp tác liên kết, hợp tác với các tổ hợp tác, các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo cho sản phẩm có thị trường ổn định, phát triển bền vững. Tuyên truyền, khuyến cáo các chủ trang trại chủ động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (hệ thống chuồng trại, hệ thống nước, hệ thống xử lý chất thải) tăng cường việc ứng dụng công nghệ sinh học, gắn với xây dựng nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; công nghệ sạch và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn để các chủ trang trại tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất, để sản xuất có hiệu quả, dần từng bước phát triển đi lên tiến tới thành lập hợp tác xã.
Thứ tư: quan tâm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ trang trại lập các thủ tục, thực hiện trình tự tiếp cận các chính sách: Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang...Tỉnh cần nghiên cứu ban hành và thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong đó có chính sách hỗ trợ trang trại về: tín dụng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ mô hình sản xuất hàng hóa đặc thù; hỗ trợ đào tạo, tập huấn; ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây nhãn hiệu, thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý...Đặc biệt, trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển, trong điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp, tỉnh cần chủ động đầu tư, hỗ trợ nông dân là các chủ trang trại về mặt công nghệ trong công tác sản xuất, canh tác, trong xúc tiến thương mại, xây dựng các sàn thương mại điện tử để các chủ trang trại gặp gỡ, trao đổi, mua bán, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tạo ra một cách thuận lợi, hiệu quả, đạt giá trị kinh tế cao.
----------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030
2. Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định tiêu chí trang trại
3. Báo cáo số 148/BC-SNN, ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Tuyên Quang, Báo cáo kinh tế trang trại năm 2020.
Các tin liên quan:
- ❧ KHÔNG NGỪNG CHĂM LO CƠ SỞ VẬT CHẤT PHỤC VỤ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('6/18/2021 8:22:00 AM')
- ❧ TIẾP TỤC PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 64 NĂM CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('6/18/2021 8:32:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG HIỆU QUẢ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('6/18/2021 8:39:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY MÔN LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('6/18/2021 8:44:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ GIẢI PHÁP VẬN DỤNG HIỆU QUẢ NỘI DUNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY CÁC PHẦN HỌC CỦA KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG - Ngày đăng('6/18/2021 8:50:00 AM')
- ❧ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ - Ngày đăng('6/18/2021 8:53:00 AM')
- ❧ TỰ VỆ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG VỚI TRUYỀN THỐNG 86 NĂM CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ - Ngày đăng('6/18/2021 8:57:00 AM')
- ❧ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TUYÊN BỐ ỨNG XỬ CỦA CÁC BÊN Ở BIỂN ĐÔNG (DOC) VÀ CÁC BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY - Ngày đăng('6/18/2021 9:01:00 AM')
- ❧ PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TẠI HUYỆN LÂM BÌNH - Ngày đăng('6/18/2021 9:09:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU SAU THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG SÁP NHẬP THÔN TẠI XÃ THÁI BÌNH, HUYỆN YÊN SƠN - Ngày đăng('6/18/2021 9:24:00 AM')
- ❧ KHÁT VỌNG VƯƠN LÊN - ĐIỂM MỚI VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH TUYÊN QUANG LẦN THỨ XVII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025 - Ngày đăng('6/18/2021 9:29:00 AM')
- ❧ QUÁN TRIỆT NHỮNG QUAN ĐIỂM TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ CÁN BỘ CỦA ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG TRONG GIẢNG DẠY PHẦN HỌC XÂY DỰNG ĐẢNG TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ - Ngày đăng('6/18/2021 9:30:00 AM')
- ❧ PHÁT HUY TRÁCH NHIỆM, VAI TRÒ CỦA NGƯỜI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HIỆN NAY THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH - Ngày đăng('6/18/2021 9:46:00 AM')
- ❧ BẢO ĐẢM QUYỀN ĐƯỢC TIẾP CẬN THÔNG TIN CỦA NHÂN DÂN TRONG CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026 - Ngày đăng('6/18/2021 10:08:00 AM')