Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1 năm 2021

Ngày Đăng:6/18/2021 9:24:00 AM Lượt xem: 496

MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU SAU THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG SÁP NHẬP THÔN
TẠI XÃ THÁI BÌNH, HUYỆN YÊN SƠN
 
Thạc sĩ, GVC Phạm Đình Khiết
Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
 
          Xã Thái Bình huyện Yên Sơn có diện tích tự nhiên 2.699,8 ha, cách thành phố Tuyên Quang 6km về phía Đông. Toàn xã hiện có 1.295 hộ và 5.037 nhân khẩu. Do yếu tố địa lý và lịch sử nên trước đây xã được tổ chức thành 17 đơn vị thôn. Tuy nhiên trước yêu cầu của tình hình mới và thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, bản, khu dân cư theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, hiện nay xã đã kiện toàn, sắp xếp lại thành 09 đơn vị thôn, giảm 08 thôn.
            Qua hai năm thực hiện chủ trương sáp nhập thôn ở xã Thái Bình được nhân dân đồng tình ủng hộ và bước đầu đem lại những kết quả tích cực. Có thể khái quát một số kết quả nổi bật, đó là:
           Thứ nhất, đã thực hiện vượt mục tiêu giảm đầu mối bộ máy và cán bộ thôn.
             Theo phương án ban đầu thì toàn xã sẽ tổ chức lại từ 17 thôn sáp nhập lại thành 12 thôn, giảm 5 thôn. Song khi khảo sát thực tế và được nhân dân, cử tri đồng tình ủng hộ nên đã giảm được 8 thôn, vượt 2 thôn so với kế hoạch ban đầu (các thôn: Ngành nghề, Việt Tiến và  Việt Thắng đã được sáp nhập lại thành 1 thôn). Cùng với đó là giảm được 8 trưởng thôn, 8 phó thôn và 43 cán bộ không chuyên trách. Điều đó không chỉ góp phần tập trung các đầu mối để việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã được triển khai thực hiện nhanh hơn, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các thôn giải quyết các công việc được hiệu quả hơn.
              Thứ hai, việc huy động các nguồn lực của nhân dân được thực hiện hiệu quả hơn.
             Thực tế thì từ khi sáp nhập các thôn, việc huy động nhân dân đóng góp ngày công hoặc kinh phí để thực hiện các công việc chung của cộng đồng như làm đường bê tông, trồng hoa ven các tuyến đường thôn, lao động vệ sinh đường làng ngõ xóm đã được thực hiện rất thuận lợi và hiệu quả. Toàn xã đã huy động được hơn 800 triệu đồng, hơn 3000 ngày công để làm 21 km đường bê tông, 8km đường điện. Thôn huy động được nhiều nhất là thôn 7 với hơn 200 triệu đồng để làm 7km đường bê tông cùng với sự hỗ trợ của nhà nước. Riêng chỉ tiêu về xây dựng đường điện toàn xã xây dựng kế hoạch xây dựng 6km nhưng khi triển khai thực hiện được 8km, vượt kế hoạch đề ra; trong đó riêng thôn 3 xây dựng được 4km. Không chỉ ủng hộ về kinh phí, ngày công mà bà con nhân dân còn tích cực hưởng ứng việc thực hiện các công việc của cộng đồng như hiến đất, hiến cây, như thôn 6 vận động được 01 hộ hiến 600m2 đất; thôn 4 vận động 01 hộ hiến 1.300 cây bạch đàn để làm đường. Bên cạnh đó thì bà con nhân dân, đặc biệt là chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên và chi hội người cao tuổi các thôn cũng tích cực hưởng ứng phong trào trồng hoa dọc các tuyến đường để tô điểm, tạo điểm nhấn cho bộ mặt của thôn. Toàn xã đã xây dựng được 18 tuyến đường hoa với kinh phí ước khoảng 120 triệu đồng.
             Thứ ba, các hoạt động kinh tế trong nhân dân được thực hiện có hiệu quả. Là xã có vị trí thuận lợi về giao lưu kinh tế, đặc biệt là đang phấn đấu để đạt được tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, nên so với trước khi sáp nhập thôn, hoạt động kinh tế của nhân dân đã diễn ra sôi nổi và hiệu quả. Toàn xã có 372 hộ làm dịch vụ với thu nhập bình quân trên 100 triệuđồng/hộ/năm; có 1 HTX với thu nhập bình quân trên 800 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn có 62 mô hình kinh tế VAC với thu nhập bình quân 120 triệu đồng/mô hình/năm.
             Thứ tư, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được diễn ra sôi nổi, rộng khắp tại các thôn, khu dân cư. Hiện nay toàn xã có 9 CLB bóng chuyền hơi, 5 sân cầu lông và 8 CLB văn hóa văng nghệ. Các CLB này do bà con nhân dân tự vận động thành lập và duy trì hoạt động; vì vậy phong trào diễn ra rất sôi nổi và thu hút được nhiều người ở mọi lứa tuổi tham gia. Đặc biệt là CLB bóng chuyền hơi của các thôn. Trong nhiều năm qua đã chủ động giao lưu với nhiều địa phương khác trong tỉnh và tham gia thi đấu các giải phong trào do xã và huyện tổ chức.
            Để có được những kết quả trên đây có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là tinh thần quyết liệt, sự chủ động, nhạy bén trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã. Trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, UBND xã cụ thể hóa thành kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các thành viên để cùng tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất trong nhận thức của cán bộ từ xã đến các thôn và sự đồng thuận của bà con nhân dân. Vì vậy khi họp bàn việc sáp nhập các thôn thì không chỉ đa số nhân dân, mà chính các đồng chí cán bộ thôn thuộc diện dôi dư sau sáp nhập cũng đồng tình nhất trí cao.  
             Bên cạnh những kết quả đạt được kể trên thì việc sắp xếp, sáp nhập các thôn ở xã Thái Bình còn có một số khó khăn nhất định, như diện tích các thôn tăng lên, địa bàn thôn rộng, dân cư đông trong khi số lượng cán bộ thôn lại giảm (giảm chức danh phó thôn) nên việc điều hành hoạt động và triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch từ cấp trên triển khai xuống gặp khó khăn do số lượng công việc tăng lên và việc đi lại vất vả hơn. Mặt khác việc huy động sự tham gia của trưởng các chi hội đoàn thể ở thôn cùng chung tay thực hiện các nhiệm vụ của thôn cũng gặp khó khăn, do các chức danh này không còn được chi trả phụ cấp nên sự nhiệt tình cũng giảm. Bên cạnh đó thì các nhà văn hóa thôn được xây dựng theo mô hình cũ trước khi sáp nhập nên đa số có diện tích hẹp (7 nhà văn hóa), không đủ diện tích, không gian khi tổ chức họp thôn và triển khai các hoạt động văn hóa tập thể.
            Trong thời gian tới, ngoài việc giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với các thôn; trang bị thêm cơ sở vật chất cho nhà văn hóa thôn, thì cấp ủy và chính quyền xã Thái Bình xác định nhiệm vụ trong tâm là tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân yên tâm, tin tưởng vào chủ trương sáp nhập thôn; đồng thời tăng cường sự gắn bó giữa thôn với xã bằng cách phân công cán bộ phụ trách thôn, phân công cấp ủy viên về dự sinh hoạt chi bộ và họp thôn với nhân dân để cùng nắm bắt, chia sẻ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của thôn; trên cơ sở đó phát huy sức mạnh tập thể, thúc đẩy phong trào kinh tế - văn hóa - xã hội ngày càng phát triển.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8055224

Đang Online : 892