Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1 năm 2021

Ngày Đăng:6/18/2021 9:46:00 AM Lượt xem: 761

PHÁT HUY TRÁCH NHIỆM, VAI TRÒ CỦA NGƯỜI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HIỆN NAY THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
 
Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
 
           Hơn 75 năm qua, kể từ ngày cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946 được tổ chức, Quốc hội Việt Nam đã trải qua XIV khóa hoạt động. Đồng hành cùng với lịch sử cách mạng Việt Nam, Quốc hội ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Là người sáng lập ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định[1]. Xuyên suốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội luôn là một thiết chế dân chủ để thông qua đó nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, trong đó việc phát huy vai trò của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) góp phần vào việc đảm bảo nền dân chủ XHCN, xây dựng Nhà nước kiểu mới của dân, do dân và vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ĐBQH là chủ thể giữ vai trò then chốt, đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Do vậy, nhân dân cần sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình và gánh vác việc nước.
           Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết ĐBQH phải là những người có “Đức”: Đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh là gốc, nền tảng của mỗi người cán bộ nói chung và cũng là yêu cầu đối với mỗi người ĐBQH nói riêng. Người ĐBQH có đạo đức bên mình sẽ giúp mỗi người nêu cao tinh thần “Trung với nước, hiếu với dân; Cần, kiệm, liêm, chính, Chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô nhân dịp mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II, Hồ Chí Minh nêu rõ hơn về phẩm chất đạo đức của người ĐBQH, Người nói: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà là người đày tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào “...Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”[2].
           Thứ hai, bên cạnh yếu tố đạo đức, người ĐBQH cần phải có “Tài”, bởi “Đức” và “Tài” luôn song hành cùng nhau, vì nếu “Có tài mà không có Đức là người vô dụng, có Đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. “Tài” của người cán bộ phải được nhìn nhận, đánh giá theo từng loại công việc, với người ĐBQH thì“Tài” là trình độ văn hóa, chuyên môn về những lĩnh vực mình phụ trách, truyền tải ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đến Quốc hội; có đủ kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. Người yêu cầu: “Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ Quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với  Tổ quốc[3]. “Làm việc nước bây giờ là hi sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung”[4]. Như vậy, người ĐBQH trong tư tưởng Hồ Chí Minh phải là những người có Đức, có Tài, đem tài năng và phẩm chất đạo đức tốt đẹp để phục vụ nhân dân, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
          Cùng với tiến trình xây dựng và phát triển của Nhà nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, trong các văn bản Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đã thể hiện ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò của ĐBQH. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, vị trí vai trò của người ĐBQH được xác định:“Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội”.
           ĐBQH phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đó là:
           1. Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
           2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật, có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, các hành vi vi phạm pháp luật khác;
          3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội.
           4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
           5. Có điều kiện tham gia hoạt động của Quốc hội.
          Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (năm 2020) bổ sung khoảng 1a vào sau khoản 1 Điều 22 đối với tiêu chuẩn của ĐBQH đó là “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.
           Quá trình tổ chức và hoạt động của Quốc hội cho thấy, kết quả hoạt động của ĐBQH từ khóa I cho đến nay (khóa XIV) luôn gắn liền với vị trí pháp lý của ĐBQH. Mỗi người ĐBQH phát huy trách nhiệm của mình để góp phần vào những hoạt động chung một cách hiệu quả, mạnh mẽ, sáng suốt thì sẽ tạo nên một Quốc hội hoạt động thực chất, hiệu quả vì ĐBQH là trung tâm trong mọi hoạt động của Quốc hội.
          Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã thông qua 73 luật, bộ luật và 2 pháp lệnh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ thành công về mặt ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), với 3 hiệp định đa phương quan trọng là Hiệp định CPTPPHiệp định EVFTA và Hiệp định RCEP. Ngoài ra, còn có Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định thương mại tự do song phương ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA). Trong 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chủ động trong các hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế và trong nước diễn biến phức tạp, nhất là do ảnh hưởng của thiên tai, của dịch bệnh trong năm 2020, nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội khóa XIV vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành trọng trách mà cử tri và Nhân dân giao phó. Tuy còn có điểm chưa hoàn toàn đáp ứng được như mong muốn của cử tri, nhưng hoạt động của Quốc hội đã luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước.
          Tại các kỳ họp Quốc hội, các ĐBQH đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng luật tại các phiên thảo luận ở tổ và hội trường; tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ cũng như đóng góp ý kiến đối với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời kết hợp phản ánh những vấn đề bức xúc của cử tri để Quốc hội và Chính phủ quan tâm giải quyết. Nhiều đại biểu đã mạnh dạn, nghiêm túc đưa ra những ý kiến, quan điểm riêng của mình trước những vấn đề “nóng”, bức xúc từ dư luận để nhìn thẳng vào sự thật và tháo gỡ những khó khăn còn tồn đọng.
          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số đại biểu chưa thực sự làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình trước nhân dân. Nhiều đại biểu còn ít hoặc chưa đưa ra được ý kiến riêng nào của mình về những vấn đề cụ thể được bàn luận tại cuộc họp, nhiều đại biểu do kiêm nhiệm nhiều công việc nên không có thời gian tập trung cho vấn đề “nóng” được thảo luận. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội khoá XIV đã thực hiện bãi nhiệm, thôi nhiệm vụ và không công nhận tư cách đại biểu đối với 09 người. Các vi phạm, khuyết điểm của các vị nguyên là đại biểu cho nhân dân trên được xác định là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các Đoàn ĐBQH, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những hạn chế ấy đã được Quốc hội xử lý một cách nghiêm minh, “không có vùng cấm” đối với các trường hợp đại biểu Quốc hội có vi phạm, khuyết điểm và không còn được cử tri tín nhiệm. Qua đó cho thấy một thái độ kiên quyết, không nể nang, né tránh của Quốc hội với những hành vi vi phạm của ĐBQH để thực hiện đúng chủ trương làm trong sạch bộ máy cơ quan dân cử, bảo đảm các ĐBQH hội thực sự là những người tiêu biểu, đại diện xứng đáng cho cử tri cả nước.
           Từ quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, yêu cầu đối với ĐBQH và thực tiễn hoạt động của ĐBQH trong những năm qua cho thấy, chất lượng đại biểu là vấn đề căn cốt quyết định hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan dân cử. Vì vậy, phải đặt tiêu chuẩn, chất lượng của đại biểu lên hàng đầu, là gốc rễ, không thể vì cơ cấu mà làm hạ thấp chất lượng của đại biểu.
           Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó... Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri[5]. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Với sự đồng thuận nhất trí cao của nhân dân, chúng ta có quyền hi vọng và tin tưởng toàn dân sẽ sáng suốt bầu được những đại biểu đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, tài năng, thật sự xứng đáng với những kỳ vọng của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, HN.2011, tập 12, tr. 375
[2]Hồ Chí Minh toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, HN.2011, tập 12, tr. 629
[3]Hồ Chí Minh toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, HN.2004, tập 4, tr.145
[4]Hồ Chí Minh toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, HN.2004, tập 4, tr.147
[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.2011, tập 14, tr.296
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8054205

Đang Online : 1459