Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1 năm 2021

Ngày Đăng:6/18/2021 10:08:00 AM Lượt xem: 461

BẢO ĐẢM QUYỀN ĐƯỢC TIẾP CẬN THÔNG TIN CỦA NHÂN DÂN TRONG CUỘC BẦU CỬ
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
 
Thạc sĩ, GVC Mai Quang Thắng
Phó Hiệu trưởng
 
          Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Ở nước ta, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên xác định quyền được thông tin là quyền cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 2013 kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền được thông tin của công dân và sửa đổi thành quyền tiếp cận thông tin của công dân (Điều 25). Cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Quốc hội đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 trong đó khẳng định: “Công dân có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời”.
          Điều 62 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử, cụ thể: Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền...;các cơ quan báo chí có trách nhiệm đưa tin về bầu cử; Ban thường thực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
        Như vậy, quyền được thông tin nói chung và quyền được thông tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã được cụ thể hóa trong các văn bản luật của Việt Nam. Từ quá trình tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, có thể thấy nhân dân đã được bảo đảm quyền được thông tin trong cuộc bầu cử ở một số điểm sau:
          Một là, nhân dân được thông tin về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bầu cử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở.
            Để kịp thời lãnh đạo cuộc bầu cử, Bộ Chính trị (Khóa XII) đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 trong đó khẳng định: “Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới”. Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 về công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
          Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết về ngày bầu cử là Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021;  Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp; Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố, việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
          Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hội đồng Bầu cử quốc gia ban hành Nghị quyết hướng dẫn mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện cuộc bầu cử.
          Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bầu cử đã được các cơ quan ban hành, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình diễn ra cuộc bầu cử để nhân dân nắm bắt và tổ chức thực hiện. Có thể thấy công tác thông tin về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử đã được triển khai quyết liệt, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và bảo đảm đầy đủ, chính xác, kịp thời đến nhân dân.
          Hai là, nhân dân được thông tin về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân.
            Theo đó, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
            Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đạt được nhiều thành quả rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động của Quốc hội trong việc thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội thể hiện rõ ràng hơn. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới.
          Ba là, nhân dân được thông tin về công tác nhân sự bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
          Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị xác định trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải “phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật”.
          Nhân dân được thông tin về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; thông tin về kết quả các hội nghị hiệp thương giới thiệu người ứng cử; đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín; được thông tin về danh sách chính thức những người ứng cử sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3; tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước bầu cử, nhân dân được thông tin về tiểu xử tóm tắt của người ứng cử, người ứng cử ra mắt trước nhân dân, báo cáo với nhân dân về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu; nhân dân có quyền nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử, người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.
          Nhân dân còn được thông tin về việc khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử, lập danh sách người ứng cử, về kiểm phiếu, về kết quả bầu cử, về bầu cử bổ sung, trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết xử lý theo quy định và thông báo cho cử tri biết. Để đảm bảo thông tin đến với nhân dân được chính xác, khách quan, trung thực, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nghiêm cấm hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử” đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
          Bốn là, nhân dân được thông báo về thời gian bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu, kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử.
            Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày; tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.
            Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri. Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục; trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử. Ủy ban bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.
          Từ thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 có thể nhận thấy quyền quyền được thông tin của nhân dân về cuộc bầu cử đã được bảo đảm. Cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đã chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền và nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Động viên cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.
           Thực hiện tốt quyền được thông tin của nhân dân về cuộc bầu cử thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tin tưởng vào những đại biểu do chính mình bầu ra để đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Đồng thời làm thất bại những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc, gây rối, bôi nhọ, phá hoại của các thế lực thù địch, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Tài liệu tham khảo:
- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
- Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
- Ban Tuyên giáo Trung ương: Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2016.
- Bộ Tư pháp: Tài liệu giới thiệu Luật Tiếp cận thông tin.
- Luật Hiến pháp 2013; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tiếp cận thông tin.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8053076

Đang Online : 330