Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 1 năm 2022

Ngày Đăng:3/22/2022 11:14:00 AM Lượt xem: 980

Chủ động triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, 
giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025
 
 
Th.s, GVC Mai Quang Thắng
Phó Hiệu trưởng

 
          Cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ''bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc''.[1] Ngày 14 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021– 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây viết là Chương trình).
          Chương trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
           Phạm vi của Chương trình giai đoạn 2021-2025: trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu (ATK) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối tượng của Chương trình là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp các hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Dự kiến tổng mức vốn và nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 137.664,959 tỷ đồng.
           Chương trình có 10 dự án thành phần: (1) Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; (2) Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; (3) Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; (4) Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; (5) Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (6) Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; (7) Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; (8) Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; (9) Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; (10) Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
           Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 53,7%. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Lĩnh vực văn hóa – xã hội từng bước phát triển, chất lượng giáo dục từng bước nâng cao; y tế, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao có nhiều chuyển biến tích cực; công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội đạt nhiều kết quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm phát triển, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao, giảm nghèo chưa bền vững.
          Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII xác định: ''Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và chương trình xây dựng nông thôn mới".[2] ''Nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời các nguy cơ và yếu tố phức tạp nảy sinh về an ninh nông thôn, an ninh xã hội, an ninh trong vùng dân tộc, tôn giáo...''[3]; ''Thực hiện tốt công tác tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân...bảo đảm an sinh xã hội và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc''[4].
          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, căn cứ vào tình hình thực tế, Tuyên Quang đã chủ động triển khai các công việc nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 18/11/2020, trong số các đề án, chương trình lớn có Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ngày 06/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2021. Tại thời điểm ban hành Kế hoạch, Trung ương chưa phê duyệt báo cáo khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chưa ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn và chưa bố trí nguồn vốn đề triển khai thực hiện Chương trình. Việc xây dựng kế hoạch Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2021 thể hiện sự linh hoạt trong việc tổ chức thực hiện nhằm tận dụng tối đa thời gian, kịp thời triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
          Trên cơ sở những kết quả bước đầu đạt được khi triển khai Chương trình hành động số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 147 của Ủy ban nhân dân tỉnh, để Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành được triển khai có hiệu quả, tỉnh Tuyên Quang cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau:
          Một là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương được phân công quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình trong quá trình thực hiện (Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…); sớm tổ chức triển khai Chương trình, phân công nhiệm vụ cho các cấp, các ngành theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở; ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.
           Hai là, nghiên cứu gắn kết các đề án, chương trình trong Chương trình hành động số 01 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với các dự án của Chương trình trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm tương tác, hỗ trợ để phát huy hiệu quả như: Đề án quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 với Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị…
Ba là, đẩy mạnh tuyên tuyền sâu rộng mục tiêu của Chương trình đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người dân tộc thiểu số nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số nghèo. Tăng cường nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phục vụ công tác dự tính, dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc.
          Bốn là, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành có liên quan đưa nội dung thực hiện Chương trình vào kế hoạch, chương trình công tác năm và giai đoạn; chủ động phối hợp trong quá trình triển khai đồng thời rà soát, xác định đối tượng, phạm vi, nhu cầu vốn để thực hiện; giám sát, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình theo định kỳ và đột xuất.
          Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 53,7%. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tình hình sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, qua đó đã thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với thu nhập bình quân chung của cả tỉnh. Năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 9,03% (giảm bình quân trên 4%/năm), trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số 15,03% . Đến hết năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 6,6%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số 11,9% (giảm 3,13%) so với năm 2020.
          Công tác phát triển giáo dục, đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số; năm học 2021-2022 thực hiện chuyển đổi 03 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở thành trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp trung học cơ sở - trung học phổ thông (huyện Na Hang, huyện Chiêm Hóa, huyện Hàm Yên); chuyển đổi 04 trường phổ thông thành trường phổ thông Dân tộc bán trú liên cấp tiểu học – trung học cơ sở (huyện Hàm Yên 01, huyện Chiêm Hóa 02, huyện Yên Sơn 01). Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở cơ sở luôn được quan tâm, trên địa bàn tỉnh có 6.838 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số/19.583 cán bộ, công chức, viên chức (chiếm tỷ lệ 34,9%).
           Các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội được triển khai thực hiện kịp thời; vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được phát huy và bảo đảm về chế độ chính sách theo quy định; đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp chính quyền; công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được chú trọng, tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nội dung còn hạn chế như: chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao còn thấp; cơ sở vật chất, hiệu quả công tác giáo dục – đào tạo tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển nhưng còn chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay đang là "lõi nghèo" của tỉnh. Đầu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 84,85% số hộ nghèo của cả tỉnh. Một số dân tộc thuộc nhóm dân tộc ít người có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Dân tộc Pà Thẻn có 120 hộ nghèo/190 hộ (chiếm 61,22%); dân tộc Mông có 2.077 hộ nghèo/3.792 hộ (chiếm 54,77%); dân tộc Dao có 6.326 hộ nghèo/17/698 hộ (chiếm 35,74%). Công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách dân tộc của một số địa phương chưa thường xuyên; thiên tai, dịch bệnh bất thường luôn là thách thức lớn đối với phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
 
 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tập I, tr.170.
[2] Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (2020): Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025, tr. 137.
[3] Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (2020): Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025, tr. 140.
[4] Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (2020): Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025, tr. 145

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8092749

Đang Online : 4437