Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 1 năm 2022

Ngày Đăng:3/22/2022 11:09:00 AM Lượt xem: 699

Nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở
đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo Đề án số 03-ĐA/TU ngày 12/6/2021
của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang

 
Th.s, GVC Đặng Quốc Tuyên
Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
 
          Đại hội XIII của Đảng đã nêu quan điểm chỉ đạo: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng”[1]. Với quan điểm này Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, đặt trong mối quan hệ với yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh, toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Những quan điểm chỉ đạo đó của Đại hội là cơ sở để các cấp ủy và tổ chức đảng quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao phó.
          Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, vì  vậy chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng từng bước được nâng lên, vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện toàn diện và rõ hơn, việc cụ thể hóa ban hành nghị quyết, kế hoạch công tác đảm bảo sát thực tiễn; tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; chú trọng công tác kiểm tra giám sát và sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết; đại đa số cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở đoàn kết, thống nhất, xây dựng thực hiện nghiêm quy chế làm việc, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng… Tuy nhiên, vẫn còn có một số hạn chế: một số cấp ủy và tổ chức đảng và người đứng đầu chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một bộ phận tổ chức đảng còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện…
          Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ đảng viên trong tình hình mới. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xây dựng Đề án số 03-ĐA/TU ngày 12/6/2021 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề án đã đánh giá toàn diện về thực trạng tổ chức cơ sở đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở và đội ngũ cán bộ, đảng viên, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cụ thể:
          - Một là, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; đổi mới nội dung, hình thức nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ
          + Trong sinh hoạt Đảng phải thực sự phát huy dân chủ, đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng, thực hiện tốt các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; trong sinh hoạt Đảng đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của tổ chức đảng; người đứng đầu phải tạo không khí sinh hoạt cấp ủy, chi bộ thực sự dân chủ để đảng viên được thể hiện chính kiến, dám nói thẳng, nói thật; các chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ đều được dân chủ, bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng trước khi tập thể quyết định.
          + Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 16-ĐA/TU ngày 03/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2020-2025.
          - Cấp ủy, tổ chức đảng phải chấp hành, duy trì có nền nếp chế độ sinh hoạt đảng, phải chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt, xác định được những nội dung trọng tâm và những vấn đề phải tập trung giải quyết tại địa phương, đơn vị; nội dung sinh hoạt phải thiết thực, ngắn gọn, lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề phải phù hợp với tình hình, điều kiện của chi bộ. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành nội dung sinh hoạt thường xuyên.
          + Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp đánh giá chất lượng tổ chưc đảng và đảng viên hằng năm; việc đánh giá phải sát, đúng thực chất, không làm lướt, làm tắt, không chạy theo thành tích; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự vững mạnh của tổ chức chính trị - xã hội và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên để đánh giá chất lượng tổ chức đảng; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống làm thước đo và tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên. Cấp ủy phải kiểm tra, thẩm định chặt chẽ và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức đảng, đảng viên có thành tích xuất sắc, đồng thời tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm để nhân rộng.
          + Cấp ủy cơ sở phải nắm chắc tình hình, phân công cấp ủy viên trực tiếp phụ trách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; quan tâm củng cố tổ chức đảng, nhất là những cơ sở đảng yếu kém; thực hiện phân công công tác cho đảng viên, bảo đảm đảng viên đều được phân công công tác phù hợp. Cấp ủy, bí thư cấp ủy phải làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ và chịu trách nhiệm về mọi mặt công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ hoặc mất ổn định chính trị thì cấp ủy, bí thư cấp ủy phải bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định.
          - Hai là, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng gắn với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước
          + Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực.
          + Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
          + Thường xuyên bồi dưỡng để cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp phát huy được vai trò lãnh đạo, định hướng hoạt động để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đảng viên, đoàn viên, người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, đúng pháp luật; ở những nơi khó khăn, có thể cử cán bộ, đảng viên của đảng ủy cấp trên về sinh hoạt cùng với chi bộ tại doanh nghiệp, làm hạt nhân để xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên.
          + Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển tổ chức đảng, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp; chú ý phát triển đảng viên trong công nhân trực tiếp sản xuất, cán bộ quản lý, người lao động giỏi, có uy tín trong doanh nghiệp. Chủ động tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng, kết nạp các chủ doanh nghiệp đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào Đảng.
          - Ba là, nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên mới; thường xuyên rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng
          Các cấp ủy đảng nhất là cấp cơ sở phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên, đặc biệt chú trọng đến các thôn, tổ dân phố, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng người có đạo, vùng đặc biệt khó khăn, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, chi bộ có dưới 5 đảng viên, chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên. Trong đó tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
          + Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác phát triển đảng viên, đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức Đảng, nhằm củng cố, xây dựng các chi bộ Đảng bảo đảm sự kế thừa và phát triển liên tục của Đảng.
          + Xác định rõ công tác phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của mỗi cấp ủy đảng, bí thư các chi, đảng bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, bí thư chi, đảng bộ. Việc kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục theo quy định, không chạy theo số lượng. Chỉ xem xét kết nạp những quần chúng thực sự ưu tú, có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức trong sáng, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, có nhận thức và động cơ vào Đảng đúng đắn.
          + Từng chi, đảng bộ căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, đề ra các giải pháp cụ thể từ khâu phát hiện, lựa chọn giới thiệu nguồn; bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú; hướng dẫn lập hồ sơ, lý lịch của người xin vào đảng, công tác thẩm tra, xác minh lý lịch và trình tự, thủ tục kết nạp đảng viên mới…đảm bảo nhanh, gọn và chặt chẽ phù hợp với thực tiễn.
          + Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, cụ thể, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên góp phần xây dựng và củng cố tổ chức đoàn, hội ngày càng vững mạnh, qua đó góp phần tích cực, có hiệu quả vào việc phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú để bồi dưỡng kết nạp vào đảng.
          + Tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên và phát triển đảng viên; coi trọng chất lượng kết nạp đảng viên mới; thực hiện nghiêm chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW ngày 12/4/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, coi đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, có tính thường xuyên để nâng cao chất lượng của tổ chức đảng và đảng viên. Phát huy tính tiền phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo của đảng viên; có biện pháp cụ thể để phòng ngừa, giáo dục, giúp đỡ cũng như xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm; giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của đảng viên và quần chúng; bảo vệ những cán bộ, đảng viên trung thực, thẳng thắn dám đấu tranh chống tiêu cực và những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đổi mới vì sự phát triển và lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
          - Bốn là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng
          + Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy và tổ chức đảng, trong quy chế phải phân công nhiệm vụ một cách cụ thể, rõ ràng, hợp lý, đảm bảo từng lĩnh vực, từng bộ phận đều có cấp ủy viên, đảng viên theo dõi phụ trách, quy định rõ trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
          + Đổi mới, nâng cao chất lượng việc cụ thể hóa và ban hành nghị quyết, khi xây dựng nghị quyết phải dựa trên cơ sở căn cứ khoa học và thực tiễn, nội dung cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và có tính khả thi cao; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phải cụ thể, phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương, đơn vị; phân công nhiệm vụ cho tổ chức, cá nhân gắn với cơ chế theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện; định kỳ đánh giá, sơ kết và đúc rút bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
          + Các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc, sâu sát cơ sở, coi trọng chất lượng, hiệu quả công việc, tránh hình thức, lãng phí, bệnh thành tích.
          - Năm là, thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị
          + Các tổ chức cơ sở đảng phải thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng, trọng tâm là đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình nhân dân, nhất là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở cơ sở phải tăng cường đối thoại, tiếp xúc, kip thời giải quyết quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân; xử lý kịp thời, dứt điểm vấn đề nảy sinh ngay tại cơ sở.
          - Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực, chủ động tham gia chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới và giữ vững an ninh, trật tự; thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách liên quan đến đoàn viên, hội viên và nhân dân.
          - Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng
          + Cấp ủy và ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở, cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng; nắm vững các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Hằng năm 100% cấp ủy cơ sở, ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở thực hiện ít nhất 01 cuộc kiểm tra và 01 cuộc giám sát chuyên đề.
          + Xây dựng, thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, sát với với nhiệm vụ chính trị tránh chồng chéo, trùng lặp. Tập trung kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm, tiêu cực như: Việc quản lý đất đai, tài nguyên, quản lý ngân sách, tài sản công; về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong quản lý địa bàn, cơ quan, đơn vị, việc giải quyết đơn thư, thực hiện các việc đột phá, đổi mới do cấp ủy giao…; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của cấp ủy.
          + Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ đầu, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ, tích tụ thành vi phạm lớn. Xử lý nghiêm minh, kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm qua đó góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.
 
          * Tài liệu tham khảo:
            1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II
          2. Đề án số 03-ĐA/TU ngày 12/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVII) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 325

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8093549

Đang Online : 5239