Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 1 năm 2022

Ngày Đăng:3/22/2022 11:08:00 AM Lượt xem: 745

Một số điểm mới trong Quy chế Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị
(Ban hành tại Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
 
Ths, GVC Hán Thị Hạnh Thúy
Phó trưởng phòng (phụ trách) Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
 
          Ngày 21 tháng 12 năm 2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ký Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG về việc ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay thế cho bộ quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 và Quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành kèm theo Quyết định số 4874-QĐ/HVCTQG ngày 30/9/2019.
          Bộ Quy chế quản lý đào tạo mới ban hành gồm 05 quy chế quy định về đào tạo Trung cấp lý luận chính trị; quy chế giảng viên của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quy chế nghiên cứu khoa học và quy chế thanh tra đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
          Trong bài viết này, tác giả tập trung vào một số điểm mới của Quy chế đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, cụ thể:
         Thứ nhất, về đối tượng và điều kiện dự tuyển: nếu như đối tượng dự tuyển trong Quy chế cũ bao gồm cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp trên địa bàn địa phương hoặc quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp cơ sở, ở cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương thì đến Quy chế mới đối tượng dự tuyển thu hẹp lại và cụ thể hơn, bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức là lãnh đạo, quản lý cấp xã, Phó trưởng phòng và cấp phó các đơn vị tương đương cấp phòng cấp huyện, cấp tỉnh; phó ban (đơn vị tương đương cấp ban) trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và quy hoạch các chức vụ, chức danh trên; cán bộ Quân đội; cán bộ Công an; cán bộ giữ ngạch, bậc (có đủ 6 năm giữ ngạch chuyên viên và tương đương); chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch trung cấp (tương đương); giảng viên lý luận chính trị ở trường, trung tâm có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị. Việc thu hẹp đối tượng dự tuyển trong quy chế là phù hợp với chủ trương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Ban Bí thư được quy định trong Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 08/02/2022.
          Về điều kiện dự tuyển: nếu như Quy chế cũ quy định nam dưới 35 tuổi, nữ hoặc cán bộ đoàn dưới 30 tuổi phải dự tuyển các lớp học hệ tập trung. Người trên 35 tuổi (đối với nam), trên 30 tuổi (đối với nữ và cán bộ đoàn) dự tuyển các lớp học hệ không tập trung, nếu có nhu cầu học các lớp hệ tập trung và được thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý đồng ý thì được tham gia dự tuyển lớp hê tập trung thì đến Quy chế mới quy định rõ nữ từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên học hệ không tập trung.
          Thứ hai, Quy chế mới quy định và phân cấp rõ trách nhiệm và thẩm quyền quản lý học viên, cụ thể: nếu Quy chế cũ quy định Ban Giám hiệu xem xét, quyết định việc học viên nghỉ học thì đến Quy chế mới quy định rõ Hiệu trưởng hoặc phó Hiệu trưởng được Hiệu trưởng ủy quyền xem xét, quyết định việc học viên xin nghỉ học từ 2 buổi trở lên và phân cấp cho trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học xem xét, quyết định việc học viên xin nghỉ học 01 buổi.
           Thứ ba, Quy chế mới quan tâm hơn đến quyền lợi của chủ nhiệm lớp: nếu Quy chế cũ quy định chủ nhiệm lớp giữ ngạch giảng viên thì cứ chủ nhiệm 01 lớp được giảm 5% định mức giờ chuẩn; chủ nhiệm lớp không giữ ngạch giảng viên, được tính 60 giờ làm việc/lớp/khóa học thì đến Quy chế mới quyền lợi của chủ nhiệm lớp được nâng lên: chủ nhiệm lớp giữ ngạch giảng viên thì cứ chủ nhiệm 01 lớp được giảm 15% định mức giờ chuẩn của ngạch đang giữ; chủ nhiệm lớp không giữ ngạch giảng viên, được tính 80 giờ lao động/lớp/khóa học.
          Thứ tư, về tổ chức thi hết phần học: Quy chế mới bổ sung, quy định rõ một số điểm mới: phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học phối hợp với khoa chủ trì giảng dạy tham mưu hiệu trưởng ra quyết định thành lập ban coi thi, ban chấm thi hết học phần. Ban coi thi gồm có: Trưởng ban là đại diện lãnh đạo trường, 01 người của khoa và 01 người của phòng chức năng. Trường hợp lớp không đặt tại trường, có thể bố trí 01 người của trường và 01 người của cơ sở liên kết. Ban chấm thi gồm có: Trưởng ban là đại diện lãnh đạo trường; thư ký là đại diện lãnh đạo phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; 02 giảng viên chuyên môn giảng dạy chấm thi; 01 người làm phách là chuyên viên của phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học. Căn cứ định mức giờ chuẩn giảng dạy, lãnh đạo trường bố trí giảng viên kiêm nhiệm tham gia chấm thi, hỏi thi bảo đảm phù hợp với thực tiễn của trường. Mỗi bài thi do 02 người chấm. Điểm bài thi là điểm trung bình cộng của 2 người chấm. Trường hợp 2 người chấm lệch nhau từ 2 điểm trở lên thì Trưởng ban chấm thi quyết định chấm lại. Nếu chấm lại, điểm do 2 người chấm vẫn lệch nhau từ 2,0 điểm trở lên thì Trưởng ban chấm thi quyết định cách tính điểm thi hết học phần và đó là kết quả cuối cùng. Kết quả thi hết phần học được công bố sau 5 ngày làm việc kể từ ngày thi.
          Thứ năm, về nghiên cứu thực tế: Nếu như Quy chế cũ chỉ quy định việc viết và chấm bài thu hoạch nghiên cứu thực tế, phúc tra kết quả thi, thu hoạch nghiên cứu thực tế tại 2 điều (Điều 23, Điều 24) thì Quy chế mới đã tách nghiên cứu thực tế thành mục riêng (Mục 2) gồm 3 điều (Điều 21, 22 và 23) và quy định rõ: về thời điểm, nhà trường bố trí cho học viên đi nghiên cứu thực tế sau khi đã học xong ít nhất 02 học phần; nội dung nghiên cứu thực tế gắn với kiến thức đã học trong chương trình trung cấp lý luận chính trị…Về thành lập đoàn đi nghiên cứu thực tế: Quy chế quy định trên cơ sở đề xuất của phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, lãnh đạo nhà trường quyết định thành lập các đoàn đi nghiên cứu thực tế; mỗi lớp thành lập từ 01 đến 03 đoàn. Trưởng đoàn có thể là cán bộ, giảng viên khoa chuyên môn, chủ nhiệm lớp. Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học theo dõi, đôn đốc các đoàn thực hiện kế hoạch nghiên cứu thực tế. Về viết và chấm bài thu hoạch nghiên cứu thực tế, ngoài những điểm đã được quy định trong Quy chế cũ, quy chế mới bổ sung: trong 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc nghiên cứu, đoàn xây dựng báo cáo kết quả hoạt động nghiên cứu thực tế nêu rõ kết quả và những việc chưa làm được, đề xuất, kiến nghị với nhà trường, địa phương, cơ quan, đơn vị những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày kiết thúc nghiên cứu, học viên viết thu hoạch theo nội dung của chương trình. Khoa và cán bộ, giảng viên được lãnh đạo nhà trường giao tổ chức đưa học viên đi nghiên cứu thực tế chấm bài thu hoạch. Mỗi bài thu hoạch do 02 người chấm độc lập (trong đó có trưởng đoàn) trường hợp lệch nhau từ 2,0 điểm trở lên, lãnh đạo nhà trường phân công chấm lại và quyết định.
           Thứ sáu, về học bổ sung, học lại, thi bổ sung, thi lại: Quy chế mới tách ra thành mục riêng (Mục 3) và quy định rõ việc học lại, học bổ sung; rút ngắn thời gian thi lại tốt nghiêp, cụ thể: nếu quy chế cũ quy định được tổ chức sau 06 tháng kể từ ngày công bố kết quả thi tốt nghiệp thì Quy chế mới đã rút ngắn thời gian trên là sau ít nhất 3 tháng.
           Thứ bảy, về nội dung, tổ chức thi tốt nghiệp và điều kiện viết khóa luận tốt nghiệp: Nội dung thi tốt nghiệp quy chế mới có sự thay đổi cho phù hợp với chương trình đạo tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) ban hành kèm theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG, ngày 21/1/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cụ thể: Thi tốt nghiệp gồm 3 bài thi thuộc 3 khối kiến thức: khối kiến thức thứ nhất gồm: Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khối kiến thức thứ hai gồm: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; Xây dựng Đảng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Khối kiến thức thứ ba gồm: Nội dung cơ bản về nhà nước và pháp luật Việt Nam; Quản lý hành chính nhà nước; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
           Quy chế đào tạo mới cũng bổ sung một số điểm mới về tổ chức thi tốt nghiệp, cụ thể: nếu Quy chế cũ quy định “mỗi khoa ra 05 đề thi và đáp án tốt nghiệp kèm theo, gửi về Ban giám hiệu trước khi thi ít nhất 05 ngày”, không quy định số lượng mỗi phòng thi tốt nghiệp là bao nhiêu học viên; thời gian thông báo danh sách, số báo danh người dự thi, địa điểm, thời gian, nội quy thi trước khi thi là 05 ngày thì Quy chế mới quy định rõ: “Ban đề thi ra 3 đề thi, đáp án cho mỗi khối kiến thức và gửi cho Chủ tịch Hội đồng trước thời điểm thi ít nhất 3 ngày; mỗi đề thi có từ 2 đến 3 câu hỏi, đảm bảo kiến thức cơ bản, phát huy khả năng liên hệ thực tiễn, tính chủ động, sáng tạo của học viên; Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp thẩm định, quyết định và niêm phong đề thi; đại diện học viên mỗi phòng bắt thăm 1 trong 3 đề đã được niêm phong để chọn đề thi tốt nghiệp”; phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học lập danh sách, số báo danh người dự thi, thời gian dự thi, niêm yết danh sách người dự thi tại phòng thi trước khi thi ít nhất 2 ngày. Mỗi phòng thi tối đa 30 học viên.
            Về điều kiện viết khóa luận tốt nghiệp: quy chế mới bổ sung thêm quy định điểm trung bình các học phần, điểm thu hoạch đạt từ 7,0 trở lên, không có học phần nào thi lại; điểm rèn luyện đạt loại tốt.
            Thứ tám, về nội dung và cách tính điểm chuyên cần trong học tập: So với Quy chế cũ thì Quy chế mới bổ sung cách điểm chuyên cần ngoài dựa vào thời gian học viên tham gia học tập trên lớp còn dựa vào thời gian học viên đi nghiên cứu thực tế và chia chi tiết thành 5 mức: Tham gia 100% thời lượng chương trình: 04 điểm; tham gia từ 90% đến dưới 100% thời lượng chương trình: 03 điểm; tham gia từ 75%  đến dưới 90% thời lượng chương trình: 02 điểm; tham gia từ 50%  đến dưới 75% thời lượng chương trình: 01 điểm; tham dưới 50% thời lượng chương trình: 0 điểm (Quy chế cũ chia thành 3 mức).
           Thứ chín, Quy chế mới bổ sung quy định về thu hồi bằng và hủy bỏ bằng; trong trường hợp bằng bị mất, Quy chế cũ quy định: “Sau khi tiếp nhận đơn đề nghị cấp lại bằng, Hiệu trưởng giao Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học kiểm tra, đối chiếu với sổ gốc bằng. Nếu đúng Hiệu trưởng cấp lại bằng” thì Quy chế mới quy định trường hợp trên không cấp lại bằng mà chỉ cấp bản sao bằng tốt nghiệp.
           Có thể thấy, Quy chế đào tạo trung cấp lý luận chính trị có khá nhiều điểm mới so với quy chế trước đó, những điểm mới này phù hợp với quan điểm chỉ đạo mới và tình hình thực tiễn ở các địa phương. Đây là cơ sở quan trọng giúp các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn trong thời gian tới.  

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8093333

Đang Online : 5023