Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 1 năm 2022

Ngày Đăng:3/22/2022 11:05:00 AM Lượt xem: 640

Một số trao đổi khi giảng dạy Học phần Quản lý hành chính Nhà nước thuộc chương trình đào tạo
Trung cấp lý luận chính trị
 
Thạc sĩ, GVC Vi Thị Thu Hiền
Khoa Nhà nước và pháp luật
 
          Ngày 21/01/2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị). Chương trình có thời gian đào tạo là 1.056 tiết, đối với lớp hệ tập trung học liên tục 06 tháng x 22 ngày/tháng x 8 tiết/ngày; đối với lớp hệ không tập trung học 12 tháng. Sử dụng phương pháp dạy, học tích cực, trong từng bài giảng, chuyên đề, thời lượng giảng lý thuyết khoảng 3/4, thời lượng thảo luận khoảng 1/4 tổng thời gian đào tạo.
           Học phần Quản lý hành chính nhà nước có 76 tiết học lý thuyết, thảo luận trên lớp với 09 bài (giảm 02 bài so với giáo trình năm 2017) được kết cấu hợp lý. Bài đầu tiên trang bị kiến thức lý luận chung về quản lý hành chính nhà nước, 8 bài tiếp theo trang bị kiến thức quản lý nhà nước về các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội ở cơ sở như quản lý cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, quản lý ngân sách địa phương, quản lý đất đai, địa giới hành chính và xây dựng, quản lý kinh tế, quản lý văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, quản lý xây dựng, địa giới hành chính, cải cách hành chính kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.
           Nội dung các bài của học phần được xây dựng theo hướng cụ thể, mở rộng hơn với mục tiêu không chỉ trang bị kiến thức cơ bản, tổng quan về quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực, mà còn cung cấp nội dung về quản lý hành chính trong từng lĩnh vực theo từng giai đoạn cụ thể. Vì thế mặc dù số bài trong phần học giảm nhưng số tiết nghiên cứu, học tập lại nhiều hơn so với giáo trình năm 2017. Từ nội dung và thời lượng giảng dạy của giáo trình hiện nay đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới cho giảng viên và học viên trong việc nghiên cứu học phần Quản lý hành chính nhà nước.
          Qua nghiên cứu, soạn bài, thông qua các bài trong học phần Quản lý hành chính nhà nước, tôi có một số trao đổi khi giảng dạy phần học này như sau:
          Thứ nhất, đối với giảng viên, khi nghiên cứu soạn giảng cần tập trung tìm hiểu những nội dung cụ thể theo từng lĩnh vực trong giáo trình mới, có sự so sánh để tìm ra những điểm mới nổi bật về nội dung trong từng bài cụ thể của học phần hiện nay so với học phần trong giáo trình năm 2017. Cùng với đó là đánh giá sự phù hợp, tính logic và tính khoa học của những điểm mới được xây dựng, nêu ra trong giáo trình hiện nay. Hoạt động này sẽ giúp giảng viên có cái nhìn tổng quan, chặt chẽ trong quá trình lên lớp giảng dạy.
          Bên cạnh việc tiếp thu các ý kiến góp ý của khoa khi thông qua bài, giảng viên cần bổ sung, cập nhật kịp thời những quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh Tuyên Quang; thông tin mang tính thời sự, thực tiễn có liên quan đến từng lĩnh vực quản lý được đề cấp đến trong giáo trình. Hoạt động quản lý hành chính nhà nước diễn ra hằng ngày, trên nhiều lĩnh vực gắn với hoạt động của các tổ chức, cá nhân vì vậy giảng viên cần phải lấy thực tiễn để làm rõ những vấn đề mang tính lý luận trong bài, làm nổi bật quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước hiện nay về những lĩnh vực quản lý đó.
           Quá trình nghiên cứu và giảng dạy giảng viên cần lồng ghép khéo léo nội dung lý luận và thực tiễn, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, hài hòa, gắn với hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tại địa phương nơi học viên công tác hoặc cư trú; có thể liên hệ với việc thực thi chức trách, nhiêm vụ được giao của học viên có liên quan đến lĩnh vực quản lý. Trong một số nội dung cụ thể của bài giảng, giảng viên chủ động nghiên cứu, phân tích để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, có lập luận, chứng minh để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
          Nghiên cứu, kết hợp hài hòa phương pháp giảng dạy truyền thống và tích cực, sử dụng phương tiện giảng dạy hợp lý, khoa học, phù hợp với nội dung, yêu cầu của bài học nhằm tạo không khi sôi nổi cho lớp, giúp học viên nắm chắc được kiến thức của bài, góp phần vào hiệu quả của cả học phần. Giảng viên cần vận dụng linh hoạt các kỹ năng trong xử lý tình huống trên lớp, đặc biệt khi có những câu hỏi, ý kiến thắc mắc từ thực tiễn hoặc quan điểm mang tính phản biện từ của học viên.
          Thứ hai, đối với học viên, Quản lý hành chính nhà nước là phần học có nội dung khá phong phú và sinh động nên học viên cần phải chủ động, tự giác nghiên cứu nội dung bài học. Trên lớp cần lắng nghe, phối hợp với giảng viên, đồng thời tích cực đưa ra những câu hỏi, ý kiến, tham gia, trao đổi, phản biện; chia sẻ những sáng kiến, cách làm hay trong thực tiễn có liên quan đến nội dung học tập, nghiên cứu; chỉ ra những bất cập trong hoạt động quản lý, khó khăn, thách thức trong áp dụng pháp luật.
          Tóm lại, để học phần Quản lý hành chính nhà nước đạt được hiệu quả cần có sự nỗ lực, cố gắng của giảng viên trong nghiên cứu, giảng dạy, sự giúp đỡ của khoa chuyên môn, các đồng nghiệp, ý kiến góp ý của Hội đồng khoa học; trên lớp cần chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa giảng viên và học viên trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy. Sau khi kết thúc học phần, học viên nắm được kiến thức cơ bản về quản lý hành chính nhà nước để vận dụng vào công việc và trong cuộc sống; giảng viên tiếp tục rút kinh nghiệm bài giảng để ngày càng hoàn thiện ở các lớp tiếp theo.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8091381

Đang Online : 3067