Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 1 năm 2022

Ngày Đăng:3/22/2022 11:06:00 AM Lượt xem: 348

Cần thúc đầy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở tỉnh Tuyên Quang                            
                        
TS, GVC Nguyễn Văn Hòa
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 
            Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là gì ?
          Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) được nhen nhóm ở Hội chợ Công nghệ Hanovo (Đức) năm 2011, với các mũi nhọn gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), rô-bốt, công nghệ na-no, dữ liệu lớn (Big Data), in-tơ-net kết nối vạn vật (Iot), điện toán đám mây (Cloud Computing), công nghệ in 3D… Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy phát triển chuyển đổi số, kinh tế số và toàn cầu hóa số.
           Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Hay chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới. Để chuyển đổi số trước hết cần thực hiện “số hóa”- là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số. “Chuyển đổi số” là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. “số hóa” là một phần của quá trình “chuyển đổi số”.
            Khác với kinh tế tri thức (phụ thuộc trực tiếp vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức, thông tin), kinh tế số vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số. Công nghệ số tạo ra sự kết nối trực tiếp giữa các chủ thể và chu trình vận hành kinh tế, giúp tối ưu hóa kết nối các quá trình xử lý vật liệu, năng lượng và thông tin, lược bỏ nhiều khâu trung gian và gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy toàn cầu hóa số. Công nghệ số hiện đang được nhiều quốc gia sử dụng như một phương thức tối ưu nhằm phát triển kinh tế, xã hội, y tế nhằm đối phó với tác động to lớn của đại dịch Covid-19 và cả sự phát triển trong tương lai.
            Tại sao phải thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ?
          Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, kinh tế số trở nên phổ biến và là xu hướng tất yếu đối với bất kỳ quốc gia nào, địa phương nào nếu không muốn tụt lại phía sau. Cuộc cách mạng này thúc đẩy phát triển kinh tế số sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam cũng như các địa phương còn chưa phát triển nhanh thực hiện phương thức phát triển đi tắt, đón đầu, giúp đạt được ý chí khát vọng phát triển, bứt phá, vươn lên. Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, phát triển kinh tế số sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế tham gia nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid - 19 sẽ còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế xã hội. Chuyển đổi số là động lực của phát triển kinh tế.
          Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Đảng ta đã xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm:… kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; ... đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững[1]
           Tỉnh Tuyên Quang có cần thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ?
           Tỉnh Tuyên Quang rất cần thực hiện nhanh, hiệu quả việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, vì: cùng với cả nước tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế; do quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chưa phát triển nhanh và bền vững; do vị trí địa lý của tỉnh nằm khá sâu trong nội địa, khá xa các trung tâm kinh tế lớn, điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh còn chưa thật thuận lợi cho phát triển kinh tế: đến nay chưa có đường cao tốc (tỉnh thực tế chỉ đang xây dựng 1 tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai), đường hàng không, đường sắt. Bên cạnh đó, hạ tầng chuyển đổi số còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu[2]… Cùng với đó, tỉnh đang thực hiện phát triển sản xuất hàng hóa mạnh mẽ, với nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn rất cần được kết nối hiệu quả để tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển. Do vậy, tỉnh rất cần nắm bắt ngay xu hướng mới này để phát triển bứt phá kinh tế nhanh, bền vững hơn.
           Đại hội đại biểu lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh đã xác định 3 khâu đột phá trong đó nội dung trong khâu đột phá thứ 3 là …phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại. Thực hiện định hướng này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 22/6/2021 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin. Thực hiện nội dung các nghị quyết trên, thời gian qua, tỉnh cũng đã nỗ lực giành được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi.
          Tỉnh Tuyên Quang cần làm gì để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số hiệu quả ?
          Thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần quyết liệt đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TU, ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tạo quyết tâm chính trị mạnh mẽ chỉ đạo thực hiện trên địa bàn tỉnh.
          Thứ hai, tỉnh nên thành lập Ban chỉ đạo chuyên trách về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số (có thể nâng cấp Ban chỉ đạo chuyển đổi số hiện nay của tỉnh) do lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo, trong đó có các ngành chuyên môn: thông tin và truyền thông, kế hoạch và đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công an…cùng lãnh đạo các huyện, thành phố. Lực lượng này phải tinh thông, có năng lực am hiểu. Có kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện. Có giao ban từng tuần, tháng để quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Cần chọn những việc, khâu đột phá phù hợp với điều kiện của tỉnh để chỉ đạo đạt hiệu quả.
          Thứ ba, Hội đồng nhân dân tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách thuận lợi hỗ trợ cho thực hiện chuyển đổi số; dành ưu tiên nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính thỏa đáng để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên địa bàn.
          Thứ tư, tỉnh cần tranh thủ tốt sự chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ ngành trung ương về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Tích cực học tập kinh nghiệm từ bên ngoài (kinh nghiệm của các tỉnh bạn đang thực hiện khá tốt; các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ trong nước và cả từ nước ngoài) vận dụng phù hợp với điều kiện của tỉnh để thực hiện hiệu quả.
          Thứ năm, cần thực hiện tuyên truyền sâu rộng tới lãnh đạo các cấp từ tỉnh tới cơ sở, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân, các tổ chức kinh tế biết, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mỗi người dân. Từ đó, mỗi người dân thực hiện hiệu quả việc sử dụng, phổ cập công nghệ số.
            Thứ sáu, tỉnh cần quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại. Chú ý phải đi ngay vào hiện đại khi phát triển hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ kết nối sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tăng khả năng kết nối tiếp cận thông tin, dữ liệu để tăng cơ hội kinh doanh mới và tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị của hàng hóa (trong cả nước và cả trên thế giới). Phát triển mạnh hạ tầng số, công nghiệp công nghệ, dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai. Tích cực kết nối liên thông phát triển trên các nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số, thương mại điện tử, nông nghiệp số, du lịch số, họp, học trực tuyến…để thúc đẩy tăng năng suất lao động địa phương.
          Thứ bảy, thực hiện hiệu quả việc đầu tư, thu hút, đào tạo bồi dưỡng, đãi ngộ, tạo môi trường thuận lợi để có nhiều đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số để tham mưu, thực hiện tốt việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số tại tỉnh.
          Thứ tám, tăng cường khuyến khích, đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số, doanh nghiệp công nghệ số…tại tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
          Thứ chín, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các nội dung chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Cần chỉ đạo các ngành chức năng đặc biệt là Sở thông tin và truyền thông và Công an tỉnh quản lý được các nguy cơ và rủi ro trên không gian mạng, đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tạo điều kiện để việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đạt hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh.
            Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một xu thế tất yếu, là cách thức để có thể phát triển nhanh, bền vững nên rất cần được chú trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng, hiệu quả tạo điều kiện cho sự bứt phá đi lên trong thời gian tới của tỉnh Tuyên Quang./.
 

[1] Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
[2] Đánh giá của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tuyên Quang ngày 25/12/2021 (Trang Người Tuyên Quang)

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8090643

Đang Online : 2329