Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 1 năm 2022

Ngày Đăng:3/22/2022 11:03:00 AM Lượt xem: 387

Bảo tồn, phát huy các giá văn hóa dân tộc thiểu số huyện Lâm Bình,  tỉnh Tuyên Quang
 
Trịnh Thị Thứ
Giảng viên phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
 
           Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Hiện nay, trước những thách thức đặt ra của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, càng phải chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII Đảng ta cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đó là chú trọng bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số.
            Là một huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, Lâm Bình là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn... mỗi một dân tộc có những nét riêng biệt về phong tục, tiếng nói, trang phục, chữ viết, ẩm thực, lễ hội, kiến trúc, âm nhạc… tạo ra một bức tranh văn hóa đa sắc màu, vừa đen xen, vừa giao thoa trong một không gian văn hóa chung của huyện vùng cao. Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, nên trong những năm qua công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Lâm Bình được quan tâm, đầu tư với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện về cả vật chất và tinh thần, cụ thể:
            Thứ nhất, Công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, quảng bá di sản văn hoá tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn
            Các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về gìn giữ, bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện, như: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020”; Chương trình hành động số 37-CTr/HU ngày 15/10/2014 của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… Vận động nhân dân giữ gìn không gian văn hóa, kiến trúc nhà ở, cảnh quan truyền thống; vận động, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên sử dụng trang phục, ngôn ngữ truyền thống của dân tộc mình,…
          Giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số như Lễ hội, ẩm thực, sản phẩm thổ cẩm… thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Mạng xã hội zalo, facebook, youtube, Cổng thông tin điện của huyện và phối hợp với các công ty lữ hành để kết nối khách du lịch.
          Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện quan tâm làm tốt công tác giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đến nhân dân, đặc biệt là học sinh trên địa bàn huyện thông qua các chương trình ngoại khóa, tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Tổ chức các lớp dạy: hát Then, đàn Tính, hát Quan Làng, hát Páo Dung, múa Khèn,… Tổ chức cho học sinh mặc trang phục dân tộc truyền thống 2 buổi/tuần. Phát động nhân dân thường xuyên mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, vận động mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân may ít nhất 01 bộ trang phục của dân tộc mình.
            Phục dựng và duy trì tổ chức các nghi lễ, lễ hội truyền thống: Lễ hội Lồng Tông, Lễ hội Nhảy lửa (tổ chức 01 lớp/năm truyền dạy, thực hành nghi lễ Nhảy lửa tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang), Lễ Cấp Sắc, hát Quan làng; khôi phục và duy trì một số nghề thủ công truyền thống: Nghề vẽ sáp ong trên vải, làn khèn Mông, dệt thổ cẩm dân tộc Tày, dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn, đan lát…
             Thứ hai, bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số
            Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện đã duy trì tổ chức các nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, như: Lễ hội Lồng tông, lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà thẻn, lễ Cấp sắc; ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình.
Thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên của 100 đội văn nghệ thôn, bản, cơ quan, trường học; 05 câu lạc bộ hát Then, đàn Tính, 05 đội văn nghệ biểu diễn phục vụ khách du lịch; 01 Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao.
             Vận động nhân dân giữ nguyên hiện trạng, kiến trúc nhà ở, các trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực, khôi phục và duy trì một số nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch: Mô hình du lịch cộng đồng (homestay) tại 05 thôn; các nghề thủ công truyền thống: Nghề vẽ sáp ong trên vải, làn khèn Mông, dệt thổ cẩm dân tộc Tày, dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn, đan lát, làm bún truyền thống; các trò chơi dân gian: Tung còn, đánh Pam, Yến, kéo co, đẩy gậy, nhảy sạp,… được duy trì tổ chức thường xuyên để phục vụ khách du lịch, các dịp lễ hội của huyện, xã.
           Thứ ba, việc xây dựng đời sống văn hóa và môi trường phát triển văn hóa phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số
           Các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay toàn huyện có 68/70 thôn bản có nhà văn hóa, có 8/8 xã có nhà văn hóa đang hoạt động, có 04/8 nhà văn hóa xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thường xuyên chỉ đạo, xây dựng tổ chức phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong huyện.
           Hiện nay trên địa bàn huyện có 8/8 đội văn nghệ quần chúng xã, trên 100 đội văn nghệ quần chúng cơ quan, trường học, thôn bản duy trì thường xuyên. Số buổi biểu diễn của các đội văn nghệ quần chúng trên 200 buổi/năm.
          Giao lưu văn hóa giữa các địa phương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia các sự kiện văn hóa tại các địa phương trong và ngoài tỉnh: Ngày hội văn hóa dân tộc Dao, Ngày hội văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội, các sự kiện du lịch,… thông qua đó, tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, đoàn kết, phát huy được giá trị văn hóa của các dân tộc, đồng thời quảng bá giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh.
          Thứ tư, việc gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số
          Đi đôi với việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân xã triển khai, thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch của Huyện ủy, kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện về phát triển kinh tế du lịch. Tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn không gian, cảnh quan, kiến trúc nhà ở, văn hóa truyền thống, dịnh hướng phát triển du lịch cộng đồng (homestay) ở các điểm có lợi thế. Đến nay đã có 24 hộ tham gia mô hình du lịch cộng đồng; các dịch vụ tàu, thuyền, quán ăn, đồ lưu niệm, dịch vụ trải nghiệm. Bước đầu tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Đồng thời đẩy mảnh xúc tiến, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, các sự kiện văn hóa của huyện, sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu đến du khách.
          Cụ thể hóa quan điểm tôn trọng tính đa dạng văn hóa và chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của Đảng, trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Lâm Bình đã có nhiều cách làm hiệu quả, nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở cần thực hiện đồng bộ một số  giải pháp như: có những chủ trương phù hợp để khuyến khích và hỗ trợ người dân bảo tồn các giá trị văn hóa; bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa tại các khu dân cư; phát huy vai trò làm du lịch của người dân bản địa gắn với quảng bá về văn hóa địa phương…/.
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8091381

Đang Online : 3067