Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 1 năm 2022

Ngày Đăng:3/22/2022 11:02:00 AM Lượt xem: 359

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang
 
Nguyễn Thị Khánh Anh
Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật

 
          Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), nghiên cứu thực tế (NCTT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường chính trị tỉnh được quy định tại Quy định số 09-QĐ/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thông qua NCKH, đội ngũ giảng viên được củng cố kiến thức lý luận và tìm tòi, phát hiện ra những luận chứng phục vụ cho công tác giảng dạy; được rèn luyện kỹ năng tư duy khoa học, bổ sung thêm kiến thức thực tiễn phong phú, đa dạng. Chất lượng công tác giảng dạy chính là phản ánh năng lực NCKH của giảng viên. Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tốt sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên của trường chính trị.  
          Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của công tác NCKH, NCTT, trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2021, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh luôn quan tâm, đẩy mạnh chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này và đã đạt được kết quả đáng khích lệ, cụ thể:
          Thứ nhất, đối với công tác chỉ đạo điều hành: trong các cuộc họp thường kỳ Đảng ủy, Ban Giám hiệu thường xuyên lãnh, chỉ đạo công tác này; ngay từ đầu năm nhà trường đã ban hành kế hoạch NCKH, NCTT. Trên cơ sở đó, các khoa, phòng chủ động tổ chức thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, tạo nền nếp trong công tác NCKH, NCTT.
         Thứ hai, đối với công tác NCKH: trong năm 2021, nhà trường đã tổ chức 03 hội thảo khoa học cấp trường với tổng số 36 bài tham luận với chủ đề: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường về chủ trương, quan điểm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, sai trái, thù địch, củng cố niềm tin, giữ vững mối quan hệ Nhân dân với Đảng, Nhà nước; “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc”, hội thảo đánh giá sâu sắc về tầm vóc và ý nghĩa to lớn của sự kiện trọng đại đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam; nghiên cứu nhận thức, thể hiện sự tôn kính của cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc; “Nghiên cứu, đánh giá việc sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”. Hội thảo nghiên cứu đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Các khoa chuyên môn tổ chức 09 hội thảo khoa học cấp khoa với 78 lượt người tham gia, với các chủ đề phong phú, thiết thực phục vụ cho công tác giảng dạy của giảng viên như: Nghiên cứu Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, phục vụ giảng dạy các phần học của khoa Nhà nước và pháp luật; Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Tuyên Quang;  Những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng - Vận dụng vào giảng dạy phần I- Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của khoa Lý luận cơ sở; Giải pháp nâng cao chất lượng giờ thảo luận trong các phần học của khoa Xây dựng Đảng…
            Năm 2021, các khoa phòng tổ chức thực hiện 05 đề tài khoa học cấp trường: "Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang" của khoa Xây dựng Đảng; "Nâng cao hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố sau khi sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang" của khoa Nhà nước và pháp luật; "Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang" của khoa Lý luận cơ sở; "Giải pháp giảm nghèo đa chiều bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025" của phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu; "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang" của phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học. Kết quả, 5/5 đề tài đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu trong đó 4/5 đề tài đạt xuất sắc. Các đề tài khoa học được đánh giá là những sản phẩm mới, có tính khoa học và thực tiễn, giúp giảng viên có thời gian nghiên cứu sâu, nắm chắc kiến thức chuyên môn, đồng thời bổ sung kiến thức thực tiễn, từng bước nghiên cứu chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
            Thứ ba, đối với hoạt động NCTT của cán bộ, giảng viên: được các khoa chuyên môn tổ chức và duy trì thường xuyên theo đúng kế hoạch của nhà trường. Năm 2021, 35/35 cán bộ, giảng viên nhà trường đi NCTT ở cơ sở với 70 lượt người. Nội dung NCTT tập trung vào những vấn đề mới, những vấn đề còn vướng mắc ở cơ sở như: Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số ở huyện Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang;  Hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của các xã, phường trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở các xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa…Thông qua hoạt động  NCTT giúp cho giảng viên có cái nhìn cụ thể, sâu sát hơn về cơ sở, sự vận dụng lý luận vào thực tiễn, những tình huống nẩy sinh trong thực tiễn cần giải quyết, những giải pháp, kiến nghị đối với địa phương về nội dung NCTT, bài học kinh nghiệm vận dụng vào lý luận thực tiễn, quá trình giảng dạy... Hoạt động  NCTT có thể do giảng viên tự liên hệ, hoặc do các khoa tổ chức theo kế hoạch đã được Ban Giám hiệu phê duyệt. Sau khi NCTT giảng viên viết bài thu hoạch, Hội đồng khoa học nhà trường chấm điểm. Kết quả NCTT 100% bài đều đạt yêu cầu trở lên.
           Có thể thấy nhờ thực hiện tốt hoạt động NCKH, NCTT nên chất lượng của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường ngày càng nâng lên. Hiện nay nhà trường có 45 cán bộ, giảng viên, nhân viên trong đó có 35 giảng viên (01 giảng viên có trình độ tiến sĩ; 30 giảng viên có trình độ thạc sỹ; 04 cử nhân; 21 giảng viên có trình độ cao cấp chính trị; 16 giảng viên chính). Với đội ngũ giảng viên ngày càng trưởng thành, phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong thời gian qua nhà trường, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ do Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Riêng năm 2021 nhà trường đã mở được 07 lớp Trung cấp lý luận chính trị với 638 học viên; 06 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chuyên viên và chuyên viên chính;  05 lớp bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng, với 17 lớp bồi dưỡng trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; 16 lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo vị trí việc làm cho công chức khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
            Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được công tác NCKH, NCTT của nhà trường còn có một số khó khăn, hạn chế như: do ảnh hưởng tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động NCKH, NCTT chưa thực hiện đúng thời gian theo kế hoạch; một số giảng viên chưa xác định được nội dung cần nghiên cứu, việc nghiên cứu còn hình thức chung chung, chất lượng một số báo cáo thực tế chưa cao, một số giảng viên chưa coi trọng công tác nghiên cứu thực tế...
            Để duy trì kết quả đạt được, khắc phục hạn chế nhằm nâng cao hơn hoạt động NCKH, NCTT trong thời gian tới Đảng uỷ, Ban giám hiệu, các khoa, phòng cần tập trung một số giải pháp sau:
            Một là, công tác NCKH phải được đặt lên ngang hàng với công tác dạy và học. Nhà trường cần tiếp tục khuyến khích giảng viên tìm ra cái mới, làm ra cái mới, có sản phẩm cụ thể trong NCKH. Xây dựng môi trường thi đua trong hoạt động NCKH, coi trọng những chủ đề thiết thực, sáng tạo, có tính ứng dụng, thu hút được nhiều cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường tham gia nghiên cứu.
           Quá trình xây dựng, nghiên cứu, tổ chức thực hiện và nghiệm thu sản phẩm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đề cao sự công tâm, khách quan, trách nhiệm của các thành viên được tham gia đánh giá.
           Hai là, Nhà trường tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và đổi mới cách thức tổ chức, quản lý chặt chẽ hơn việc đi nghiên cứu thực tế hằng năm của giảng viên; yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa việc đi nghiên cứu thực tế với nhiệm vụ NCKH và chuyên môn giảng dạy của giảng viên; góp phần tháo gỡ những vấn đề thực tiễn đặt ra của địa phương, cơ sở. 
          Ba là, Ban Giám hiệu chỉ đạo các khoa chuyên môn chọn nội dung đề tài nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ của trường và yêu cầu thực tiễn của địa phương; tiếp tục nghiên cứu đổi mới cách thức nghiệm thu sản phẩm khoa học, sáng kiến kinh nghiệm của giảng viên. Một số hội thảo, tọa đàm của trường có thể mở rộng đối tượng tham gia là học viên, cán bộ, công chức ở cơ sở và những chuyên gia ở các lĩnh vực có liên quan.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8092048

Đang Online : 3735