Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 1 năm 2022

Ngày Đăng:3/22/2022 11:00:00 AM Lượt xem: 621

Tiếp tục phát huy tốt vai trò của Ban Thanh tra nhân dân Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang
 
 ThS, GVC Phùng Thị Hà
  Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng
 
          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí minh đặc biệt quan tâm đến công tác thanh tra. Theo Người, thanh tra là công tác có vai trò quan trọng trong các cơ quan, đơn vị, do vậy phải được tiến hành thường xuyên, vì nếu công tác thanh tra không được tiến hành thường xuyên sẽ dẫn tới bệnh quan liêu, mệnh lệnh và từ đó sẽ tiếp tục gây ra những tác hại to lớn khác cho sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. Có nghĩa, hoạt động thanh tra không những giúp cho người lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị thấy được kết quả và mức độ thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước; mà còn có tác dụng giúp cho việc xem xét, đánh giá những chủ trương, chính sách và pháp luật đã đề ra có đúng và có sát thực tiễn hay không. Từ kết quả thanh tra, người lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị kịp thời xem xét, điều chỉnh và có những biện pháp cụ thể thích hợp giúp cho công tác quản lý, chỉ đạo; điều hành của mình sát thực tiễn và có hiệu quả; đồng thời cũng là biện pháp để xây dựng, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, bộ máy và kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên ngày một tốt hơn. Với cách tiếp cận như vậy cho thấy thanh tra chính là cánh tay nối dài, là tai mắt của trên.
          Thực tế cho thấy, những cơ quan, đơn vị mà người lãnh đạo chú trọng công tác thanh tra và tiến hành thường xuyên hoạt động thanh tra thì không những kỷ cương, pháp luật trong quản lý duy trì mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, thúc đẩy các hoạt động của các cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý. Những nơi không chú trọng công tác thanh tra, sẽ dễ dẫn đến những vi phạm, thậm chí là vi phạm nghiệm trọng tới mức phạm tội hình sự.
           Đối với các cấp lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức khi được thanh tra kết luận sẽ giúp cho đối tượng được thanh tra nhận thức đầy đủ về ưu điểm và những vi phạm, thiếu sót của mình. Thấy được những việc làm đúng, làm tốt để tiếp tục phát huy; những việc làm chưa đúng, những sai phạm, thiếu sót để khắc phục sửa chữa và nâng cao năng lực, trách nhiệm của mình. Như vậy, thanh tra chính là đã giúp đỡ mình trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước và thanh tra cũng là “bạn của dưới”
          Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng đến công tác thanh tra, ngoài thanh tra Nhà nước còn có thanh tra nhân dân. Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân thông qua Ban thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Đây là một phương thức giám sát, kiểm tra rất có hiệu quả.
          Theo Nghị định 159/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 của Chính Phủ về Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban Thanh tra nhân nhân trong các cơ quan, đơn vị có vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn hết sức quan trọng đó là: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc sử dụng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước, sử dụng các quỹ, chấp hành chế độ quản lý tài chính, tài sản và công tác tự kiểm tra tài chính của cơ quan, đơn vị; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Kiến nghị với người có thẩm quyền giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện cơ quan, tổ chức cá nhân có dấu hiệu vi phạm và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó. Xác minh, giải quyết vụ việc khi được người đứng đầu cơ quan, đơn vị giao. Kiến nghị với người đứng đầu cơ quan, đơn vị khắc phục hạn chế, thiếu sót được phát hiện qua việc giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công nhân viên chức lao động, biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích…Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật… Theo Nghị định, Ban Thanh tra nhân dân ở các đơn vị do Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức bầu ra nhưng do Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ra quyết định chuẩn y và được Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hướng dẫn hoạt động.
          Ban Thanh tra nhân dân Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang do Hội nghị cán bộ, viên chức, nhân viên bầu ra theo nhiệm kỳ, gồm có 03 đồng chí, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2022, Ban Thanh tra nhân dân đã phát huy tốt vai trò của mình đối với các hoạt động của nhà trường. Tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn, tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh tra nhân dân.
          Ngay sau khi được thành lập, dưới sự hướng dẫn của Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các quy định của pháp luật, Ban Thanh tra nhân dân đã thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức mình trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của nhà trường, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, giảng viên, nhân viên.
           Ban Thanh tra nhân dân đã chủ động xây dựng quy chế hoạt động, chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ và hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, phân chia công việc theo từng quý trong năm. Tổ chức họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ giám sát theo kế hoạch đã đề ra.
           Các hoạt động giám sát thường xuyên được triển khai thực hiện tập trung vào các nội dung như: Việc sử dụng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước, sử dụng các quỹ, chấp hành chế độ quản lý tài chính, tài sản và công tác tự kiểm tra tài chính của nhà trường. Các chế độ, chính sách như: công tác phí, việc thực hiện nâng lương định kỳ cho cán bộ, giảng viên, thanh toán tiền vượt giờ…. Việc thực hiện Quy chế dân chủ, việc ra quyết định lãnh đạo quản lý về công tác cán bộ, quản lý chuyên môn, thi đua khen thưởng, công khai tài chính diễn ra minh bạch, tạo sự tin tưởng cao của đội ngũ cán bộ giảng viên, nhân viên trong nhà trường đối với sự quản lý, lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám Hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường.
             Bên cạnh giám sát thường xuyên, Ban Thanh tra nhân dân đã tổ chức 03 đợt giám sát đột xuất đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường về thực hiện giờ làm việc hành chính, giờ lên lớp giảng bài. Kết thúc mỗi đợt giám sát có văn bản báo cáo kết quả với Ban Giám hiệu và thông tin cho lãnh đạo các khoa, phòng để có căn cứ xếp loại thi đua của cán bộ, giảng viên, nhân viên trong tháng. Thông qua các đợt giám sát đã kịp thời đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, giảng viên, nhân viên thực hiện đúng các quy định của nhà trường.
           Ban Thanh tra nhân dân còn quan tâm tới việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên trong quá trình làm việc; sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với tinh thần trách nhiệm cao để thông tin tới các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong nhà trường kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Ban đã đề nghị với Ban Giám hiệu nhà trường mua mới 02 hòm thư góp ý để thay thế hòm thư đã cũ, có dấu hiệu hư hỏng nhằm tiếp tục đón nhận ý kiến của cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên trong nhà trường và nhân dân. Duy trì việc kiểm tra hòm thư góp ý các ngày 01 và 15 hằng tháng, qua kiểm tra trong nhiệm kỳ, các hòm thư không nhận được ý kiến nào của cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên và nhân dân.
            Có thể nói, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020 - 2022 đã bám sát các quy định của pháp luật, có chuyển biến theo hướng tích cực, dần khẳng định được vị trí, vai trò là cầu nối giữa lãnh đạo nhà trường với người lao động, góp phần thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế; bảo đảm thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên, quy chế dân chủ cơ sở.
          Kết quả hoạt động khách quan, trung thực của Ban Thanh tra nhân dân đã có tác động tích cực đến cán bộ, giảng viên, nhân viên trong việc nâng cao ý thức tự giác, phát huy được tinh thần đoàn kết của tập thể. Trong năm 2020 và 2021, nhà trường không có đảng viên, viên chức, người lao động vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy chế của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến mức phải áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo, và vụ việc phức tạp xảy ra cần giải quyết.
            Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân còn tồn tại một số hạn chế đó là: các thành viên Ban Thanh tra nhân dân lần đầu nhận nhiệm vụ, chưa có nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác thanh tra nhân dân nên chưa chủ động trong công tác tham mưu; việc nắm bắt tâm tư của cán bộ, giảng viên có lúc chưa kịp thời; hoạt động tổ chức kiểm tra, giám sát còn ít, có việc chưa được thường xuyên, liên tục.
          Để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong nhiệm kỳ mới Ban Thanh tra nhân dân nhà trường xác định tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
          Một là, thực hiện nghiêm nghị quyết, kết luận của Hội nghị cán bộ, viên chức, nhân viên của nhà trường hằng năm; thường xuyên nắm bắt và bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn trong quá trình hoạt động đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất các vấn đề có liên quan.
          Hai là, xây dựng, thực hiện chương trình công tác nhiệm kỳ, kế hoạch hoạt động giám sát năm đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường; phân công phù hợp và tạo điều kiện phát huy tốt nhất vai trò của từng thành viên Ban Thanh tra nhân dân.
          Ba là, mở rộng các lĩnh vực giám sát, trong đó chú trọng giám sát thường xuyên việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc của nhà trường đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên; giám sát thực hiện quy chế học tập của học viên; tính minh bạch, dân chủ trong các hoạt động của nhà trường.
           Bốn là, tích cực phối hợp với các khoa, phòng, tổ chức đoàn thể trong nhà trường để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giảng viên, nhân viên, tình hình thực tế của đơn vị từ đó có những kiến nghị phù hợp với Ban giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8091381

Đang Online : 3067