Nghiên cứu - Trao đổi

Một số kết quả đạt được của công tác trợ giúp pháp lý ở tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 9/5/2017 14:3 Lượt xem: 499

          Trợ giúp pháp lý là một chính sách lớn, có tính chính trị pháp lý và tính nhân văn sâu sắc của Đảng và nhà nước nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, từ đó có những hành vi ứng xử đúng pháp luật. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, trong những năm qua được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh công tác trợ giúp pháp lý ở  tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả đáng kể, trở thành một trong những hoạt động quan trọng của công tác tư pháp, tạo chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao dân trí... góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. 
          Là một tỉnh có số lượng đối tượng được trợ giúp pháp lý tương đối lớn song chủ yếu là người nghèo, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người bị khuyết tật… các đối tượng này luôn được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình từ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh và các phòng Tư pháp cấp huyện. Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ thực về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013-2020, Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 12/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013-2020 và Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 02/8/2011của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc phê duyệt Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số gắn với trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã phối hợp với các phòng Tư pháp huyện tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý với nhiều hoạt động thiết thực, nội dung và hình thức phong phú, đa dạng trong đó tập trung hướng mạnh về cơ sở, hoạt động trợ giúp pháp lý đã thực sự đi sâu vào đời sống nhân dân, mang lại nhiều kết quả quan trọng, cụ thể: từ năm 2015 đến hết năm 2016, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã thụ lý 608 vụ việc với 645 người, trong đó đã giải quyết xong 530 vụ việc với 547 người đạt tỷ lệ 87,1% về vụ việc và 84,8% về người.
          Hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động được Trung tâm đặc biệt quan tâm và xác định là nhiệm vụ chính, có ý nghĩa quan trọng. Trong hai năm, Trung tâm đã thực hiện tư vấn pháp luật, hướng dẫn pháp luật trực tiếp cho 2.041 lượt người, cung cấp 25.780 tờ gấp pháp luật cho nhân dân. Hàng năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh xây dựng kế hoạch trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của các huyện trên địa bàn tỉnh, thực hiện 14 đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến 27 địa điểm dân cư tại 14 xã trên địa bàn các huyện Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa... Kết quả đã tư vấn, hướng dẫn pháp luật 163 vụ việc cho 161 trường hợp, trợ giúp pháp lý trực tiếp cho 1.931 lượt người… mặc dù việc đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng tại các điểm trợ giúp pháp lý lưu động đã thu hút được sự tập trung theo dõi, lắng nghe của đông đảo nhân dân, qua đó thấy được niềm tin cho người dân đối với chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước, đồng thời cũng cho thấy ý thức và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân ở cơ sở. Các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm có trình độ am hiểu pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp tốt, luôn tận tình, nhiệt huyết tuyên truyền, giải thích, tư vấn pháp lý cho người dân có vướng mắc và yêu cầu trợ giúp pháp lý trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chủ yếu là lĩnh vực đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, người khuyết tật, chế độ bảo trợ xã hội… nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí góp phần giải tỏa những vướng mắc về pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí, đảm bảo công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh được tiếp cận với pháp luật.
          Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh còn thường xuyên phối hợp với chính quyền các huyện, cơ sở tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật, tuyên truyền, phổ biến những chính sách pháp luật mới, có liên quan thiết thực đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân như: Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật người Khuyết tật, chế độ bảo trợ xã hội, quy định về đăng ký hộ tịch... và cung cấp  miễn phí các tài liệu, tờ gấp tuyên truyền, phổ biến một số quy định pháp luật thiết thực, gần gũi với đời sống, sinh hoạt của nhân dân, giúp người dân tiếp cận và nắm rõ hơn về những quy định của pháp luật. Ngoài ra, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cũng đã tìm hiểu về thực trạng công tác tư pháp và hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cơ sở để có những trao đổi, hướng dẫn hoặc báo cáo với Sở Tư pháp để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Luôn chủ động "hướng về cơ sở", hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đã phát huy được tác dụng tích cực, được chính quyền cơ sở và nhân dân đồng tình ủng hộ.
          Đối với hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng: Từ năm 2015 đến 2016, Trung tâm đã thực hiện 284 vụ tham gia tố tụng cho 324 đối tượng được trợ giúp pháp lý. Trong đó, tập trung vào hai lĩnh vực chủ yếu là tố tụng hình sự và tố tụng dân sự. Trong hoạt động tố tụng, các Trợ giúp viên pháp lý thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; với tư cách người bảo vệ, quyền lợi ích hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý, trước khi tham gia vào quá trình xét xử của Tòa án các trợ giúp viên pháp lý nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, thu thập thông tin, phân tích và cung cấp các chứng cứ có giá trị về mặt pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo quy định của pháp luật; chuẩn bị bản luận cứ chi tiết; quá trình trình bày quan điểm chặt chẽ, có căn cứ làm cơ sở pháp lý mang thuyết phục... Đặc biệt, trong quá trình thực thi công vụ, trợ giúp viên pháp lý và các công tác viên giữ vững quy tắc đạo đức nghề nghiệp, có kỹ năng nghiệp vụ tốt… qua đó đã bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, các ý kiến tranh tụng cũng như đề xuất đã góp phần tích cực cho Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc đưa ra các bản án, quyết định phù hợp với pháp luật, bảo đảm được tính khách quan trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án. Đối với người được trợ giúp pháp lý là bị can, bị cáo thì các vụ việc có Trợ giúp viên pháp lý tham gia giúp cho họ có tâm lý yên tâm và tự tin hơn vì có chỗ dựa về mặt tinh thần và giúp đỡ cho họ về mặt pháp luật.
          Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, trong thời gian tới Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cần phát huy những kết quả đã đạt được, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý đến mọi người dân, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng của cán bộ thực hiện trợ giúp pháp lý, xây dựng đội ngũ cộng tác viên có trình độ pháp luật, có tâm huyết làm trợ giúp pháp lý, nhất là lực lượng luật sư, luật gia; nâng cao tính chủ động của đối tượng trợ giúp pháp lý.../.
Thạc sĩ  Hán Thị Hạnh Thúy
Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289590

Đang Online : 3205