Nghiên cứu - Trao đổi

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại Tuyên Quang

Ngày Đăng: 16/7/2025 8:57 Lượt xem: 4

          Tuyên Quang - vùng đất giàu truyền thống cách mạng và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc - không chỉ được biết đến là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, mà còn là nơi quần tụ, chung sống hài hòa của 22 dân tộc. Với dân số khoảng 921.187 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 56%, tỉnh Tuyên Quang là nơi cộng cư lâu đời của các dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Mông… và nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác. Sự đa dạng về thành phần dân tộc đã góp phần kiến tạo nên một không gian văn hóa phong phú, độc đáo, giàu bản sắc. Những giá trị truyền thống được kết tinh trong phong tục, lễ hội, tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, dân ca, dân vũ… không chỉ là di sản tinh thần quý báu mà còn là nguồn lực mềm có ý nghĩa chiến lược để phát triển các mô hình du lịch cộng đồng đặc thù, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
          Trong dòng chảy sôi động của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số không chỉ mang ý nghĩa gìn giữ bản sắc, mà còn là yếu tố nền tảng cho chiến lược phát triển du lịch bền vững. Đây không đơn thuần là nhiệm vụ của ngành văn hóa, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và chính cộng đồng dân cư địa phương.
          Văn hóa dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang được thể hiện phong phú trong đời sống sinh hoạt hằng ngày: từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, tri thức sản xuất nông nghiệp truyền thống, kiến trúc nhà sàn, cho đến các lễ hội dân gian như lễ hội Lồng tông của người Tày, Nhảy lửa và Cấp sắc của người Dao, Gầu Tào của người Mông, lễ cầu mùa của người Cao Lan… Các làn điệu dân ca như Then, Cọi, Páo dung, Sình Ca và các nhạc cụ truyền thống như đàn tính, sáo, khèn, kèn lá… không chỉ là phương tiện nghệ thuật mà còn là “tiếng nói tâm hồn” của cộng đồng, ẩn chứa chiều sâu văn hóa, triết lý sống và thế giới quan dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một. Việc khơi dậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ấy không chỉ mang ý nghĩa giữ gìn “hồn cốt” dân tộc mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
          Nhận thức rõ vai trò của văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã nhấn mạnh giải pháp “gắn kết chặt chẽ phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc”. Hàng loạt chương trình, đề án trọng điểm đã được triển khai như: Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng giai đoạn 2023-2030; Kế hoạch phát triển du lịch hàng năm và đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023-2025… Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh còn ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
          Các chính sách và định hướng phát triển đó đã mang lại kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã hình thành hơn 30 mô hình du lịch cộng đồng tại các huyện Sơn Dương, Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa và Hàm Yên. Trong đó, tiêu biểu như điểm du lịch cộng đồng thôn Tân Lập (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) - nơi có hai ngôi nhà sàn gắn liền với thời gian Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng sống và làm việc. Hiện nay, nơi đây không chỉ được bảo tồn nguyên trạng mà còn được khai thác hiệu quả để phục vụ khách tham quan. Ban quản lý điểm du lịch cộng đồng Tân Lập hoạt động bài bản, có đội văn nghệ phục vụ du khách, cung cấp dịch vụ ăn nghỉ theo hình thức homestay, khôi phục và gìn giữ phong tục tập quán truyền thống. Huyện Lâm Bình là một trong những điểm sáng về phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều thôn bản như Nà Tông, Nà Đông (xã Thượng Lâm), Nà Muông (xã Khuôn Hà), Nặm Đíp (thị trấn Lăng Can)… đã hình thành các mô hình homestay đạt chuẩn, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm, tạo nguồn thu hàng tỷ đồng. Huyện Chiêm Hóa cũng tích cực phát triển du lịch cộng đồng với các điểm như Bản Ba (xã Trung Hà), thôn Biến (xã Phúc Sơn), thôn An Thịnh (xã Tân An), thôn Bó Củng (xã Kim Bình)… Các điểm du lịch đều chú trọng khai thác du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm văn hóa bản địa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm bền vững.
          Bên cạnh việc khai thác du lịch, tỉnh Tuyên Quang còn chú trọng bảo tồn, phục dựng và tổ chức các hoạt động truyền dạy văn hóa dân gian, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng - đặc biệt là các nghệ nhân và người có uy tín. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 80 nghệ nhân ưu tú được công nhận, cùng hàng chục câu lạc bộ văn hóa dân gian hoạt động hiệu quả tại các địa phương. Các lớp học truyền dạy hát Then, múa Cọi, làm nhạc cụ dân tộc, dệt thổ cẩm được tổ chức định kỳ, có hệ thống, góp phần khôi phục nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một. Đặc biệt, nhiều lễ hội như Lồng Tông của người Tày, Nhảy lửa của người Dao, Gầu Tào của người Mông… đã được phục dựng bài bản và tổ chức quy mô tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, vừa phục vụ phát triển du lịch, vừa giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.
          Một điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2024 là sự kiện “Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang” được tổ chức tại Làng văn hóa dân tộc Cao Lan (thôn Động Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn). Chương trình thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao về chất lượng tổ chức và chiều sâu văn hóa. Ngày hội là nơi hội tụ, tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân  tộc đến từ 07 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thông qua các tiết mục biểu diễn, tái hiện nghi thức truyền thống như múa phát nương tra hạt, múa kiếm cầu mùa, lễ cưới truyền thống của người Cao Lan, hát Then đàn tính của người Tày, hát giao duyên của người Pà Thẻn, múa khèn của người Mông… Cùng với đó là các hoạt động thể thao dân tộc sôi nổi như bóng chuyền hơi, việt dã, đẩy gậy, tung còn, kéo co, đua mảng ngóc với sự tham gia của gần 300 vận động viên. Những hoạt động như vậy không chỉ góp phần cụ thể hóa hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mà còn đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, phát huy vai trò của văn hóa - thể thao - du lịch trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần tự hào, gắn bó, đoàn kết giữa các cộng đồng dân cư trong tỉnh. Đây đồng thời là dịp để quảng bá hình ảnh Tuyên Quang - vùng đất đậm đà bản sắc - đến với du khách trong và ngoài nước.
          Cùng với tổ chức sự kiện và hoạt động cộng đồng, công tác truyền thông và quảng bá du lịch văn hóa cũng được tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh trên nền tảng số. Trang thông tin du lịch của tỉnh, các nền tảng mạng xã hội, kênh YouTube, Zalo, Fanpage… được kết nối và cập nhật thường xuyên, góp phần lan tỏa hình ảnh “Du lịch Tuyên Quang - bản sắc và trải nghiệm”. Tỉnh cũng đã đưa vào sử dụng ứng dụng du lịch thông minh với nhiều tính năng như bản đồ di sản - dịch vụ - lịch trình - đặt chỗ, tăng trải nghiệm người dùng, nâng cao tính tương tác và khả năng chi tiêu tại điểm đến.
          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại Tuyên Quang vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là sự mai một của nhiều giá trị văn hóa truyền thống do tác động của đời sống hiện đại, lối sống thực dụng, ảnh hưởng từ phương tiện truyền thông không kiểm soát. Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số không còn mặn mà với nghề truyền thống, lễ hội cổ truyền hay ngôn ngữ dân tộc. Một bộ phận người dân chạy theo thị hiếu du khách, khiến văn hóa dân tộc có nguy cơ bị thương mại hóa, trình diễn một cách máy móc, mất đi chiều sâu tinh thần. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch tại vùng sâu, vùng xa còn yếu kém; nguồn nhân lực làm du lịch cộng đồng chưa được đào tạo bài bản; vai trò chủ thể của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy đúng mức; liên kết vùng và chuỗi sản phẩm du lịch còn manh mún.
          Để khắc phục những hạn chế, phát huy tiềm năng và nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
          Trước hết, cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” thành các chương trình, kế hoạch cụ thể về du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Trong đó, chú trọng lồng ghép các yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số trong quy hoạch, xây dựng sản phẩm du lịch, đặc biệt ở các vùng trọng điểm như Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa.
          Thứ hai, tỉnh cần nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ dân tộc thiểu số, về giá trị văn hóa truyền thống và vai trò của mình trong việc giữ gìn, phát triển văn hóa bản địa. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch, kỹ năng ngoại ngữ, truyền thông số cho người dân bản địa. Huy động sự tham gia của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản vào công tác truyền dạy, giữ gìn và quảng bá văn hóa dân tộc. Xây dựng các câu lạc bộ văn hóa dân gian, sân khấu hóa các lễ hội truyền thống, tổ chức hội thi sáng tạo dân gian… là những cách làm hiệu quả cần được nhân rộng.
          Thứ ba, tỉnh cần tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông kết nối liên vùng, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, trạm dừng chân, hệ thống xử lý rác thải và nước sạch. Có cơ chế thu hút doanh nghiệp, tổ chức xã hội, hợp tác xã và các start-up du lịch cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Coi nhà nước là “bà đỡ chính sách”, cộng đồng dân cư là chủ thể sáng tạo, doanh nghiệp là cầu nối thị trường và công nghệ.
          Cuối cùng, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và quảng bá văn hóa dân tộc. Cần xây dựng hệ thống dữ liệu số về di sản văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, xây dựng bản đồ số các điểm du lịch gắn với yếu tố văn hóa – lịch sử – bản địa; xuất bản cẩm nang du lịch đa ngôn ngữ, phát triển các sản phẩm truyền thông trực quan, video 360 độ, tour thực tế ảo… để quảng bá hình ảnh văn hóa Tuyên Quang tới cộng đồng quốc tế.
          Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch không chỉ là nhiệm vụ bảo tồn truyền thống, mà còn là động lực quan trọng cho phát triển bền vững của Tuyên Quang. Bản sắc chính là hồn cốt dân tộc, là tài sản vô giá tạo nên sức hút khác biệt cho du lịch địa phương. Khi được gìn giữ và phát huy đúng hướng, văn hóa dân tộc thiểu số sẽ trở thành nền tảng để Tuyên Quang bứt phá, nâng cao đời sống nhân dân, định hình thương hiệu, và từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch văn hóa cộng đồng của cả nước.
 
Thạc sĩ  Dương Thúy Ngọc
Khoa Lý luận cơ sở

Tin mới nhất:

Thông báo

Thông báo điều chỉnh thời gian Đại hội chi bộ khoa, phòng trực thuộc Đảng bộ Trường Chính trị nhiệm kỳ 2025 - 2027

Thông báo thời gian tổ chức Đại hội chi bộ khoa, phòng trực thuộc Đảng bộ Trường Chinh trị nhiệm kỳ 2025 - 2027

Thông báo phân công viết bài đăng Thông tin lý luận và thực tiễn; Trang Thông tin điện tử năm 2025

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 9043604

Đang Online : 46