Nghiên cứu - Trao đổi

Kết quả đạt được và giải pháp tiếp tục phát huy truyền thống 60 năm của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 3/6/2017 14:32 Lượt xem: 635


          Ngược dòng thời gian, trở về lịch sử 60 năm trước, Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang  được thành lập. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, dù với tên gọi nào, địa điểm ở đâu, điều kiện dạy và học khó khăn ra sao các thế hệ cán bộ, giảng viên nhà trường vẫn luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tỉnh uỷ giao là  “Làm công tác giáo dục, huấn luyện đảng viên, cán bộ” cho tỉnh. Hôm nay, tất cả chúng ta tự hào với những kết quả mà Nhà trường đã đạt được trong 60 năm qua:
          Một là, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
          Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang đã mở được nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước  cũng như năng lực công tác cho hàng trăm cán bộ cơ sở, góp phần tích cực vào công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, ổn định và cải thiện đời sống mọi mặt cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang. Dù trong hoàn cảnh nào Nhà trường cũng luôn xác định đúng mục tiêu, phương hướng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao.
          Trong thời kỳ cả nước có chiến tranh, đổi mới đất nước, hay thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước hiện nay,  nhà trường luôn tích cực đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ngoài việc bồi dưỡng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước  và phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh. Nhà trường luôn quán triệt sâu sắc phương châm giáo dục lý luận gắn  liền với thực tiễn của Đảng, coi trọng việc nâng cao kiến thức thực tiễn cho cán bộ giảng viên, học viên. Qua đó đã giúp cho giảng viên, học viên nhận thức được nhiều kiến thức mới, hiểu sâu sắc hơn, nhuần nhuyễn hơn giữa lý luận và thực tiễn. Từ ngày thành lập đến nay nhà trường đã đào tạo được 50.661 cán bộ, công chức trong đó có hàng ngàn cán bộ, công chức  đã trưởng thành, nắm vững lý luận được truyền thụ, vận dụng sát đúng vào thực tế, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý có uy tín trước Đảng và nhân dân, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển quê hương Tuyên Quang vững mạnh như ngày hôm nay.
          Thứ hai, về công tác nghiên cứu khoa học, thông tin – tư liệu.
         Nghiên cứu khoa học là một hoạt động quan trọng đạt được rất nhiều thành tích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, nhất là những năm gần đây. Có thể nói, trong 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã không ngừng đổi mới, công tác nghiên cứu khoa học. Đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện ở cả 3 cấp: cấp khoa, cấp trường và cấp tỉnh, trong đó nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thiết thực, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường; nhiều cuộc Hội thảo với nhiều bài viết  có giá trị lý luận, thực tiễn thể hiện tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc của các thế hệ giảng viên; gần đây nhất, nhà trường đã xây dựng được trang website tập hợp được nhiều bài viết chất lượng, nhiều thông tin bổ ích thu hút hàng vạn lượt truy cập; năm 2016, nhà trường đổi mới và tổ chức thành công 2 cuộc thi giảng viên dạy giỏi  và học viên học giỏi lý luận, thúc đẩy phong trào  thi đua dạy tốt và học tốt trong nhà trường…những thành tích trên là điểm nhấn quan trọng, đánh dấu sự đổi mới, sáng tạo trong tư duy lãnh đạo, quản lý của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, giảng viên.
          Thứ ba, về xây dựng cán bộ, viên chức của Nhà trường.
          Nói đến Nhà trường là nói đến đội ngũ  nhà giáo. Thực hiện lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các thầy cô giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc”[1], các thế hệ giáo viên của nhà trường đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện về chuyên môn và đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được phân công. Thế hệ này đi qua, thế hệ khác tiếp nối, đội ngũ giáo viên trẻ ngày càng đông. Buổi đầu khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường còn rất thiếu, mới chỉ có 09 người gồm một Ban Hiệu uỷ 04 đồng chí và 05 đồng chí là cán bộ, giảng viên. Đến nay, nhà trường đã có 56 cán bộ, giảng viên có đủ phẩm chất, trình độ năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
          Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng đào đạo, bồi dưỡng cán bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đến nay, 100% giảng viên, cán bộ quản lý có trình độ đại học trở lên, trong đó có 31/42 giảng viên có trình độ trên đại học (chiếm 73,8%), 01 chuyên viên cao cấp và 7 giảng viên chính. Năm 2016 nhà trường  tiếp tục cử 01 giảng viên đi học nghiên cứu sinh, 04 giảng viên tham gia khoá học đào tạo thạc sỹ tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, nâng số giảng viên có trình độ sau đại học lên cao hơn nữa. Chất lượng của các thế hệ giảng viên đã từng bước được nâng lên theo thời gian, nhiều giảng viên với tâm huyết, trình độ chuyên môn, phương pháp truyền thụ tốt đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng các thế hệ học viên. Góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cho Đảng, cho cách mạng.
          Thứ tư, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động dạy – học.
          Trong 60 năm qua,  trải qua các thời kỳ lịch sử, nhất là thời kỳ chiến tranh  nhà trường đã rất nhiều lần phải sơ tán, thay đổi địa điểm. Mỗi lần thay đổi nhà trường  phải đối mặt với những khó khăn mới nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, sự đoàn kết, quyết tâm của đội ngũ cán bộ giảng viên, nhà trường đã nhanh chóng vượt qua những khó khăn, từng bước ổn định về cơ sở vật chất. Từ những phòng học bằng gỗ, tre, nứa, mái lá đơn sơ đến nay nhà trường đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, với các phòng học có đầy đủ các thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng được yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức cho toàn tỉnh.  Góp phần  rất quan trọng vào những thành công của nhà trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
          Thứ năm, những thành tích nổi bật
            60 năm xây dựng và phát triển, những cống hiến và đóng góp của các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường đã được Trung ương và Tỉnh ghi nhận bằng những thành tích xứng đáng:
          Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho nhà trường về thành tích trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đặc biệt năm 2007 nhà trường đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều năm liền Nhà trường  được Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen về công tác đào tạo bồi dưỡng năm học, 02 giảng viên vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; nhiều cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
           Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ghi nhận thành tích Nhà trường đạt được, tặng Bằng khen cho Đảng bộ nhà trường đạt danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh” nhiều năm liền. Từ năm 2001 đến 2017, nhiều tập thể khoa, phòng và cá nhân đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.
         Ôn lại truyền thống vẻ vang của nhà trường, chúng tôi, những thế hệ giảng viên trẻ được kế thừa những thành quả xây dựng và phát triển của các thế hệ đi trước, thực sự cảm thấy vinh dự và tự hào. Hơn hết là chúng tôi ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình trong việc tiếp nối truyền thống của nhà trường, tích cực xây dựng trường ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ CNH, HĐH đất nước.       
         Trước hết, không ngừng phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, tích cực bổ sung kiến thức thực tiễn để nâng cao chất lượng bài giảng.
         Là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, với đối tượng người học rất đa dạng về trình độ từ trung học phổ thông đến tiến sỹ, đòi hỏi người giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực cập nhật các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như bổ sung nhiều kiến thức thực tiễn để làm phong phú cho bài dạy, có như vậy mới hấp dẫn và thuyết phục được học viên. Để làm được những điều đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của các cá nhân, tập thể nhà trường, đặc biệt là Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa phòng cần phải tiếp tục tạo điều kiện, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, giảng viên học tập và rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức thực tiễn cũng như trình độ lý luận chính trị.
         Thứ hai, phải thường xuyên tu dưỡng, giữ gìn bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, tác phong nghề nghiệp
         Môi trường chính trị là môi trường đòi hỏi người giảng viên không chỉ vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ mà còn đòi hỏi mỗi giảng viên phải không ngừng tu dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong nghề nghiệp. Mỗi giảng viên, nhất là giảng viên trẻ cần nêu cao ý thức tự rèn luyện  bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, không dao động, hoang mang trước những vấn đề “nóng”, vấn đề “khó” của đất nước. Người giảng viên trường chính trị luôn phải có một “nhãn quan chính trị tinh thông” để biết khai thác và chỉ ra những giá trị đích thực trong mỗi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để qua đó định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực. Thiết thực và cụ thể nhất là nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
         Thứ ba, phải luôn đồng tâm, hợp lực xây dựng trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang thành một ngôi trường đoàn kết, thống nhất cao.
         Một tập thể đoàn kết thì dù việc lớn, việc khó đến mấy cũng sẽ thành công như lời của Bác Hồ đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Để xây dựng được khối đoàn kết không chỉ dựa vào sự cố gắng của một cá nhân mà cần sự chung sức của cả tập thể, trước hết là từ phía Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, cần tiếp tục thực hiện tập trung dân chủ trong mọi hoạt động lãnh đạo, điều hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra…đồng thời các đoàn thể Công đoàn, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cần tích cực phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, du lịch, nghiên cứu thực tế mang tính chất tập thể để phát triển tình đoàn kết, gắn bó giữa các cán bộ, giảng viên, công nhân viên. Mỗi giảng viên cũng phải luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động chung của nhà trường, quan tâm, gần gũi, giúp đỡ đồng chí đồng nghiệp với tình cảm chân thành và tinh thần xây dựng cao nhất… Trong mọi hoàn cảnh, mỗi cá nhân phải luôn ý thức được mình vì mọi người, mọi người vì nhà trường để phấn đấu và cống hiến, phải biết dẹp bỏ tư lợi cá nhân vì lợi ích tập thể. Có như vậy, đoàn kết thống nhất sẽ là sức mạnh để nhà trường tiếp tục hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được được Đảng, nhà nước và nhân dân giao.
         Thật vinh dự và tự hào khi tôi được đứng trong hàng ngũ thế hệ kế tục sự nghiệp xây dựng và phát triển của nhà trường. Với tâm huyết, trách nhiệm của một người làm nghề giáo tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ chính trị, tiếp tục xây dựng truyền thống Trường chính trị tỉnh Tuyên Quang ngày càng vững mạnh.
 
 Thạc sĩ Phùng Thị Hà
Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, H, 1995, t.6, tr.467
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289582

Đang Online : 3197