Nghiên cứu - Trao đổi

Nâng cao năng suất lao động - Yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Ngày Đăng: 23/5/2018 17:7 Lượt xem: 682

 
Ảnh minh họa.

1. Năng suất lao động là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của một doanh nghiệp, là cơ sở để nâng cao thu nhập, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt cho người lao động. Tăng năng suất lao động là nâng cao được chất lượng cuộc sống và đảm bảo một xã hội tốt đẹp hơn. Ở cấp độ quốc gia, trong điều kiện hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt hiện nay, năng suất lao động xã hội là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế. Vai trò của năng suất lao động càng được khẳng định khi nền kinh tế thế giới đi vào khủng hoảng, nhiều nước phát triển đã định hướng cách thức phục hồi nền kinh tế nhanh nhất là thông qua phát triển công nghệ và cải tiến năng suất lao động.

Thông thường, năng suất lao động xã hội được tính bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chia cho số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Như vậy, cùng số lao động đang làm việc, nếu GDP càng lớn thì năng suất lao động xã hội càng cao và ngược lại. Quy mô của GDP nói chung phụ thuộc vào các nhân tố sản xuất là lao động, vốn và công nghệ. Sự kết hợp của các nhân tố lao động, vốn và công nghệ có hiệu quả hay không tùy thuộc vào môi trường thể chế, mô hình tăng trưởng, cơ cấu của nền kinh tế và một số nhân tố khác. Năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu thể hiện rõ ràng nhất năng lực, mô hình và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có mức tăng năng suất lao động nhanh nhất ASEAN song chênh lệch với các nước vẫn ngày càng được nới rộng. Năm 2017, GDP cả nước tăng 6,81%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 220 tỷ USD. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.

Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm. Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Đặc biệt, một xu hướng đáng lo ngại là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng. Với tốc độ tăng năng suất như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

2. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế (Nghị quyết số 05-NQ-TW) xác định nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Nghị quyết đề ra mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%. Đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái; chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nghị quyết xác định cải thiện và nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, những giải pháp quản lý, điều hành của Chính phủ có ý nghĩa quyết định trong việc cải thiện và nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Để nâng cao năng suất lao động, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, nhưng đồng thời cũng nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển từ những ngành, mặt hàng sản xuất giá trị thấp, sang sản xuất có giá trị cao hơn; tăng cường chính sách về cạnh tranh để bảo đảm sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Thứ nhất, tạo lập môi trường thể chế thúc đẩy tăng năng suất lao động

Cụ thể:

Thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh; điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt, chủ động; tăng cường hiệu quả phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực nói chung và nguồn nhân lực nói riêng một cách hiệu quả, qua đó, thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội.

Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân gắn với cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03-10-2017 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03-6-2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tập trung đầu tư phát triển, đi kèm với các chính sách ưu đãi và tạo động lực cho sự tham gia của khu vực tư nhân và thu hút lao động có kỹ năng vào những ngành kinh tế trọng điểm. Đẩy nhanh việc xây dựng các chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển các ngành, lĩnh vực như khởi nghiệp sáng tạo; nhân lực cho công nghệ thông tin; gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, thương mại. Rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không cần thiết và các loại phí không chính thức, qua đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tiết giảm chi phí doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế. Thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân; kịp thời giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp. 

Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm dần sự tham gia vào các ngành, lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể đảm nhận. Xây dựng lộ trình với những biện pháp cụ thể để tạo lập môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt đó là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản tạo nên năng suất lao động. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có năng lực, trình độ, tay nghề, đáp ứng được yêu cầu phát triển là giải pháp cơ bản để nâng cao năng suất lao động. Cần tiến hành rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và địa phương. Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Xây dựng cơ chế, chính sách phân luồng giáo dục, gắn với đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo một số trường đại học, một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong ASEAN và thế giới.

Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục và đào tạo, thực hiện tự chủ các trường đại học, cao đẳng công lập. Tăng cường kiểm soát chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học; công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục, trên cơ sở đó thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện cơ sở vật chất; cải thiện điều kiện ăn ở, đi lại cho học sinh nội trú ở vùng sâu, vùng xa; bảo đảm công bằng trong giáo dục, đào tạo. 

Xây dựng các quy định về liên thông giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả trong đào tạo, tạo cơ hội học tập, phát triển năng lực cho người học. Thực hiện đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề (không phân biệt hình thức sở hữu) theo nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo thuận lợi để doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo thực hiện hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động của doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện theo lộ trình việc phân bổ chi ngân sách cho hoạt động dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập. Mở rộng áp dụng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề (không phân biệt hình thức sở hữu) từ nguồn ngân sách nhà nước; nghiên cứu việc chuyển một số cơ sở dạy nghề công lập thành đơn vị cung cấp dịch vụ công, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự bù đắp chi phí và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội.

Mở rộng quy mô đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ lao động; khuyến khích khu vực tư nhân, doanh nghiệp tham gia dạy nghề; khuyến khích doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn, tự đào tạo lao động phục vụ nhu cầu của bản thân, các doanh nghiệp bạn hàng, đối tác, các doanh nghiệp có liên quan khác.

Từng bước áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình xây dựng, đổi mới chương trình và tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận chuyển giao chương trình tiên tiến của nước ngoài; thực hiện đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo, thu hút các đối tác nước ngoài tham gia xây dựng và phổ biến mô hình đổi mới về giáo dục và đào tạo ở Việt Nam. Nghiên cứu, thúc đẩy các hiệp định công nhận lẫn nhau trong các ngành nghề phù hợp. Nâng cao hiệu quả các chương trình học bổng của các nước, tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam.

Thứ ba, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước

Đổi mới thể chế chính là hướng đến tạo môi trường thông thoáng, minh bạch cho cạnh tranh bình đẳng của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, thể chế mới là điều kiện cần, vấn đề quan trọng hơn là bộ máy, cách thức làm việc của bộ máy hành chính nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương; đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức tổ chức tuyển dụng, sử dụng, trả lương, đánh giá, đề bạt cán bộ; thực hiện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chủ yếu dựa trên thành tích, kết quả công việc; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của đơn vị.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện điện tử hóa nghiệp vụ quản lý nhà nước. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công./.

Nguồn: http://tapchicongsan.org.vn

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286316

Đang Online : 27