Nghiên cứu - Trao đổi

Một số quan điểm của Đảng về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội

Ngày Đăng: 31/5/2018 0:55 Lượt xem: 903

          Nhận thức về văn hóa và vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội là cả một quá trình. Từ truyền thống của dân tộc, từ thực tiễn xây dựng đất nước, từ tinh thần của thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra triết lý phát triển ở Việt Nam là vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.  Mục tiêu đó đã thể hiện rõ vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế xã hội.
          Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và những định hướng cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế được Đảng ta nhận thức rõ và đề cập từ rất sớm. Trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 Đảng ta đã nhận định: “Văn hóa là một trong ba mặt trận mà người cộng sản phải quan tâm”. Ở thời điểm vận mệnh đất nước một lần nữa bị đe dọa, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức tháng 11-1946, Bác Hồ đã trình bày một quan niệm giản dị nhưng mang tính nguyên lý, có ý nghĩa cơ bản và lâu dài, đó là: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Đến Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII, Đảng ta xác định: "Vǎn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội"[1]. Hội nghị Trung ương 10 khóa IX tiếp tục phát triển thêm quan điểm trên: "Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước". Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Hội nghị Trung ương 9, khóa XI ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra những quan điểm và nhiệm vụ cụ thể  liên quan đến xây dựng văn hóa trong kinh tế. Theo đó, Đảng ta đã có sự mở rộng, gắn kết giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người. Một trong những quan điểm đó là: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”[2]. Một trong những nhiệm vụ về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đó là: "Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc"[3]. Đây là thành tựu to lớn về lý luận của Đảng, kết quả của sự tổng kết thực tiễn và tiếp thu kịp thời những thành tựu của tư duy nhân loại về văn hóa và phát triển trong những năm cuối thế kỷ XX. Từ đó đến Đại hội  XII của Đảng, tư tưởng này đã trở thành cơ sở đề ra đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về các vấn đề kinh tế và xã hội: "Phát triển bền vững văn hóa, xã hội; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân"[4].
          Ảnh hưởng qua lại của kinh tế tới văn hóa và văn hóa tới kinh tế là rất mạnh mẽ. Văn hóa trong giai đoạn hiện nay là văn hóa vận động trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang tính toàn cầu và hội nhập khi tác động của những thành tựu khoa học - công nghệ đang tạo ra một làn sóng mạnh mẽ đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
          Đánh giá thực trạng quan hệ giữa văn hóa và tăng trưởng kinh tế trong những năm qua, Đảng ta đánh giá “văn hóa chưa tương xứng với kinh tế[5]. Thiết nghĩ, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến "văn hóa chưa tương xứng với kinh tế" là: thực tế còn không ít những nhận thức chưa đầy đủ về mối quan hệ giữa văn hóa và tăng trưởng kinh tế. Thường hiểu đơn giản một chiều “Có thực mới vực được đạo”, mà không nhận thức được rằng, có thực chưa chắc đã có đạo hoặc thực nhiều nhưng đạo ít, thậm chí ngược lại hoàn toàn. Hoặc là nhận thức phiến diện về văn hóa, đồng nhất văn hóa với một vài hoạt động thuộc lĩnh vực tinh thần mà xem nhẹ vai trò, chức năng xã hội của nó.
          Nhiều năm qua chúng ta dễ nhận thấy yếu tố văn hóa còn mờ nhạt vắng bóng trong tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, đã có cảnh báo: “Hãy coi chừng! Nguy cơ đang tiềm ẩn trong tăng trưởng kinh tế, nguy cơ này nằm trong văn hóa”[6]. Văn hoá hiện hữu trong tất cả mọi mặt đời sống của con người. Nó là những gì do con người và vì con người. Có lẽ chính vì thế mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trong Nghị quyết về Thập kỷ thế giới văn hoá về phát triển 1987-1997 viết rằng: “Các trọng tâm, các động cơ và các mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hoá”. Cũng trong buổi lễ phát động về Thập kỷ thế giới văn hoá về phát triển, Tổng thư ký UNESCO lúc đó là F. Mayor cho rằng: “Hễ nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách khỏi môi trường văn hoá, thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng, cả về kinh tế lẫn văn hoá và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ vị suy giảm rất nhiều”[7].
          Từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế, Đảng ta đề ra các chủ trương, đường lối, quan điểm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó nhấn mạnh mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa: văn hóa phát triển trên nền tảng kinh tế và văn hóa tác động trở lại kinh tế.
          Phát triển văn hoá là một trong những mục tiêu của phát triển xã hội. Phát triển kinh tế - xã hội lên trình độ cao chính là hướng tới mục tiêu văn hóa. Mục tiêu của sự nghiệp đổi mới là phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh, trong đó phải giải quyết hài hoà giữa sự phát triển kinh tế và văn hóa, đảm bảo cho đất nước phát triển bền vững và lâu dài. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh tới vai trò của việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa này vừa phải là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Mọi hoạt động kinh tế phải đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa phải chú ý đến hiệu quả kinh tế, vừa phải chú ý đến hiệu quả xã hội và văn hóa. Đồng thời, phải chú trọng khai thác văn hóa như một nguồn lực đặc biệt để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa và du lịch văn hóa… Như vậy, văn hóa không phải là kết quả thụ động của nền kinh tế mà là nguyên nhân, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
          Sự phát triển của xã hội chính là sự phát triển của văn hóa và sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao của sự phát triển. Hồ Chí Minh cũng đề cao quan điểm về xây dựng một xã hội văn hóa cao, Người khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý đến cùng, phải coi trọng ngang nhau, đó là chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”[8]. Văn hóa là một lĩnh vực, một bộ phận của xã hội (chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa) . Văn hóa là mục tiêu của sự phát triển bởi lẽ, văn hóa do con người sáng tạo ra, chi phối toàn bộ hoạt động của con người, là hoạt động sản xuất các giá trị tinh thần cho con người, làm cho con người ngày càng hoàn thiện với tư cách là chủ thể của mọi sự phát triển. Phát triển hoàn thiện con người là mục đích cuối cùng của mọi phát triển.
          Văn hóa dân tộc cũng là cơ sở để lựa chọn mô hình kinh tế - xã hội nào trong quá trình phát triển. "Chúng ta chỉ có thể phát triển được và phát triển bền vững trên cơ sở giá trị văn hóa của chính dân tộc mình"[9]. Chúng ta không thể xây dựng một mô hình kinh tế - xã hội đi ngược lại đạo lý dân tộc. Hệ giá trị dân tộc quy định việc chọn lựa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta là: dân giàu, nước mạnh (vật chất - kinh tế),  dân chủ, công bằng, văn minh (con người - văn hóa).
Thạc sĩ Phạm Thị Hoa
Khoa Xây dựng Đảng
 

[1] Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), số 03-NQ/TW, ngày 16 tháng 7 năm 1998, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

[2] Nghị quyết số 33-NQ/TW, Tldd
[3] Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr299
[5] Nghị quyết số 33-NQ/TW, Tldd
[6]  Thập kỷ thế giới văn hóa về phát triển (UNESCO) 
[7]  Thập kỷ thế giới văn hóa về phát triển - Tldd
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.431.
[9] PGS. TS. Nguyễn Thị Hương, Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286226

Đang Online : 85